Vingroup, Masan Group, Hòa Phát,… lọt top các tập đoàn lớn nhất Đông Nam Á do Fortune công bố

Lần đầu tiên Fortune công bố danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất khu vực Đông Nam Á, Việt Nam góp mặt 70 tập đoàn.

Ngày 18/6, lần đầu tiên tạp chí Fortune công bố danh sách Fortune SEA 500 - thống kê các doanh nghiệp lớn nhất Đông Nam Á. Việt Nam có 70 doanh nghiệp góp mặt trong danh sách này lớn nhất trong số đó là Petrolimex (xếp hạng 23 tổng thể), với doanh thu 11,5 tỷ USD.

Một số doanh nghiệp Việt khác có mặt trong danh sách như Agribank, Vingroup, Masan Group, Hòa Phát, Đầu tư Thế Giới Di Động, FPT, Vietnam Airlines… bên cạnh các ngân hàng gồm Agribank, BIDV, Vietinbank, VPBank hay MBBank.

Bên trong trụ sở chính của Vingroup tại Hà Nội. Vingroup là một trong 70 công ty lọt top 500 doanh nghiệp Đông Nam Á lớn nhất năm 2024 do Fortune bình chọn. (Ảnh: Đức Huy).

Bên trong trụ sở chính của Vingroup tại Hà Nội. Vingroup là một trong 70 công ty lọt top 500 doanh nghiệp Đông Nam Á lớn nhất năm 2024 do Fortune bình chọn. (Ảnh: Đức Huy).

Trong khi đó, Indonesia - với dân số 280 triệu người và GDP 1.500 tỷ USD, là quốc gia có nhiều công ty nhất trong danh sách, với 110 doanh nghiệp. Thái Lan, có 70 triệu dân và nền kinh tế 550 tỷ USD, đứng thứ hai sát nút với 107 công ty. Singapore, với chỉ 5,6 triệu dân, có sức ảnh hưởng vượt xa quy mô của mình trên danh sách, với 84 công ty.

Bảng xếp hạng dựa theo các tiêu chí như tổng doanh thu trong năm tài chính gần nhất, tất cả các doanh nghiệp phải công khai dữ liệu tài chính của mình, so sánh theo các năm với cùng công ty, và cuối cùng là quy đổi tiền tệ. Đối với các công ty báo cáo bằng ngoại tệ khác ngoài USD, doanh thu và lợi nhuận được quy đổi sang USD dựa trên tỷ giá hối đoái trung bình trong năm tài chính của họ.

Fortune cho biết bảng xếp hạng các công ty lớn nhất Đông Nam Á lần này đã cho thấy mội thị trường năng động và thay đổi nhanh chóng, nơi có 4.000 tỷ GDP và các nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn so với châu Âu hay Mỹ.

Đông Nam Á cũng đang đóng vai trò quan trọng hơn nhiều trong nền kinh tế toàn cầu. Sau đại dịch COVID, nhiều tập đoàn đa quốc gia Fortune 500 đã dịch chuyển chuỗi cung ứng của họ sang các quốc gia Đông Nam Á. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực đang tăng vọt. Và với dân số trẻ và đang tăng lên 680 triệu người, lạm phát thấp và tỷ giá hối đoái ổn định, Đông Nam Á đang nổi lên như một thị trường hấp dẫn theo đúng nghĩa của nó.

Tổng cộng, các công ty trong danh sách Fortune 500 Đông Nam Á đã thu về 1,79 nghìn tỷ USD doanh thu trong năm 2023, giảm 45 tỷ USD, tương đương 2,5% so với năm trước. Lợi nhuận giảm xuống gần 130 tỷ USD, giảm 13,9 tỷ USD, hoặc 9,6% so với năm 2022.

Sự sụt giảm này trái ngược với khả năng phục hồi tương đối của 6 nền kinh tế cốt lõi trong khu vực. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tất cả các quốc gia đó, gồm Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Việt Nam và Philippines - đều tăng trưởng GDP trong năm ngoái, tăng tốc với tốc độ chung là 4,2%.

Đi sâu hơn vào danh sách sẽ giúp giải thích sự bất hợp lý này. Chỉ có 5 công ty trong danh sách đủ lớn để lọt vào bảng xếp hạng Fortune Global 500 năm 2023, với ngưỡng doanh thu là 30,9 tỷ USD.

5 công ty hàng đầu - bao gồm ba đơn vị giao dịch hàng hóa khổng lồ có trụ sở tại Singapore (Trafigura Group, Olam Group và Wilmar International) và hai nhà sản xuất dầu khí thuộc sở hữu nhà nước (PTT của Thái Lan và Pertamina của Indonesia) - lại có quy mô lớn hơn nhiều so với các công ty cùng khu vực, chiếm tới 26% doanh thu của các công ty trong danh sách.

Vào năm 2023, những gã khổng lồ này đã bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột địa chính trị, cú sốc chuỗi cung ứng và sự bất ổn ở các thị trường như Trung Quốc và châu Âu. Do đó, tất cả 5 công ty đều báo cáo doanh thu thấp hơn trong năm 2023 do nhu cầu năng lượng toàn cầu yếu hơn.

Kết quả, doanh thu của họ giảm 16% tính theo nhóm. Ngược lại, 495 công ty chiếm 74% doanh thu còn lại của danh sách Fortune SEA 500 đã tăng khoảng 4% doanh số. Một số công ty khổng lồ thậm chí còn tăng lãi ngay cả khi doanh thu giảm.

Chẳng hạn, Trafigura, công ty lớn nhất trong danh sách đã thu về khoản lợi nhuận kỷ lục 7,4 tỷ USD trong khi doanh thu giảm 23%. Công ty xếp thứ hai là PTT ghi nhận lợi nhuận 3,2 tỷ USD, tăng hơn 23% so với năm 2022, bất chấp doanh thu giảm 6%.

Ngân hàng và các công ty dịch vụ tài chính hoạt động tốt vào năm ngoái. Ba ngân hàng lớn nhất khu vực - tất cả đều có trụ sở tại Singapore - ghi nhận doanh thu tăng hơn 60%. DBS Group là công ty có lợi nhuận cao nhất Đông Nam Á, với lãi ròng 7,5 tỷ USD. 9 trong số 20 công ty có lợi nhuận cao nhất trong danh sách này là ngân hàng.

Các hãng hàng không và sân bay cũng phát triển mạnh mẽ khi khu vực này tiếp tục phục hồi sau COVID-19. Doanh thu gần như tăng gấp đôi tại Changi Airport Group của Singapore, trong khi Airports of Thailand và Asia Aviation của Thái Lan thậm chí còn chứng kiến mức tăng trưởng doanh thu lớn hơn.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/vingroup-masan-group-hoa-phat-lot-top-cac-tap-doan-lon-nhat-dong-nam-a-do-fortune-cong-bo.html