VinCommerce vẫn dẫn đầu bảng xếp hạng nhà bán lẻ hàng tiêu dùng uy tín 2020
Bảng xếp hạng Top 10 Công ty Bán lẻ uy tín năm 2020 vừa được Vietnam Report công bố với vị trí dẫn đầu vẫn là những tên tuổi lớn đình đám trên thị trường Việt Nam những năm gần đây.
Tại Bảng xếp hạng Top 10 Công ty bán lẻ uy tín nhóm hàng tiêu dùng nhanh, siêu thị, Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại tổng hợp VinCommerce vẫn dẫn đầu trong nhóm ngành tiêu dùng nhanh và siêu thị với 2 thương hiệu quen thuộc là Vinmart và Vinmart +.
Vị trí thứ 2 và thứ 3 trong nhóm ngành này thuộc về Go!/Bic C – thành viên của Central Retail tại Việt Nam và Công ty TNHH MM Mega Market (Việt Nam).
Ông lớn gốc Nhật Bản Aeon đứng thứ 4, trong khi đó Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) có sở hữu hơn 45,2% bởi nhóm các công ty của tỷ phú Jonathan Hạnh Nguyễn đứng thứ 7 trong bảng xếp hạng năm nay.
Ở nhóm ngành điện máy vàng bạc, Thế giới Di động chiếm vị trí dẫn đầu Top 10 bảng xếp hạng, tiếp theo là Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận và Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Dọi lần lượt ở vị trí thứ 2 và thứ 3.
Top 10 Công ty Bán lẻ uy tín năm 2020 được xây dựng, đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng.
Danh sách 1: Top 10 Công ty Bán lẻ uy tín năm 2020 - Nhóm hàng tiêu dùng nhanh, siêu thị
Danh sách 2: Top 10 Công ty Bán lẻ uy tín năm 2020 - Nhóm hàng lâu bền: Điện máy, điện lạnh, vàng bạc…
Ngành bán lẻ 3 quý đầu năm 2020: trụ vững trước sóng lớn
Trải qua năm 2019 với nhiều dấu ấn, đầy sôi động của thị trường bán lẻ Việt Nam, năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu đã và đang tác động đến hầu hết các ngành nghề trong nền kinh tế Việt Nam, bán lẻ là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất trên cả hai khía cạnh tích cực và tiêu cực.
Trong quý II/2020, do lệnh giãn cách xã hội của Chính phủ khiến hàng loạt chuỗi cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa. Số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động trong ngành bán lẻ đã tăng 21% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, tính chung 8 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm nhẹ 0,02%, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 4,5%, trong khi cùng kỳ năm 2019 tăng 9,5%.
Mặc dù doanh thu mua sắm trực tiếp giảm, nhưng ngành bán lẻ Việt Nam vẫn ghi nhận những dấu hiệu tích cực từ thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến và dịch vụ giao hàng.
Kết quả khảo sát của Vietnam Report với các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam mới đây cho thấy: 41,7% doanh nghiệp chịu tác động nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19; 50,0% doanh nghiệp đánh giá tác động nghiêm trọng vừa phải và 8,3% doanh nghiệp bị tác động ít, không đáng kể.
Hình 1: Đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đến doanh nghiệp bán lẻ
Top 4khó khăn của các doanh nghiệp bán lẻ dưới tác động của đại dịch Covid-19
Khi dịch bệnh bùng phát, nhất là trong giai đoạn cách ly xã hội, nhiều ngành kinh tế bị tê liệt, người lao động phải nghỉ làm, thu nhập bị giảm sút và có 85,3% người tiêu dùng trong khảo sát của Vietnam Report phản ánh họ phải tiết kiệm chi tiêu.
Bên cạnh đó, sự thay đổi hành vi của khách hàng với 58,8% người được hỏi cắt giảm mua sắm các sản phẩm không thiết yếu như quần áo, giầy dép; 70,6% cắt giảm thiết bị thể thao và hoạt động ngoài trời và 36,3% tăng mua các sản phẩm chăm sóc sức khỏe để phòng chống dịch, đặc biệt các sản phẩm có nguồn gốc oganic, đã tác động đến doanh thu của ngành bán lẻ.
Hình 2: Chi tiêu của khách hàng thay đổi dưới tác động của đại dịch Covid-19
Theo nhận định của các doanh nghiệp bán lẻ trong khảo sát của Vietnam Report, sức mua và doanh số sụt giảm; sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng; thiếu hụt nguồn vốn kinh doanh và đứt gãy chuỗi cung ứng là bốn khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp bán lẻ phải đối mặt dưới tác động của đại dịch Covid-19.
44,4% doanh nghiệp bán lẻ gặp khó khăn thiếu hụt nguồn vốn để kinh doanh khi doanh số sụt giảm nhưng vẫn phải gánh chịu các khoản chi phí hàng ngày như chi trả lương và các khoản chi phí liên quan cho người lao động, chi phí lãi vay, thuê mặt bằng.
Hình 3: Top 4 khó khăn của các doanh nghiệp bán lẻ dưới tác động của đại dịch Covid-19
Triển vọng những tháng cuối năm 2020: Thận trọng và Dè dặt
Với nhiều khó khăn phải đối mặt trong năm 2020 do tác động của Covid-19, sự thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, triển vọng ngành bán lẻ sẽ tiếp tục gặp những khó khăn.
Theo khảo sát củaVietnam Report, có đến 54,5% doanh nghiệp bán lẻ cho rằng triển vọng ngành bán lẻ trong những tháng cuối năm 2020 sẽ khó khăn hơn nhiều so với năm trước; 36,4% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn một chút và chỉ có 9,1% doanh nghiệp đánh giá khả quan hơn một chút.
Hình 4: Đánh giá triển vọng những tháng cuối năm 2020 so với cùng kỳ năm trước
Trong khảo sát doanh nghiệp và các chuyên gia trong ngành do Vietnam Report thực hiện tháng 8/2020 cho thấy, mặc dù trong trước mắt thị trường bán lẻ của Việt Nam có thể gặp một chút khó khăn do tác động nhất định của đại dịch, nhưng về mặt dài hạn, trong ít nhất 3 năm tới, đây vẫn luôn được đánh giá là ngành có nhiều tiềm năng phát triển.
Đáng chú ý, Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, sẽ góp phần tạo sức hút cho các doanh nghiệp lớn của EU đẩy mạnh đầu tư vào ngành bán lẻ của Việt Nam, dẫn đến cuộc đua giành thị phần trong lĩnh vực này vốn đã gay gắt nay lại trở lên khốc liệt hơn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ cũng gặp nhiều thách thức khi phải liên tục thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và nhiều mô hình bán lẻ.