Vinh danh những nhà giáo thầm lặng

Tại buổi lễ, bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, đánh giá cao những thành tích của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian qua.

Ngày 19-11, UBND TP HCM tổ chức Lễ trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa lần thứ II - giải thưởng cao quý nhằm ghi nhận những đóng góp nổi bật, sáng tạo. Đồng thời, thông qua giải thưởng, góp phần khẳng định vai trò quan trọng của giáo dục nghề nghiệp trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Mười cá nhân được trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa lần thứ II, gồm: ông Lương Xuân Thành (Hiệu trưởng Trường Trung cấp Múa TP HCM); bà Nguyễn Thị Dạ Thảo (Trưởng Khoa Âm nhạc, Trường Trung cấp Múa TP HCM); bà Tạ Thùy Chi (Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm biểu diễn, Trường Trung cấp Múa TP HCM); bà Lê Minh Thu (Phó trưởng Khoa Múa dân gian dân tộc, Trường Trung cấp Múa TP HCM); bà Đặng Thanh Tâm (giảng viên Khoa Kinh tế, Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải; ông Nguyễn Đức Lợi (Trưởng Khoa Kỹ thuật Điện, Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải); ông Đinh Văn Đệ (Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TP HCM); ông Trần Nguyên Bảo Trân (Trưởng Bộ môn Cơ điện tử - Tự động hóa, Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TP HCM); ông Nguyễn Anh Tuấn (Trưởng Khoa Động lực, Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TP HCM); ông Nguyễn Quang Nguyên (Trưởng Khoa Điện Công nghiệp và Dân dụng, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TP HCM).

Những nhà giáo được trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa lần thứ II

Những nhà giáo được trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa lần thứ II

Chia sẻ với phóng viên, thầy Lương Xuân Thành cho biết năm nay nhà trường tổ chức lễ tốt nghiệp cho học sinh vào ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Đây chính là món quà đặc biệt cho tập thể học sinh và giáo viên nhà trường.

Thầy Lương Xuân Thành cho biết trong sự nghiệp biểu diễn, ông từng 2 lần bị chấn thương ở đầu gối và lưng, lần cuối cùng vào năm 2015. Kể từ đó, thầy Thành phải dừng việc biểu diễn trên sân khấu. Không để tinh thần lao dốc, thầy Thành quyết định chuyển sang công tác quản lý và giảng dạy. Bằng những kinh nghiệm đã được tôi luyện trong quá trình làm nghề, thầy Thành mang làn gió mới đến Trường Trung cấp Múa TP HCM.

Với thầy Thành, mặc dù không thể biểu diễn dưới ánh đèn sân khấu nhưng khi nhìn thấy học trò tốt nghiệp và tỏa sáng trên sân khấu, thầy luôn mỉm cười và xem đó là hạnh phúc vô giá của nghề. "Múa là loại hình nghệ thuật rất đặc biệt. Chương trình chính quy đào tạo từ 4-6 năm, thời gian học lâu nhưng tuổi đời gắn bó với nghề thì ngắn, chế độ đãi ngộ trong ngành còn nhiều hạn chế. Vì vậy, tôi rất thương và quý những học viên trẻ bám trụ với nghề" - thầy Thành tâm sự.

Tại buổi lễ, bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, đánh giá cao những thành tích của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian qua. Tại các kỳ tranh tài cấp quốc gia, TP HCM luôn là địa phương có thành tích cao. Bên cạnh đó, học sinh sinh viên trường giáo dục nghề nghiệp của TP HCM cũng góp phần tích cực trong thành tích toàn đoàn của Đoàn dự thi Việt Nam tại Kỳ thi kỹ năng nghề khu vực ASEAN và thế giới.

Bài và ảnh: Huế Xuân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/vinh-danh-nhung-nha-giao-tham-lang-19624111921210767.htm