Vĩnh biệt Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu – Người trọn nghĩa vẹn tình với quê hương
Khi còn đương chức cũng như khi không trực tiếp giữ trọng trách của Đảng, dù trong bộn bề công việc, ông vẫn luôn dành cho quê hương xứ Thanh tình cảm và sự quan tâm sâu nặng.
Thông tin từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Lê Khả Phiêu - Nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đã từ trần vào hồi 2 giờ 52 phút ngày 7/8/2020 tại Hà Nội… Một không khí trầm buồn lan tỏa khắp thôn 2, làng Thạch Khê Thượng, xã Đông Khê, huyện Đông Sơn (quê nhà của Nguyên Tổng Bí thư). Dẫu biết rằng sinh, lão, bệnh, tử, đời người rồi ai cũng phải trải qua, tuy nhiên khi đón nhận hung tin ai cũng bồi hồi, xúc động trước sự ra đi của người con ưu tú của quê hương.
Khi biết tin Nguyên Tổng bí thư mất, toàn thể nhân dân trong xã ai cũng bỡ ngỡ, đau buồn, hẫng hụt. Cán bộ, đoàn viên thanh niên cũng như các đoàn thể và người dân, xóm giềng không ai bảo ai, tất cả đều gác lại những việc thường nhật để đến tư gia, thăm lại căn nhà nhỏ, nơi sinh thời, lớn lên của ông để tỏ bày, vĩnh biệt người con ưu tú của quê hương về với đất mẹ.
Mọi người xúm lại, mỗi người một tay dọn dẹp sân vườn, lau chùi nhà cửa, tỉa gọt cây cối. Đặc biệt, những gốc cây ông trồng năm xưa như mít, bưởi… đều đang rộ chín. Người bảo vệ, trông nom căn nhà hái xuống mời khách ăn, thế nhưng hoa quả bày đó mà ai cũng ngậm ngùi, thương cảm.
Ông Nguyễn Quang Lân (SN 1930) là người bạn thuở nối khố hiếm hoi còn lại ở làng Thạch Khê Thượng của Nguyên Tổng bí thư. Bùi ngùi, hẫng hụt, ông Lân chậm rãi cho biết: "Trước kia, mỗi năm anh ấy về tới 3 hay 4 bận. Bận nào nhỏ Hồng (con gái đầu của Nguyên Tổng Bí thư) cũng chạy đến í ới "Bác Lân qua chè nước với bố cháu!". Khổ, mỗi lần qua có kịp hàn huyên chi nhiều. Đông lắm, nào các cháu đoàn viên thanh niên, các lãnh đạo xã, huyện rồi bà con… Mãi khi anh ấy bảo mệt, khách thưa, anh ấy mới níu lại thêm...".
Nhớ lại thuở ấu thơ, khi đó chừng mới 5, 6 tuổi, nhà gần vách nên hôm nào ông Lân với Nguyên Tổng bí thư cũng rủ nhau cắp tập đến nhà cụ đồ Ước học. Trưa về thì ra con hồ trước nhà tắm đẫy. Ông Lân nhớ lại: "Anh Phiêu là người tài năng, thông minh và học giỏi. Năm 14 tuổi, anh ấy tham gia Đội thiếu niên cứu quốc, làm đội trưởng. Năm 18 tuổi kết nạp Đảng và là Trưởng Ban thông tin tuyên truyền của xã. Chúng tôi cùng nhau lớn lên, hoạt động tại xã cho tới năm 1950 thì tôi và anh ấy nhập ngũ…
Những năm tháng chiến đấu, chúng tôi ít có dịp gặp nhau. Đến năm 1953, ta thành lập 1 tiểu đoàn sang Lào đi giải phóng đồn Chiền Chia để trận viện cho chiến dịch Điện Biên. Lúc đó anh Phiêu ở Trung đoàn 9, thuộc thị xã Sầm Nưa còn tôi ở trung đoàn 120 đóng ở Sầm Tớ cũng có duyên gặp 1 lần. Anh ấy là người tài, trực tiếp cầm súng và được tôi luyện thực tiễn nên sớm được Đảng và Nhà nước giao phó cho nhiều trọng trách, cao nhất là Tổng Bí thư. Anh ấy cũng được nhân dân suy tôn là nhà chính trị - quân sự xuất sắc, nhà hoạt động thực tiễn nhiệt huyết…
Dẫu vậy, dù làm quan nhưng anh chân chất, gần gũi lắm, không phải với tôi mà với tất cả người dân. Hôm rồi, cũng mới đận tết Canh Tý, tôi có bảo con cháu lấy danh bạ điện thoại gọi cho anh ấy. Khi đấy cháu Hồng cầm máy bảo bố cháu ốm, phải thở oxy tôi đã thấy lo lo. Lo bởi lâu rồi không thấy anh ấy về nhà. Nay nhận tin này mà lòng buồn thắt. Vĩnh biệt bạn tôi".
Là hàng xóm, cách nhau 1 bức bờ rào, từ khi ông Phiêu đang còn là thanh niên đến lúc trưởng thành làm lãnh đạo cấp cao, bà Lê Thị Phú (SN 1939) vẫn nhớ như in hình ảnh người anh, người lãnh đạo giản dị, gần gũi, luôn ân cần mỗi dịp về thăm quê. Khi biết tin ông Phiêu mất, tâm nguyện của bà Phú cũng như người dân trong làng muốn ra Hà Nội thắp nén hương tiễn biệt người con đã làm rạng danh quê hương Đông Sơn.
Nghẹn ngào, bà Phú hồi tưởng lại: "Nhà ở gần nhau, bác Phiêu lại rất thân với anh trai tôi nên lúc nhỏ thường xuyên qua chơi. Hình ảnh người thanh niên nhỏ nhắn, giản dị vẫn in sâu trong tâm trí tôi. Bác là người hiền lành, đức độ, cư xử rất lễ phép. Sau này bác làm lãnh đạo cấp cao nhưng mỗi dịp cuối năm vẫn về quê thắp hương tổ tiên, dành thời gian đi hỏi thăm bà con, hàng xóm.
Anh trai tôi là bạn thân của bác Phiêu từ thuở còn chăn trâu, cắt cỏ. Năm 2011, anh trai tôi mất. Mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng bác vẫn về thắp cho bạn nén hương vĩnh biệt. Biết tin bác mất, tôi cảm giác đau đớn, hụt hẫng như mình vừa mất người thân. Tâm nguyện của tôi rất muốn được ra Hà Nội thắp nén hương vĩnh biệt người anh, người lãnh đạo vì dân lần cuối".
Ông Lê Mạnh Trung, cán bộ tư pháp xã Đông Khê, là người may mắn được gặp Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu rất nhiều lần. Lần cuối cùng là khi ông về thăm quê vào năm 2018. Ký ức về Nguyên Tổng bí thư trong ông Trung vẫn còn vẹn nguyên là người giản dị, gần gũi.
"Hằng năm vào ngày 27 Tết, bác thường về quê thắp hương tổ tiên, dành thời gian ân cần đi hỏi thăm hỏi bà con, hàng xóm. Dặn dò cán bộ địa phương phải chăm lo tết cho người dân nhất là người nghèo, hộ chính sách. Bác rất quan tâm đến việc học hành của con em trong địa phương. Quỹ Khuyến học Lê Khả Phiêu trong 12 năm đã tặng gần 400 phần quà cho học sinh hiếu học. Mặc dù là lãnh đạo cấp cao nhưng bác luôn mộc mạc, khiêm tốn, nhã nhặn, gần gũi và giản dị
Bác đã về với tổ tiên, nhưng bao nhiêu ký ức về bác luôn luôn sống mãi, không thể phai mờ trong tâm thức của người dân Đông Khê chúng tôi", ông Trung chia sẻ.