Vĩnh biệt người phi công anh hùng
Ngày 24-9, trong dòng người tới viếng Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (quận Gò Vấp, TPHCM) có đông các đồng chí, đồng đội lớp trước lớp sau của ông và cả những người trẻ thế hệ hôm nay.
Đồng đội khâm phục ý chí…
Là một trong những người tới sớm nhất, cựu phi công Nguyễn Văn Nghĩa, cũng là một Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, người lái máy bay MiG-21 bắn rơi 5 chiếc máy bay Mỹ, được xếp thứ 17 trong số 19 phi công ACE của Việt Nam, nói rằng ông khâm phục ý chí của người đồng đội Nguyễn Văn Bảy.
Thực tế chiến đấu, ông Nghĩa nghiệm ra rằng khi đương đầu với kẻ thù, ngoài vũ khí trang bị thì điều vô cùng quan trọng là ý chí con người. Các máy bay MiG-17, MiG-21 nói về độ hiện đại thì không thể so sánh với các máy bay hiện đại cùng thời khác của Mỹ. MiG-17 thậm chí chỉ trang bị 3 súng chứ không có tên lửa, vậy mà ông Bảy cùng các đồng đội của mình vẫn đánh được, bắn rơi nhiều máy bay do những phi công nhà nghề Mỹ điều khiển. “Như thế là rất giỏi”, cựu phi công lừng lẫy một thời đúc kết.
Trên chiếc xe lăn, Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thành Út nét viết đã run, viết rất dài về những bài học mà mình đã nhìn ra từ cuộc đời và sự nghiệp của ông Bảy. Đó là suốt đời trung với nước hiếu với dân, khắc phục khó khăn, tìm tòi ra cách đánh máy bay Mỹ. Đó là tâm tính chất phác, khiêm tốn, sống mẫu mực, bình dị…
Chia sẻ những kỷ niệm từ chiến trường, ông Út kể, cả đời ông chỉ khóc hai lần trên chiến trận. Một lần là khi đồng đội hy sinh và một lần khi thấy ông Bảy điều khiển chiếc máy bay thủng 84 lỗ trên thân, hạ cánh an toàn xuống sân bay. “Tôi quá xúc động, không phải vì anh Bảy quyết bay về thay vì nhảy dù, mà vì khi xuống đất, anh ấy nhẹ nhàng, vui vẻ như không…”, ông Út nhớ lại.
Xúc động nghẹn ngào, Trung tướng Phạm Phú Thái, cũng là một Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, run run: “Anh mất đi, chúng tôi khóc, những phi công cựu thù của chúng ta cũng rất tiếc thương và liên tục nhắn tin gửi lời chia buồn tới gia đình anh và các cựu chiến binh không quân Việt Nam. Anh mất đi là tổn thất không gì bù đắp được cho gia đình, đồng đội, bạn bè…”.
Sự trân trọng của những đối thủ một thời
Ngay từ khi ông Bảy ngã bệnh, Trung tướng Phạm Phú Thái đã liên tục cập nhật tình hình sức khỏe của người đồng đội trên facebook cá nhân. Hàng ngàn lượt bày tỏ cảm xúc, bình luận sẻ chia đến từ đồng chí đồng đội, đến từ cả những người từng bên kia chiến tuyến. Trong đó có lời nguyện cầu của Rick Hartnack, cựu cơ trưởng USMC, phi công ghế sau F-4: “Mong ông biết rằng rất nhiều cựu phi công Hoa Kỳ đã may mắn được gặp ông trong những năm qua đều dành cho ông tình cảm trân trọng và cầu nguyện điều tốt nhất cho ông…
Những kỷ lục của ông trong thời chiến là phi thường, ông chắc chắn là một trong số các phi công hàng đầu mọi thời đại. Được tiếp xúc và gặp mặt ông là một trong những điều đáng nhớ, đáng trân trọng của đời tôi”…
Chỉ dám nhận mình là một người lính may mắn được ông Bảy đào tạo, chỉ huy những năm 1968 - 1971, Thượng tá Đoàn Hồng Quân tỏ lòng khâm phục tài nghệ và cả tính cách cương trực đậm chất miền Tây Nam bộ của người thủ trưởng Trung đoàn 923.
Ông kể, ngày đó ông tập lái MiG-17, do cơ động quá mạnh nên rớt mất hai thùng nhiên liệu phụ lúc nào không biết. Ai cũng nghĩ ông bấm nhầm nút nên mới vậy. Thời buổi khó khăn, nếu do sơ suất mà làm rơi mất thì bị kỷ luật. Ông Bảy cũng nói, ông lỡ làm thì ông nhận đi. Đến khi bộ phận kỹ thuật kiểm tra phát hiện ra đó chỉ là sự cố do thao tác quá mạnh, ông Bảy nhận lỗi ngay: “Tui sai rồi, tui nghĩ oan cho ông!”.
Không chỉ có những mái đầu bạc phơ, với dáng người cao cao, hào hoa thanh thoát của giới phi công tới tiễn đưa ông Bảy, mà lẫn trong đó có cả những mái đầu xanh. Nhóm bạn trẻ đến từ Quảng Trị, Nha Trang, Tiền Giang đến viếng ông trong buổi sáng 24-9. Đại diện cho các bạn, Lê Đức Anh Tuấn nói rằng sẽ kể về những chiến tích phi thường của ông Bảy trong một thời gian rất dài, để những thế hệ sau hiểu được truyền thống anh hùng của dân tộc và để những người anh hùng dân tộc như ông không bao giờ bị lãng quên…
Viếng Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM trân trọng ghi vào sổ tang, tưởng nhớ “người sĩ quan và đảng viên suốt đời chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, tấm gương sáng về đạo đức cách mạng cho các thế hệ”. Đồng thời khẳng định, các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam, các cựu chiến binh luôn tự hào và noi gương ông. Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng xúc động bày tỏ tiếc thương “người anh hùng chân đất, một phi công quả cảm - tài năng, người đồng chí, người bạn chân thành gần gũi”. Đoàn đại biểu Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM do đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, trưởng ban dẫn đầu cũng tới viếng Đại tá Nguyễn Văn Bảy.
Đến chiều 24-9, đã có trên 140 đoàn và hàng ngàn người vào viếng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cũng gửi vòng hoa viếng. Sau lễ viếng, đến 5 giờ sáng 26-9 sẽ diễn ra lễ truy điệu và di quan linh cữu Anh hùng Nguyễn Văn Bảy về quê nhà tại xã Tân Dương, huyện Lai Vung (Đồng Tháp). Lễ viếng tại quê nhà được tổ chức từ 12 giờ ngày 26-9 đến 10 giờ 30 phút ngày 27-9. Lễ an táng diễn ra trưa cùng ngày.
Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/van-hoa-doi-song/vinh-biet-nguoi-phi-cong-anh-hung-72539.html