Vĩnh biệt tác giả bài thơ Quê hương nổi tiếng

Thế hệ những người sinh ra, lớn lên và được học tập dưới mái trường xã hội chủ nghĩa những năm 60-70 của thế kỷ trước ở miền bắc, chắc hẳn ai cũng nhớ cũng thuộc cả bài hoặc chí ít vài câu trong bài thơ Quê hương của nhà thơ Giang Nam: Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường/Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ/'Ai bảo chăn trâu là khổ?'/... Những ngày trốn học, đuổi bướm cạnh cầu ao/Mẹ bắt được chưa đánh roi nào đã khóc…

Bài thơ Quê hương ra đời vào năm 1960, khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ ngày càng trở nên khốc liệt, trở thành một trong những biểu tượng đẹp đẽ về tình yêu cá nhân hòa trong tình yêu Tổ quốc. Những câu thơ đẹp giản dị và gần gũi ấy đã đánh thức những vùng ký ức bình yên, trong sáng trong tâm hồn người đọc, để rồi đưa người đọc đến với tình yêu đất nước rộng lớn hơn qua sự hy sinh của nữ chiến sĩ du kích: Xưa yêu quê hương vì có chim, có bướm/Có những ngày trốn học bị đòn roi/ Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất/Có một phần xương thịt của em tôi.

Nhà thơ Giang Nam (trong ảnh), tên khai sinh là Nguyễn Sung, sinh ngày 2/2/1929, quê quán: xã Ninh Bình, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 17 tuổi, bắt đầu làm công tác tuyên truyền, văn nghệ tại ban thông tin xã. Sau đó ông được điều về làm việc ở Ty Thông tin Khánh Hòa vì tổ chức nhận thấy ông có năng khiếu văn chương.

Sau Hiệp định Giơnevơ (1954), hai miền chia cắt, ông xung phong ở lại miền nam chiến đấu. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, ông từng trải qua các vị trí: Phó Trưởng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Khánh Hòa, Phó Tổng Thư ký Hội Văn nghệ giải phóng, Tổng Biên tập báo Văn nghệ Giải phóng. Sau ngày đất nước thống nhất (1975), Giang Nam trở thành Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa II, III; đại biểu Quốc hội khóa VI, Tổng Biên tập Tuần báo Văn nghệ (1978-1980). Năm 1984, ông được điều về công tác tại tỉnh Phú Khánh, trở thành Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh (1984-1989), rồi Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (1989-1993) cho đến khi nghỉ hưu.

Cả sự nghiệp văn học của mình, ông viết nhiều thể loại: thơ, trường ca, truyện, truyện ký, hồi ký văn học…, nhưng nhiều nhất vẫn là thơ và trường ca với hơn mười tập, trong đó đặc sắc nhất là bài thơ Quê hương, sau này được lấy làm tên tập thơ xuất bản năm 1965. Đề tài của ông viết khá đa dạng, nhưng tập trung nhất vẫn là chiến tranh cách mạng và cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc cả trong thời chiến và thời bình. Ông đã nhận được nhiều giải thưởng văn học danh giá ở cấp Trung ương và địa phương, trong đó có Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật đợt I (năm 2001) cho ba tập thơ Quê hương, Hạnh phúc từ nay và Thành phố chưa dừng bước chân.

Còn nhớ cách đây mấy năm, vào công tác ở Nha Trang, tôi đã vinh dự có buổi trò chuyện dài với ông trong một chiều mưa như trút. Nơi ông ở là một ngôi nhà sơn mầu trắng, trên con phố có vỉa hè thoáng rộng, số 46 đường Pasteur. Bước qua cửa thấy một cái sân có nhiều cây xanh, gọn ghẽ, tươi tắn chắc hẳn được chủ nhà thường xuyên chăm chút. Từ sau khi mổ tim, ông phải tuân thủ chế độ sinh hoạt nghiêm ngặt. Giọng ông nhỏ nhẹ, nhưng rõ ràng và thỉnh thoảng chen vào những câu đùa hóm hỉnh. Phần lớn buổi trò chuyện hôm ấy, chúng tôi nói về bài thơ Quê hương.

Ông kể: “Đó là một buổi chiều năm 1960, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy gọi tôi lên, hỏi thăm với thái độ đặc biệt ân cần khiến tôi linh cảm có chuyện bất thường. Quả nhiên sau đó anh thông báo, cơ sở cho biết vợ và con gái tôi bị địch bắt và đã bị chúng thủ tiêu. Trời như sập xuống đầu tôi. Tối hôm đó, dưới chân núi Hòn Dù, cách thành phố Nha Trang chừng bốn chục cây số, bên ngọn đèn dầu tù mù, trong vòng một tiếng, tôi viết xong bài thơ Quê hương, hầu như không gạch xóa, sửa chữa một chữ nào.

Những kỷ niệm cũ, tình yêu ban đầu e ấp vụng dại, những giận hờn và buổi chia tay đầy nước mắt, vợ và con tôi đều khóc… hiện ra trên đầu ngọn bút. Vừa viết, nước mắt tôi vừa trào ra. Về sau mới biết, tin vợ và con gái tôi bị thủ tiêu không chính xác. Vợ tôi bị bắt ở Biên Hòa, địch giam kín trong khám Chí Hòa, chúng giấu kỹ thông tin. Trong số tù chính trị, nhiều người bị thủ tiêu cho nên tổ chức mới nhầm vợ con tôi cũng đã bị giết hại. Năm 1962, do mình đấu tranh dữ quá, chúng buộc phải đem ra xử công khai. Đó là vụ án chính trị duy nhất ở Sài Gòn bấy giờ và lúc ấy tôi mới được biết”.

Trong văn học Việt Nam thời chiến tranh có hai bài thơ nổi tiếng, Núi Đôi của Vũ Cao và Quê hương của Giang Nam viết về sự ly biệt giữa người chồng bộ đội và vợ/người yêu, một ở miền bắc, một ở miền nam. Cả hai bài thơ, nhân vật nữ đều là du kích bị kẻ thù giết hại. Nhưng “cô bé nhà bên” trong bài thơ Quê hương đã còn sống, vì tin bị địch thủ tiêu là do nhầm lẫn. Tuy nhiên, chiến tranh và tù đày đã chia cách nhà thơ Giang Nam với vợ và cô con gái, phải sau 15 năm ròng (1958-1973) gia đình ông mới được đoàn tụ.

Về công việc chính, có thể gọi ông là nhà hoạt động chính trị-văn nghệ, còn trong văn chương, ông là nhà thơ trữ tình. Tôi đã hỏi ông về điều này, và ông trả lời: “Ngay cả trong chính trị thơ tôi cũng trữ tình, nên tôi là nhà thơ trữ tình. Thời khắc bềnh bồng đêm về đâu/ Ai đem kỷ niệm buộc đời nhau/Em đi sương ướt bờ vai nhỏ/Bao dặm đường xanh mấy nhịp cầu (Đêm)”.

Tuy ở tuổi ngoài chín mươi, đã mổ tim, nhưng hằng ngày ông vẫn làm việc và làm thơ. Ngồi dưới mái hiên nhà, ông giở những cuốn sổ tay đã cũ, chỉ cho tôi xem những bài thơ đã viết và mới viết. Đó đều là những bài thơ chép tay, mỗi trang được đánh số thứ tự rất cẩn thận, ghi rõ ngày tháng, xuất xứ, giải thích địa danh, tên người, đã gửi cơ quan báo chí nào. Chữ của ông rất đẹp. Bài thơ gốc viết bằng mực bút bi xanh, chữ chữa lại viết bằng mực bút bi đỏ.

Có bài thơ chỉ thay đổi một vài dấu chấm, phẩy; lại có những bài thơ sửa chi chít, chứng tỏ lao động thơ của ông rất nghiêm túc và bền bỉ, chuyên cần, một điều mà nhiều người viết hôm nay phải lấy đó làm gương. Bên cạnh những bài thơ hoài niệm, tôi đọc thấy khá nhiều câu thơ viết về biển đảo, mang tính thời sự: Thôn tính đảo xa, thôn tính bãi bờ/Nỗi đau của gia đình, khát vọng của cha xưa/Nỗi đau của em buổi ra đi em còn nhắc/“Cả dân tộc quyết đập tan tội ác/Giữ vững chủ quyền” vì độc lập, vì em…

Trước khi chia tay, nhà thơ Giang Nam nói như tâm sự: Làm thơ là phải viết bằng cả tấm lòng mình; thơ phải có tình, chính trị vừa thôi, không được bảo thủ, phải đổi mới cách viết. Nhưng dù có viết thế nào vẫn phải đặt Tổ quốc lên trên hết, và không được quên âm điệu riêng của dân tộc mình.

Tên tuổi của nhà thơ Giang Nam đã gắn liền với bài thơ Quê hương suốt hơn nửa thế kỷ qua. Vào lúc 9 giờ 45 phút ngày 23/1/2023 (mồng Hai, Tết Quý Mão), trái tim của ông đã ngừng đập. Ông ra đi ở tuổi đại thượng thọ 94, nhưng bài thơ Quê hương và sự nghiệp thi ca của ông chắc chắn sẽ còn sống mãi trong lòng bạn đọc. Lễ truy điệu nhà thơ Giang Nam tổ chức vào lúc 14 giờ 30 phút ngày 25/1/2023, an táng tại Nghĩa trang Phước Đồng, thành phố Nha Trang.

HỮU VIỆT Ảnh: LÊ ĐỨC QUANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/vinh-biet-tac-gia-bai-tho-que-huong-noi-tieng-post735942.html