VinFast 191 tỷ USD, áp sát Toyota, Forbes xếp ông Phạm Nhật Vượng giàu thứ 16 hành tinh
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng bứt phá lên vị trí giàu thứ 16 trên thế giới và đứng số 2 châu Á với khối tài sản 66 tỷ USD do cổ phiếu VinFast tiếp tục lập đỉnh mới trong phiên giao dịch 28/8 trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ.
VinFast lên 191 tỷ USD
Trong phiên giao dịch ngày 28/8 trên thị trường Mỹ (rạng sáng ngày 29/8 giờ Việt Nam), cổ phiếu VinFast (VFS) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng phiên thứ 6 liên tiếp và đóng cửa ở mức giá cao kỷ lục mới: 82,35 USD/cp. Vốn hóa đạt 191 tỷ USD.
Như vậy, sau 6 phiên, cố phiếu VFS đã tăng 5,4 lần.
Trong phiên, có lúc VFS đã lên 93 USD/cp, tương ứng giá trị công ty đạt 214 tỷ USD.
Với gần 12,7 triệu đơn vị được giao dịch trong phiên 28/8 chủ yếu ở mức 80-90 USD/cp, tổng giá trị cổ phiếu VinFast đã chuyển nhượng trong phiên ước đạt gần 1,1 tỷ USD, cao hơn tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn chứng khoán Việt Nam hôm 28/8.
Với mức giá 82,35 USD/cp mới thiết lập, vốn hóa của VinFast đang dần tiếp cận hãng xe hơi lớn thứ 2 thế giới là Toyota. Hãng xe có lịch sử gần trăm năm của Nhật (thành lập năm 1937) có vốn hóa tính tới 28/8 là 226 tỷ USD. Trong khi đó, hãng Tesla của Mỹ có vốn hóa 758 tỷ USD.
Vốn hóa của VinFast cũng đã vượt xa hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc là BYD. Kết thúc phiên 28/8, BYD có vốn hóa 90,3 tỷ USD. Trong khi đó, hãng siêu xe Porsche của Đức có vốn hóa đạt hơn 99 tỷ USD.
Như vậy, sau tròn 2 tuần giao dịch, cổ phiếu VinFast đã tăng vọt lên hơn 2,2 lần mức giá chào sàn. Hôm 15/8, cổ phiếu đóng cửa phiên đầu tiên có mức giá cao “bất ngờ”, ở mức 37,02 USD/cp.
Với mức vốn hóa 191 tỷ USD như hiện tại, VinFast rất có thể sẽ vượt Toyota trong một vài phiên tới, vươn lên thành hãng xe hơi lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Tesla của tỷ phú Elon Musk.
So với trong nước, vốn hóa của VinFast vượt tổng giá trị của tất cả doanh nghiệp có quy mô vốn hóa tỷ USD trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Theo thống kê, thị trường chứng khoán Việt Nam có 49 doanh nghiệp có quy mô vốn hóa tỷ USD, với tổng giá trị đạt khoảng hơn 170 tỷ USD. Vietcombank có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt, tính tới 28/8 đạt gần 412 nghìn tỷ đồng (tương đương 17 tỷ USD).
Gần đây, trên một số diễn đàn trong nước và quốc tế cho rằng, khó có thể đánh xuống cổ phiếu VinFast do lượng cổ phiếu lưu hành tự do (free float) của VinFast ở mức rất thấp (4,5 triệu đơn vị so với hơn 2,3 tỷ cổ phiếu VFS được niêm yết).
Trong khi đó, khả năng đánh lên có xác suất thắng cao hơn.
Ông Phạm Nhật Vượng giàu thứ 16 thế giới
Với sự bứt phá của cổ phiếu VFS, tổng cộng trong 6 phiên qua, vốn hóa của VinFast đã tăng thêm 155 tỷ USD, tương đương mỗi phiên tăng thêm gần 26 tỷ USD.
Hãng xe hơi trẻ của Việt Nam không chỉ vượt qua các ông lớn trong ngành với lịch sử phát triển rất lâu đời như: General Motors, Ford, Honda, Ferrari, Volkswagen, BMW, Mercedes-Benz, Porsche mà còn kéo theo tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng vọt.
Tính tới hết phiên 28/8 trên sàn Mỹ (rạng sáng 29/8 giờ Việt Nam), theo Forbes, ông Phạm Nhật Vượng có tổng tài sản đạt 66 tỷ USD, xếp thứ 16 trên thế giới, thứ 2 châu Á và số 1 Đông Nam Á.
Sau phiên 28/8, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã vượt tỷ phú Chung Thiểm Thiểm - Zhong Shanshan để trở thành người giàu thứ 2 châu Á, chỉ sau ông trùm dầu khí và bán lẻ Mukesh Ambani của Ấn Độ (người có 94,7 tỷ USD, tính tới 28/8)
Tỷ phú Chung Thiểm Thiểm là ông chủ công ty đồ uống lớn nhất Trung Quốc Nongfu Spring. Ông Thiểm có 60,5 tỷ USD tính tới hết ngày 28/8.
Như vậy, ở vị trí mới do Forbes xếp hạng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng còn đứng trên ông trùm máy tính Dell. Ông Michael Dell có tài sản tính tới hết ngày 28/8 là 65,8 tỷ USD.
Cũng với vị trí này, ông Phạm Nhật Vượng chỉ còn kém một chút (7 bậc) so với vị trí thứ 9 của ông chủ Facebook Mark Zuckerberg, người có 102,9 tỷ USD.
Trái ngược với Forbes, Bloomberg vẫn không xếp hạng tài sản của ông Phạm Nhật Vượng trong danh sách các tỷ phú của tạp chí này, có thể do những biến động cổ phiếu VFS quá mạnh. Cổ phiếu VinFast chưa thực sự ổn định.
Trong nước, tính tới 28/8, Việt Nam vẫn có 6 tỷ phú USD theo bảng danh sách Forbes. Xếp sau ông Vượng là ông Trần Đình Long (Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát) với khối tài sản 2,2 tỷ USD. Chủ tịch VietJet Nguyễn Thị Phương Thảo hiện sở hữu khối tài sản 2,1 tỷ USD. Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh có 1,6 tỷ USD. Ông Trần Bá Dương Thaco và gia đình sở hữu khối tài sản 1,5 tỷ USD. Ông chủ Masan Nguyễn Đăng Quang có 1,2 tỷ USD.
Trước khi đưa VinFast lên sàn chứng khoán Mỹ, tài sản của ông Vượng là 5,9 tỷ USD. Phần lớn tài sản của ông Vượng tăng thêm trong 2 tuần qua là nhờ VinFast và sự tăng bứt phá của cổ phiếu này.
Hiện nhiều người nghi ngờ về sự tăng giá bền vững của cổ phiếu VinFast. Tuy nhiên, giá trị giao dịch tỷ USD trong những phiên gần đây của VinFast cho thấy, dòng tiền vẫn đang đánh cược vào hãng xe điện mới của Việt Nam. Đây cũng là cơ hội rất lớn nếu VinFast có thể tận dụng.
CEO VinFast Lê Thị Thu Thủy đã có chia sẻ về nhiều kế hoạch của VinFast sau niêm yết. Bà Thủy tin rằng, thị trường chứng khoán chung đang phục hồi và sẽ giúp ích cho VinFast trong việc gọi vốn trong tương lai.
Bên cạnh đó, bà Thủy cũng cho biết VinFast không vội huy động vốn do đang có sự hỗ trợ từ công ty mẹ Vingroup và Chủ tịch Phạm Nhật Vượng với cam kết tài trợ 2,5 tỷ USD.
CEO VinFast cũng cho biết đang mở rộng ra các thị trường khác, bao gồm Bắc Mỹ, Việt Nam, sắp tới là châu Âu, Đông Nam Á và Trung Đông. Nhà máy tại Việt Nam có thể đạt công suất 300.000 chiếc/năm và sẽ mở rộng lên 950.000 chiếc/năm. Trong khi đó, nhà máy Bắc Carolina sẽ đi vào vận hành với công suất 150.000 chiếc/năm và cũng có thể mở rộng quy mô sản xuất theo nhu cầu thị trường.