Vinh dự được hóa thân vào vai Bác Hồ

Là người con xứ Nghệ, nghệ sĩ Minh Hải (Nhà hát Kịch Việt Nam) có nhiều thuận lợi khi hóa thân vào vai Bác Hồ cả trên sân khấu và điện ảnh. Tuy nhiên, anh cho biết, áp lực là diễn làm sao để toát lên cái chất dung dị, mộc mạc mà vẫn đầy thần thái, cốt cách của vị lãnh tụ dân tộc.

Ấn tượng khó quên

“Cả gương mặt Nguyễn Ái Quốc toát lên sự lịch thiệp và tế nhị. Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một nền văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai. Qua cử chỉ cao thượng và tiếng nói trầm lắng của Nguyễn Ái Quốc, tôi thấy được ngày mai, thấy được viễn cảnh trời yên biển lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương”…

Nghệ sĩ Minh Hải vào vai Bác Hồ trong vở "Người đi dép cao su". Ảnh: TH

Nghệ sĩ Minh Hải vào vai Bác Hồ trong vở "Người đi dép cao su". Ảnh: TH

Nghệ sĩ Minh Hải, diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam chia sẻ, gần 15 năm qua, câu nói của nhà thơ Xô Viết Ôxip Manđenxtam, cùng những ca khúc viết về Bác, được anh lấy làm “kim chỉ nam” cho các vai diễn hình tượng Bác Hồ. Cơ duyên bắt đầu từ năm 2009, anh giúp đạo diễn Phạm Hà Bảo tìm diễn viên vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946 trong vở "Bác Hồ ra trận". Minh Hải đã giới thiệu một số gương mặt nhưng không được. Gần đến ngày ghi hình, một diễn viên trong đoàn nói có khi chính Minh Hải là người phù hợp. Không ngờ, sau một lúc cân nhắc, đạo diễn đồng ý phương án này. Từ đó đến nay, Minh Hải được “chọn mặt gửi vàng” đóng hình tượng Bác Hồ trong nhiều vai diễn sân khấu, điện ảnh.

Minh Hải tâm niệm, được vào vai Bác là vinh dự rất lớn với nghệ sĩ. Hình tượng Bác Hồ rất giản dị và gần gũi, nhưng lại là thử thách lớn, bởi diễn làm sao cho ra phong thái, cốt cách của vị cha già dân tộc là điều vô cùng khó. “Tôi may mắn sinh ra và lớn lên ở làng Sen quê Bác, chất Nghệ đã thấm vào máu, đó là nền tảng giúp tôi hóa thân vào vai Bác. Để thể hiện tốt vai diễn, tôi đã đọc nhiều sách, báo, tài liệu về Người, vô cùng thấm thía những câu nói, bài học của Người để khi thể hiện cố gắng làm toát lên phần nào phong thái của Bác”, nghệ sĩ Minh Hải chia sẻ.

Mỗi lần hóa vai vào Bác là mỗi lần ghi dấu những cảm xúc khó tả trong nghệ sĩ. Lần quay phim “Vượt qua bến Thượng Hải” (2010) trên đất Trung Quốc, có cảnh khiến anh vô cùng cảm động. “Đó là cái Tết đầu tiên của Bác ở Thượng Hải. Đêm giao thừa, người Trung Hoa ăn bánh trôi, Bác nhớ về bánh chưng. Lúc đó, tôi có thoại một câu: Đã hai mươi năm, tôi không được đón Tết ở quê nhà. Đây là một trong những cảnh quay khó, khi tôi diễn ở trong phim, cảm xúc rất thật và đã khóc”.

Sống tốt hơn để xứng đáng với vai diễn

Để thể hiện thành công giọng nói của Bác, Minh Hải đã nghe nhiều lần Bản Tuyên ngôn độc lập mà Bác đọc trước quốc dân đồng bào ngày 2.9.1945 tại Quảng trường Ba Đình. Anh bảo, nhờ nghe đi nghe lại thành quen, quen âm sắc nhấn nhá, cách ngắt nghỉ, mà diễn tả lại một cách chân thực các lời thoại. Anh tự nhận mình có một “may mắn” nữa là nhờ hình thể có chút gầy gò, gương mặt nhỏ và dài, cộng với hóa trang tốt là có tạo hình phù hợp.

Nhớ lại đầu năm 2021, Nhà hát Kịch Việt Nam công diễn vở kịch Đêm trắng, anh đã thể hiện xuất sắc hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thời điểm năm 1950. Minh Hải kể: “Trong vở diễn có cảnh Bác Hồ vừa xuất hiện, diễn viên đóng bộ đội xúc động khóc đến mức quên mình là diễn viên, thậm chí quên cả lời thoại, cứ ngỡ như Bác Hồ bằng xương bằng thịt đang hiện diện. Cảm xúc lúc đó thực đến nỗi ai nấy tưởng như không phải đang diễn trên sân khấu nữa”.

Được diễn vai Bác Hồ, đối với Minh Hải như món quà quý giá của đời nghệ sĩ. Vì lòng cảm kích, yêu kính đối với Bác, mà một cách tự nhiên, diễn viên sắm vai Bác thành công cũng được khán giả yêu mến và ấn tượng đặc biệt. “Gần đây nhất, trong chương trình mang nghệ thuật kịch nói đến những vùng khó khăn, tôi đã được chứng kiến tình yêu với nghệ thuật của người dân tỉnh Điện Biên, đặc biệt là tình cảm của đồng bào với Bác. Dù vở diễn kết thúc đã lâu nhưng vẫn có rất đông khán giả nán lại để chờ đến lượt “chụp ảnh cùng Bác”. Tôi đứng đến chùn chân, mỏi gối nhưng trong lòng rất vui…”.

“Tấm gương đạo đức của Bác, ta học cả đời cũng không học hết được”. Nói như vậy, nghệ sĩ Minh Hải chia sẻ, được thể hiện hình tượng Hồ Chí Minh, người cha già dân tộc, một danh nhân cả thế giới đều biết, là niềm tự hào rất lớn trong sự nghiệp diễn xuất của mình. Nhận vai Bác, anh không chỉ bị áp lực trên sân khấu mà ngay trong đời thường, chính bản thân cũng tự tạo ra những áp lực nhất định. Càng nghiên cứu để học hỏi làm tròn vai diễn lại càng được thấm nhuần những đức tính đáng quý, anh tự ý thức cần giữ gìn hình ảnh cá nhân, lời ăn tiếng nói, noi gương lối sống, đạo đức của Người.

“Mỗi khi được giao thể hiện hình tượng Bác, tôi sẵn sàng hy sinh mái tóc của mình để bộ phận hóa trang dễ làm việc hơn. Các con mỗi lần nhìn mái tóc mới của tôi lại đoán ngay bố sắp vào vai Bác Hồ. Tôi thấy mình là người hạnh phúc khi được vào vai Bác không chỉ một lần, hai lần mà từ năm này qua năm khác, từ chương trình này đến chương trình khác”, nghệ sĩ Minh Hải nói.

Hải Đường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/vinh-du-duoc-hoa-than-vao-vai-bac-ho-i329032/