Vĩnh biệt người phụ nữ kéo cờ Tổ quốc trong Lễ Tuyên ngôn Độc lập năm 1945

GS Lê Thi - người con gái Hà thành năm xưa vinh dự được giao kéo lá cờ Tổ quốc ngày Lễ Tuyên ngôn Độc lập năm 1945- đã vĩnh biệt cõi tạm đúng vào những ngày tháng Tám lịch sử, hướng tới kỷ niệm 70 năm nền độc lập dân tộc.

GS Lê Thi

Khó có thể kể hết số lần GS Lê Thi xuất hiện trên truyền thông với những hồi ức về ngày Lễ độc lập đầu tiên cách đây 75 khi bà vinh dự được trực tiếp được tham gia, góp mặt.

Thời điểm đó, GS Lê Thi- tên thật là Dương Thị Thoa- còn là cô sinh viên trường Đồng Khánh (nay là trường Trưng Vương, Hà Nội).

Là con gái cưng của nhà giáo nổi tiếng, hiệu trưởng trường Bưởi, liệt sĩ Dương Quảng Hàm, cô nữ sinh Lê Thi sớm giác ngộ cách mạng. Công việc của bà là cùng đội phụ nữ cứu quốc đi tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ cách mạng.

Khi cách ngày 2/9/1945 khoảng hơn 1 tuần, tôi nhận được lệnh của cấp trên đi vận động tất cả phụ nữ Hàng Bông tập hát Quốc ca, đi đều bước, chọn quần áo, trang phục mặc chỉnh tề, nghiêm trang để chờ đến ngày trọng đại"- bà Lê Thi nhớ lại về những ngày tháng Tám lịch sử.

Sáng 2/9/1945, Lê Thi đến từng gia đình vận động người dân tham gia cuộc mít tinh vào buổi chiều. Đúng 14h, bà dẫn đầu đoàn phụ nữ cứu quốc tiến về quảng trường Ba Đình.

Phụ nữ chúng tôi hôm đó, ăn vận áo dài trắng, quần trắng, riêng tôi cầm trên tay một cây gậy bằng gỗ, trên đường đi vào quảng trường vừa đi vừa hô 1,2...1,2... đi đều bước”- bà Lê Thi kể.

Khoảng 13h30 ngày 2.9.1945, hàng vạn đồng bào đã sẵn sàng chờ đến giờ phút Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Chúng tôi đang đứng hồi hộp chờ đợi cuộc mít tinh sắp bắt đầu, bỗng nhiên một đại diện Ban tổ chức đến chỗ đoàn phụ nữ chúng tôi yêu cầu cử một đại diện lên kéo cờ. Có lẽ đó là sự ngẫu nhiên vì khi đó tôi đứng ở hàng đầu. Tôi rất lo vì đây là sự kiện trọng đại, tôi lại chưa được chuẩn bị gì. Nếu có bất cứ sai sót nào dễ ảnh hưởng đến buổi lễ. May là tôi thuộc bài Tiến quân ca nên kéo cờ lên đến đỉnh là vừa hết nhạc. Lúc đấy, tôi mới dám thở phào nhẹ nhõm"- bà Lê Thi sau này nhớ lại về giờ phút lịch sử.

Trong lúc bước lên lễ đài, cô nữ sinh Lê Thi gặp một người chị đứng ngay ngắn một góc. Cô mở lời: "Chị với em lên lễ đài, chị nâng cờ, em kéo". Người phụ nữ kéo cờ ấy, phải đến 20 năm sau, giáo sư LêThi mới biết đó là bà Đàm Thị Loan, người dân tộc Tày, vợ Đại tướng Hoàng Văn Thái.

Vào đúng ngày lịch sử ấy, nhiều năm sau, ngày 2/9/1997, 2 người phụ nữ ấy đã có cơ hội gặp nhau lần nữa và chụp chung với nhau bức hình tại Quảng trường Ba Đình.

Cũng chính trong buổi lễ tại Quảng trường Ba Đình ngày ấy, lần đầu tiên bà Thi được nhìn thấy Bác Hồ. “Lúc nhìn thấy Bác Hồ, tôi nghĩ sao Bác ăn mặc giản dị thế, Bác mặc bộ kaki trắng, đi đôi dép cao su. Bác khác hẳn với tưởng tượng của tôi"- bà Thi nhớ lại. Với bà, thời khắc ấy, bà mãi mãi khắc ghi trong cuộc đời.

Bà Lê Thi (trái) và bà Đàm Thị Loan năm 1987

Sau ngày độc lập, bà Lê Thi hăng hái tham gia các phong trào cách mạng, bà được bầu làm Bí thư Hội Phụ nữ cứu quốc khu Hoàn Kiếm, làm Phó Bí thư Hội Phụ nữ cứu quốc tỉnh Vĩnh Phúc...

Năm 1956, bà Lê Thi được cử đi học lớp lý luận cao cấp đầu tiên của trường Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Bà được phong giáo sư triết học, sau đó làm Viện trưởng Viện Triết học Việt Nam. Khi về hưu, bà cùng một số người sáng lập trung tâm nghiên cứu phụ nữ và gia đình, sau này chuyển thành Viện Gia đình và Giới.

PV

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/vinh-biet-nguoi-phu-nu-keo-co-to-quoc-trong-le-tuyen-ngon-doc-lap-nam-1945-post93282.html