Vĩnh biệt tài năng sân khấu Quang Thái
NSƯT Bùi Quang Thái qua đời ở tuổi 83. Khán giả biết nhiều tới ông trong vai đại tá Tư Chung của Biệt động Sài Gòn, nhưng đồng nghiệp kính nể ông hơn hết vẫn ở những vai diễn sân khấu kinh điển.
TÀI NĂNG SÂN KHẤU
NSƯT Quang Thái sinh năm 1937 tại Hải Phòng. Không theo học nghệ thuật chuyên nghiệp, Quang Thái dường như là người được nghề chọn. Ngoại hình cao ráo, gương mặt khá “Tây” này lọt vào mắt xanh đạo diễn Phạm Văn Khoa. Quang Thái xin về Xưởng Phim truyện Việt Nam, nhưng những năm đầu chỉ nhận một vài vai nhỏ.
Bén duyên điện ảnh nhưng sân khấu mới đích thực là nơi để ông thể hiện tài năng. Năm 1962, Quang Thái về Nhà hát Kịch Việt Nam thời ấy là Đoàn Kịch nói Trung ương mới thành lập. NSND Doãn Châu, nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam xác nhận: không qua đào tạo chuyên nghiệp nhưng Quang Thái có tham gia tập huấn một số khóa ngắn hạn với chuyên gia Nga Vasiliep.
Quang Thái là thế hệ nghệ sĩ thứ hai của Nhà hát Anh cả Đỏ, cùng thời với loạt tên tuổi như Đào Mộng Long, Song Kim, Trúc Quỳnh, Mạnh Linh. NSND Doãn Châu, NSƯT Tú Mai thuộc thế hệ đàn em của Quang Thái kể, hồi lớp nghệ sĩ này còn học trong trường đã thấy Quang Thái lẫy lừng với Sergei trong vở Câu chuyện Iec-scut. Vở diễn cháy vé nhiều đêm, khán giả xếp hàng dài từ hiệu sách Tràng Tiền tới Nhà hát Lớn mua vé.
Những thế hệ đầu đàn của Nhà hát Kịch Việt Nam làm nên nhiều tác phẩm kinh điển, trong đó rất nhiều vở diễn kịch bản nước ngoài. Tên tuổi Quang Thái gắn liền với loạt vở diễn ấy. Có thể nhắc tới vai Ranf trong Hòn đảo thần Vệ nữ, Phêđô trong Tập nhật ký bỏ quên, Petypon trong Ả cave nhà hàng Macxim, Tixafe trong Vụ án người đốt đền, Bottom trong Giấc mộng đêm hè. Quang Thái cũng góp mặt trong nhiều vở diễn kinh điển trong nước như: Đôi mắt, Bão biển, Đêm mưa, Tay súng quân dân...
“Quang Thái là nghệ sĩ sân khấu tiêu biểu, một người đàn anh đáng kính của thế hệ chúng tôi giống như Trọng Khôi, Thế Anh, Đoàn Dũng, Doãn Hoàng Giang”, NSND Doãn Châu nói. Ông kể, đạo diễn dựng vở Giấc mộng đêm hè cho Nhà hát Kịch Việt Nam bảo xem khoảng gần 20 bản dựng ở khắp các nước nhưng chưa thấy diễn viên nào đóng vai Bottom xuất sắc như Quang Thái. “Quang Thái luôn tìm tòi tận tụy, say đắm với nghề”, NSƯT, đạo diễn Tú Mai nhận xét.
TỚI ÔNG TRÙM BIỆT ÐỘNG
Quang Thái đóng đinh với những vai diễn châu Âu trên sân khấu kịch, nhưng ở điện ảnh ông lại “chết” vai Tư Chung-sếp biệt động Sài Gòn. Thành công kéo dài suốt mấy chục năm qua khiến khán giả thường chỉ nhắc tới Quang Thái là Tư Chung của phim điện ảnh Biệt động Sài Gòn.
Trước khi thực sự nổi đình đám ở lĩnh vực điện ảnh năm 45 tuổi trong vai Tư Chung, Quang Thái cũng có vai ấn tượng trong Nơi gặp gỡ của tình yêu của đạo diễn Long Vân. Trong phim ông vào vai anh kỹ sư của chế độ Sài Gòn được chính quyền cách mạng mời làm việc. Có lẽ chính diễn xuất thuyết phục của Quang Thái trong bộ phim này (đóng cùng Thế Anh, Thẩm Thúy Hằng) nên đạo diễn Long Vân quyết định chọn Quang Thái thay vì Chánh Tín-gương mặt đang nổi. Không kể lí do này, đạo diễn Long Vân giải thích ngoại hình cao lớn, vẻ điềm đạm của Quang Thái rất hợp hình tượng đẹp của chiến sĩ biệt động.
Một nhà phê bình điện ảnh có tiếng bảo nhiều nghệ sĩ sân khấu chuyển sang đóng phim dễ bị “kịch”, Quang Thái trong Biệt động Sài Gòn dù được hóa trang hơi quá nhưng diễn tự nhiên, không cường điệu. Chính sự giản dị ấy hòa quyện với Hà Xuyên làm nên một cặp đôi ấn tượng của màn ảnh.
THIỆT THÒI
NSƯT Tú Mai từng đóng vở Đôi mắt với Quang Thái. Sau nay vở đầu tay Tú Mai đạo diễn Người khách cuối cùng có dàn sao Quang Thái, Trọng Khôi, Anh Dũng, Bích Thu. Chỉ tiếc sau đó Tú Mai đi Nga nên vở không có nhiều cơ hội đem biểu diễn. “Quang Thái là người nhiệt tình, rất trung thực, tôn trọng anh em đồng nghiệp. Trong nhà hát anh ấy luôn là người anh, người bạn ôn hòa và điềm đạm”, Tú Mai nói.
“Quang Thái tài năng nhưng xét ra quá thiệt thòi”, NSND Doãn Châu thốt lên. Theo ý kiến Doãn Châu, bảng thành tích của Quang Thái lừng lẫy với loạt vai châu Âu nhưng lại không được dự hội diễn, Quang Thái vì thế không có nhiều huy chương. “Những vở kịch nổi tiếng ông tham gia thời trước là kịch bản nước ngoài, Việt Nam mình dở cái chỉ đánh giá tài năng nghệ sĩ ở các vở trong nước- tiêu chí được xét danh hiệu”, Doãn Châu phân tích.
Doãn Châu nói rằng thế hệ sau bình tĩnh “ngồi gạch đầu dòng đảm bảo mọi người giật mình với sự đóng góp của Quang Thái”, vì vậy nên truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cho ông. Nghị định xét giải có những tiêu chí khắt khe về huy chương, nhưng vẫn có những trường hợp ngoại lệ. “Có những kỳ tôi ngồi hội đồng xét danh hiệu, các nghệ sĩ miền Nam danh tiếng như Ngọc Giàu, Kim Cương, Bạch Tuyết không hề có huy chương nhưng vẫn được xem xét. Tại sao Quang Thái lại không được? Như thế là thiếu công bằng”, Doãn Châu nói.
NSƯT Quang Thái bị tai biến ba năm trước. Ông qua đời vào 21h30 tối 17/6 hưởng thọ 83 tuổi. Lễ viếng từ 13h30 tới 15h chiều 21/6 tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, sau đó được hỏa táng tại đài hóa thân Hoàn vũ, an táng tại Thị trấn Trôi (Hoài Đức, Hà Nội).
Quang Thái đóng đinh với những vai diễn châu Âu trên sân khấu kịch, nhưng ở điện ảnh ông lại “chết” vai Tư Chung-sếp biệt động Sài Gòn. Thành công kéo dài suốt mấy chục năm qua khiến khán giả thường chỉ nhắc tới Quang Thái là Tư Chung của phim điện ảnh Biệt động Sài Gòn.