Vinfast lập kỷ lục mới ở Mỹ; dự án 5 sao của FLC 'đắp chiếu' trên đất vàng
VinFast niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, ông Phạm Nhật Vượng lọt top 32 tỷ phú giàu nhất thế giới; Kiểm điểm chủ tịch, tổng giám đốc nhiều đơn vị thuộc EVN; Dự án 5 sao của FLC nằm 'bất động' trên 3 ha đất vàng tại Gia Lai... là những thông tin đáng chú ý tuần qua.
VinFast niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, ông Phạm Nhật Vượng lọt top 32 tỷ phú giàu nhất thế giới.
Sự kiện rung chuông trên Nasdaq Stock LLC (“Nasdaq”) diễn ra ngay sau khi VinFast hoàn tất thành công giao dịch hợp nhất kinh doanh với Black Spade Acquisition Co (“Black Spade”) ngày 14/8/2023.
Theo đó, VinFast chính thức trở thành công ty niêm yết đại chúng có tầm vóc toàn cầu, và là thương hiệu Việt có giá trị vốn hóa lớn nhất niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, tính đến hiện tại. Công ty có giá trị vốn hóa hơn 23 tỷ USD, hoạt động dưới pháp nhân VinFast Auto Ltd. (“VinFast”) với mã giao dịch “VFS”.
Dẫn dắt công ty sau niêm yết vẫn là Tổng giám đốc Toàn cầu Lê Thị Thu Thủy. Bà sẽ được hỗ trợ bởi đội ngũ quản lý cấp cao giàu kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực. Đại diện Black Spade sẽ đóng vai trò tư vấn cho sự phát triển toàn cầu của thương hiệu VinFast và hỗ trợ thu hút nhà đầu tư.
VinFast là công ty con của Vingroup, được thành lập vào năm 2017. Với sứ mệnh xây dựng tương lai bền vững hơn cho mọi người, VinFast đã chuyển đổi hoàn toàn sang sản xuất xe điện vào năm 2022.
Trên bảng cập nhật của Forbes, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng đứng ở vị trí thứ 32 thế giới, ngang ngửa với tỷ phú Lý Gia Thành và nhỉnh hơn một chút so với CEO Tencent Mã Hóa Đằng và nhà sáng lập Uniqlo Tadashi Yanai.
Theo Forbes, với việc đưa Vinfast lên sàn, ông Vượng đã trở thành người giàu thứ 5 châu Á. Thứ hạng hiện tại dù chưa phải mức cao nhất ông Vượng từng đạt được, nhưng đây là bước nhảy vọt của tỷ phú Việt, so với xếp hạng năm 2023 của Forbes. Khi đó, tài sản của ông Vượng chỉ 4,3 tỷ USD, xếp thứ 636.
Kiểm điểm chủ tịch, tổng giám đốc nhiều đơn vị thuộc EVN
Trong văn bản số 4829 gửi Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, EVN cho biết, Kết luận thanh tra số 4463 đã chỉ ra một số tồn tại, khuyết điểm, vi phạm trong quá trình quản lý và điều hành cung ứng điện của EVN và các đơn vị thành viên có liên quan đến cung cấp điện.
Trong văn bản, EVN cho biết Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc EVN đã có 5 văn bản triển khai công tác kiểm điểm đối với Tập thể Ban Tổng giám đốc EVN, Tổng giám đốc và các Phó Tổng giám đốc và yêu cầu tập thể Ban Giám đốc, Giám đốc các đơn vị trực thuộc và tập thể lãnh đạo Ban, Trưởng ban EVN đã tổ chức kiểm điểm/chưa tổ chức kiểm điểm để đốc thúc việc kiểm điểm.
Theo đó, từ ngày 27/7 - 29/7, Hội đồng Thành viên EVN đã tổ chức hội nghị để kiểm điểm, xem xét trách nhiệm đối với tập thể HĐTV, chủ tịch HĐTV và tổng giám đốc: Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, 5 Tổng công ty Điện lực, Tổng công ty Phát điện 1.
Ngày 28/7, đã tổ chức kiểm điểm tập thể nhóm người đại diện phần vốn của EVN, người phụ trách nhóm người đại diện là Chủ tịch HĐQT, người đại diện là Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc các Tổng công ty Phát điện 2, 3. Ngày 29/7 kiểm điểm tập thể Ban Giám đốc, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Thủ Đức.
Dự án 5 sao của FLC nằm 'bất động' trên 3 ha đất vàng tại Gia Lai
Ngày 18/8, tìm hiểu của Tiền Phong, dự án Tổ hợp khách sạn và nhà phố thương mại do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư, thực hiện tại số 29 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Ia Kring, TP.Pleiku, Gia Lai... dù đã 4 năm thi công nhưng vẫn dang dở.
Đây là khu "đất vàng” được tỉnh Gia Lai giao cho Tập đoàn FLC thực hiện trên diện tích 3 ha. Vị trí dự án đắc địa khi nằm cạnh trụ sở tiếp công dân tỉnh, Đài Phát thanh - Truyền hình, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, tòa án… và nối với đường Hùng Vương, một trong những con đường huyết mạch của tỉnh này.
Dự án có mức đầu tư hơn 760 tỷ đồng, với tên gọi khác là FLC HillTop Pleiku. Trong báo cáo chủ trương đầu tư, FLC sẽ xây dựng 90 căn nhà phố (shophouse), khách sạn, trung tâm hội nghị và quảng trường. Mục tiêu của dự án là trở thành Tổ hợp trung tâm thương mại và khách sạn 5 sao, trở thành biểu tượng mới của mảnh đất Tây Nguyên.
SH, Air blade, Lead 'vô chủ' chất đống, chỉ 500.000 đồng/xe
Tại Hà Nội, Công ty Hà Cầu - Thăng Long là đơn vị ký hợp đồng với cơ quan chức năng trông giữ phương tiện (xe máy, ô tô) vi phạm giao thông. Tại bãi trông giữ xe tại Hà Đông - Hà Nội, hàng nghìn chiếc xe máy xếp chồng chất lên nhau.
Ông Nguyễn Văn Thốn - Giám đốc Công ty Hà Cầu - Thăng Long - cho biết, có khoảng 3.500 chiếc xe máy tồn tại 2-3 năm tại bãi giữ xe. Có ngày bãi xe nhận về 20-30 xe máy vi phạm tuy nhiên số chủ phương tiện tới nộp phạt, nhận lại xe chỉ 1-2 chiếc. Đa phần xe bị bỏ lại do xe gặp tai nạn, hư hỏng hoặc cũ nát.
Theo ông Thốn, việc tồn hàng nghìn chiếc xe máy cũ tiềm ẩn lãng phí. Ví dụ, một chiếc xe vi phạm sau 3 tháng bị chủ xe bỏ lại, nếu thanh lý giá trị xe khoảng 1 triệu đồng/xe, nhưng do xe để lâu 2-3 năm nên giá trị thanh lý chỉ còn khoảng 500.000 đồng/xe.
Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định, chiếc xe được xác định vô chủ, quy trình tịch thu, đấu giá, tiêu hủy hiện khá phức tạp. Thời gian xử lý xe vi phạm tính từ thời điểm xe bị tạm giữ ít nhất hơn 1 năm.
Giảm đóng bảo hiểm xã hội từ 15 năm xuống 10 năm
Sáng 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, đồng tình với phương án giảm thời gian đóng BHXH, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lý giải, tình trạng rút BHXH một lần diễn ra vừa qua, do thời gian đóng quá dài, hiện đang ở mức 20 năm.
“Trong lúc khó khăn bởi đại dịch như vậy, giữa 20 năm sau với cái trước mắt, đôi khi người lao động bắt buộc phải chọn cái trước mắt, vì thấy sau 20 năm dài quá”, ông Huệ cho hay.
Theo Nghị quyết của Trung ương, thời gian đóng BHXH sẽ hướng đến 10 năm và có lộ trình, giai đoạn trung gian là 15 năm. Do vậy, theo ông Huệ, cơ quan soạn thảo có thể cụ thể thêm, ngoài đề xuất thời gian đóng 15 năm, nếu xác định thời điểm, lộ trình giảm xuống còn 10 năm nữa thì sẽ rất tốt.
Định đoạt số phận tòa tháp nghìn tỷ 'bỏ hoang' của Vicem
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng, Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Hà Nội về dự án Tòa tháp trung tâm điều hành và giao dịch Vicem tại Khu đô thị mới Cầu Giấy, Hà Nội.
Tại văn bản này, Văn phòng Chính phủ cho biết đã nhận được ý kiến của các bộ và UBND TP Hà Nội và xét đề nghị của Bộ Xây dựng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp thu ý kiến các bộ và chỉ đạo Vicem tiếp tục đầu tư hoàn thiện dự án này.
Trước đó Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho phép Vicem tiếp tục hoàn thiện tòa tháp ngàn tỷ là trung tâm điều hành và giao dịch Vicem để đưa vào kinh doanh, khai thác sau hơn 8 năm bỏ hoang, lãng phí.
Tòa tháp trung tâm điều hành và giao dịch Vicem được đầu tư từ năm 2010 với quy mô 31 tầng nổi, 4 tầng hầm, tổng vốn đầu tư xây dựng sau điều chỉnh khoảng 2.743 tỷ đồng.