Vĩnh biệt họa sĩ Lê Thiết Cương - người tiên phong với phong cách mỹ thuật tối giản

Họa sĩ, giám tuyển và nhà phê bình mỹ thuật Lê Thiết Cương – một trong những gương mặt nổi bật của nghệ thuật đương đại Việt Nam, đã qua đời tối 17-7 tại Hà Nội, ở tuổi 63, sau thời gian chống chọi với bạo bệnh. Sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương sâu sắc trong giới nghệ thuật tạo hình và công chúng yêu mỹ thuật.

Họa sĩ Lê Thiết Cương sinh năm 1962, tại Hà Nội. Ông theo học thiết kế mỹ thuật tại Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội (1985–1990) và sớm khẳng định dấu ấn riêng trong dòng chảy hội họa Việt với phong cách tối giản đặc trưng. “Tối giản là tôi, tôi là tối giản”, ông từng nói, như một tuyên ngôn nghệ thuật sống còn.

Chân dung họa sĩ Lê Thiết Cương. Ảnh: FBNV

Chân dung họa sĩ Lê Thiết Cương. Ảnh: FBNV

Trải qua hơn ba thập niên sáng tác không ngừng nghỉ, ông là người tiên phong đưa nghệ thuật trừu tượng và tối giản vào hội họa Việt, đồng thời mở rộng sáng tạo sang nhiều lĩnh vực như điêu khắc, nhiếp ảnh, thiết kế, kiến trúc. Tác phẩm của ông được trưng bày trong và ngoài nước, nằm trong bộ sưu tập của nhiều bảo tàng và cá nhân trên thế giới.

Không chỉ là nghệ sĩ thực hành, ông còn là giám tuyển, nhà phê bình và tác giả nhiều cuốn sách nghệ thuật, trong đó có “Thấy” (năm 2017), “Người và nhà” (năm 2024), và “Trò chuyện với hội họa” (năm 2025) – ấn phẩm ra mắt chỉ hai tháng trước khi ông qua đời.

Họa sĩ Lê Thiết Cương là người sáng lập nhóm họa sĩ G39 quy tụ những gương mặt nghệ sĩ tạo hình đương đại nổi bật. Ông cũng là cây cọ quen thuộc tham gia thiết kế sách, là giám tuyển của nhiều triển lãm nghệ thuật và không gian trưng bày.

Ông đã truyền cảm hứng và dẫn dắt nhiều thế hệ họa sĩ trẻ thông qua triển lãm, workshop, các buổi chia sẻ về tư duy nghệ thuật. Nhiều nghệ sĩ chịu ảnh hưởng từ phong cách và triết lý nghệ thuật của Lê Thiết Cương, đặc biệt là quan điểm kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.

Họa sĩ Lê Thiết Cương là một hình tượng nghệ sĩ Thủ đô tiêu biểu, sống và sáng tạo tâm huyết, nhiệt thành. Di sản mà ông để lại không chỉ là hàng trăm tác phẩm nghệ thuật mà còn là những giá trị tư tưởng, những bài học về sự nhất quán, chiều sâu văn hóa và tình yêu tha thiết dành cho nghệ thuật Việt Nam.

An Nhi

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/vinh-biet-hoa-si-le-thiet-cuong-nguoi-tien-phong-voi-phong-cach-my-thuat-toi-gian-709412.html