Vinh danh 74 công trình tiêu biểu trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2019
Ngày 23-8, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức lễ công bố Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2019. Tham dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Ủy ban Trương ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trao Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2019 và Bằng chứng nhận cho các tác giả. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN
Đây là hoạt động kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, đồng thời cổ vũ, tôn vinh và khẳng định sự trân trọng đối với các tổ chức, cá nhân tiêu biểu, có đóng góp hiệu quả trong hoạt động khoa học, công nghệ, khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ, tinh thần đam mê lao động sáng tạo của người Việt Nam.
Tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, kế thừa và phát huy kết quả qua 3 lần công bố Sách vàng sáng tạo Việt Nam, với tinh thần làm việc khách quan, khoa học, từ 141 công trình do các ban, bộ, ngành, các tổ chức thành viên, các tỉnh, thành phố giới thiệu, Ban Chỉ đạo và Hội đồng tuyển chọn đã lựa chọn ra 74 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học, công nghệ để giới thiệu trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2019.
Đây là những công trình tiêu biểu đã được kiểm nghiệm qua thực tế, trong những lĩnh vực như: Nghiên cứu lắp đặt hệ thống cứu hỏa tự động lên xe tăng thiết giáp; Nghiên cứu ứng dụng khí cụ ngọc trai trong quá trình điều trị lệch lạc khớp cắn răng hàm do thói quen đẩy lưỡi ở trẻ; Nghiên cứu chế tạo test phát hiện độc tố BC trong môi trường; Ứng dụng kỹ thuật can thiệp động mạch vành qua da trong điều trị bệnh nhân đau thắt ngực ổn định tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình; Triển khai ứng dụng hệ thống phần mềm trí tuệ nhân tạo - IBM watso for oncology trong hỗ trợ điều trị người bệnh ung thư tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ; Cột cảnh báo nước lũ, nước dâng bằng tín hiệu pháo hiệu cảnh báo cho các ngầm tràn đoạn đường ngập nước...
Thay mặt 74 tác giả được vinh danh, tác giả Trần Hữu Lý cho rằng, việc công bố Sách vàng sáng tạo không chỉ nhằm tôn vinh các tác giả và các thành tựu khoa học, công nghệ mà còn khẳng định năng lực sáng tạo, khơi dậy tinh thần yêu nước, trí tuệ của người Việt Nam, thi đua để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận, trong 4 năm qua, kể từ sau lễ công bố lần thứ nhất vào năm 2016, công tác tuyển chọn, biên tập và công bố Sách vàng sáng tạo Việt Nam ngày càng được triển khai một cách bài bản, khoa học, chặt chẽ, bảo đảm tính công khai, minh bạch, khách quan và thu hút được sự tham gia tích cực của các cơ quan, bộ, ngành, đoàn thể ở trung ương và các địa phương trong cả nước.
Để khoa học và công nghệ thực sự trở thành quốc sách, đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất ban hành các chính sách đột phá về khoa học công nghệ; không ngừng quan tâm, khuyến khích động viên các cấp, các ngành, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân tận dụng, phát huy lợi thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nghiên cứu, sáng tạo để tạo ra các ý tưởng, các sản phẩm có tính ứng dụng cao, thúc đẩy tăng năng suất lao động, chất lượng và năng lực cạnh tranh. Trong đó, cần chú trọng nghiên cứu các đề tài khoa học, giải pháp công nghệ trong các ngành, lĩnh vực then chốt đang được quan tâm hiện nay, như: Nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản, tài nguyên môi trường, ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, năng lượng sạch, vật liệu mới, trí tuệ nhân tạo…
Đối với việc tuyển chọn, biên tập để công bố Sách vàng sáng tạo Việt Nam vào dịp Quốc khánh 2-9 hằng năm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục đổi mới để lựa chọn những công trình, giải pháp khoa học, công nghệ thật sự có chất lượng tiêu biểu, hữu ích trong xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường khoa học, công nghệ, đưa sản phẩm khoa học, công nghệ đi vào cuộc sống.