Vinh dự được tặng hoa Bác Hồ
Đó là bà Lương Thị Hải, dân tộc Tày, công nhân Mỏ Apatit nghỉ hưu ở xã Thống Nhất (thành phố Lào Cai). Bà bồi hồi nhớ lại: Năm ấy, bà 11 tuổi, là học sinh lớp 3, Trường cấp I xã Cam Đường. Lớp của bà do thầy giáo Phạm Kỳ Quý dạy.
Sáng sớm 23/9, học trò đến lớp như thường lệ. Thầy Quý phổ biến: Hôm nay nghỉ học, thầy cùng các em lên Mỏ tham quan!
Nghe thầy nói, cả lớp thích thú reo lên. Thầy Quý bảo Hải cùng ba, bốn bạn gái ra vườn trường, hái một bó hoa. Những luống hoa sân trường do thầy trò chăm sóc hằng ngày, nhưng hoa chưa nhiều lắm. Hải cùng các bạn hái hoa cúc, hoa dừa cạn và một số hoa khác, bó thành bó hoa tươi trông cũng đẹp mắt, đem cho thầy Quý xem.
Thầy Quý chỉnh sửa lại bó hoa rồi giao cho Hải cầm. Các lớp xếp hàng trên sân trường. Các em lớp 1 còn bé thì được nghỉ. Học sinh từ lớp 2 trở lên đi theo các thầy giáo lên Mỏ tham quan. Bạn mặc quần áo chàm, bạn mặc quần xanh áo sơ mi trắng. Bạn đi dép cao su, bạn đi chân đất. Hải mặc quần đen, áo sơ mi trắng, tóc cắt ngắn ngang vai, tay ôm bó hoa đi đầu, ngay bên cạnh thầy Quý.
Đoạn đường khá xa. Đến khu lán công nhân thì dừng lại. Thầy Quý bảo: Đến nơi rồi!
Thầy bảo đi tham quan Mỏ, sao dừng ở đây? Hải thắc mắc nhưng không dám hỏi.
Công nhân mỏ đã tập trung rất đông, mọi người xếp hàng chỉnh tề. Bà con Làng Hẻo cũng đã đến, đứng cạnh các đoàn công nhân.
Mọi người hướng lên phía trước. Một lúc sau có chiếc ô tô đi xuống và dừng lại. Những tiếng reo vui cất lên:
- Bác Hồ! Bác Hồ!
- Bác Hồ đến! Bác Hồ đến!
Tiếng vỗ tay vang lên. Bác vẫy tay tươi cười chào mọi người.
Hải đứng cách chỗ Bác đứng khoảng năm, sáu mét. Bác mặc quần áo nâu, đội mũ cát, chiếc khăn mặt bông vắt trên vai. Hải cùng các bạn cố kiễng chân để nhìn Bác Hồ rõ hơn. Đi đường xa, lại xúc động, mồ hôi lấm tấm trên mặt Hải. Thầy Quý rút khăn mùi xoa lau mặt cho Hải và bảo:
- Em mang hoa lên tặng Bác Hồ đi!
Hải sung sướng bước lên nâng bó hoa tặng Bác. Bác nhận hoa, ôm hôn Hải và âu yếm cười, nụ cười trìu mến và vô cùng gần gũi. Hải trở về hàng. Các bạn cứ xuýt xoa trước vinh dự của Hải.
Bác nói chuyện với Nhân dân và công nhân khu Mỏ. Bác nói và quay nhìn khắp lượt mọi người. Gương mặt Bác hiền từ, đôi mắt sáng. Hải cứ chăm chăm nhìn và lắng nghe giọng nói ấm áp của Bác. Thời gian trôi nhanh quá. Bác vẫy tay tạm biệt mọi người. Nhân dân vẫy tay, công nhân Mỏ vẫy tay, Hải cùng các bạn cứ kiễng chân lên, giơ tay vẫy mãi, vẫy mãi, lưu luyến nhìn theo Bác…
Hình ảnh Bác hôm ấy và niềm vinh dự, phấn khởi và tự hào được tặng hoa Bác Hồ lưu giữ mãi trong trí nhớ của Hải. Hải học hành chăm chỉ hơn, làm việc nhà siêng năng hơn. Học hết cấp I, có bạn không học tiếp, nhất là các bạn gái, nhưng Hải quyết chí học lên cấp II. Hải vừa học vừa làm như một lao động chính trong nhà. Chăn trâu, lấy củi, làm ruộng làm nương, mọi việc của nhà nông, Hải đều làm tất, mà còn làm thạo. Nghỉ trưa tranh thủ mở sách học. Đêm thắp đèn học. Mỗi khi khó khăn lại nhớ hình ảnh Bác Hồ, nhớ lần vinh dự được tặng hoa Bác Hồ, lại quyết tâm vượt lên…
Đến năm 1964, Hải tốt nghiệp cấp II. Con gái Tày học hết cấp II ngày ấy rất hiếm. Cam Đường chưa có trường cấp III, ra thị xã Lào Cai thì xa quá, rất khó khăn. Hải nộp hồ sơ đi học Trung cấp Bưu điện Truyền thanh ở Hà Đông. Nhưng đường xa quá, cảnh nhà khó khăn, gạo thì tạm đủ, nhưng rất khan hiếm đồng tiền, thế là Hải ở nhà. Mười bảy tuổi, Hải là xã viên tích cực của Hợp tác xã. Năm 1966, Hải đi làm công nhân Mỏ.
Hải được xếp vào đơn vị khai thác đá. Các công việc: Nổ mìn, đập đá, xếp đá, đẩy xe cút kít, toàn việc nặng nhọc, nam giới còn vất vả, huống chi là với cô gái sức vóc nhỏ bé. Nhưng đã quen lao động từ nhỏ, Hải cố sức vượt qua. Năm 1969, Mỏ thành lập công trường xây dựng Nhà máy nghiền II, mang tên Công trường mùng 3 tháng 9, ngày Bác qua đời. Hải chuyển sang công trường này, vẫn là những công việc nặng nhọc, nhưng niềm vinh dự năm xưa được tặng hoa Bác Hồ là nguồn động viên Hải vượt lên. Sang đơn vị cung tiêu, rồi làm công việc xuất nhập kho quặng nghiền, sau năm 1979, lại chuyển về công trường đá, công việc nào Hải cũng tích cực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.
Năm nay, bà Hải đã ngoài bảy mươi tuổi. Ông Ngô Ngọc Pản chồng bà cũng là người Tày, cùng quê Làng Nhớn, là công nhân nghề khoan nghỉ hưu, năm nay đã ngoài tám mươi. Ông Pản kể: Hôm ấy, đang ca sản xuất, ông Pản không được đi đón Bác, nhưng ông vẫn được nhìn thấy Bác từ xa, vẫn hình dung rõ hình ảnh Bác mặc quần áo nâu, đội mũ cát, khăn mặt trắng vắt vai. Ông bấm điện thoại cho khách xem hình ảnh cô bé Hải năm xưa tặng hoa Bác Hồ. Ảnh ghi lại tư liệu từ hơn nửa thế kỷ, vẫn hiện rõ cô bé Hải mặc áo trắng, tóc cắt ngắn ngang vai tặng hoa Bác Hồ. Bác cười, ánh mắt sáng, âu yếm hiền từ. Ông mở tủ lấy đĩa ghi hình cho khách mượn về xem toàn bộ tư liệu Bác lên thăm Lào Cai, thăm khu Mỏ.
Nghỉ hưu, hai ông bà ở Nặm Thíp theo tên gọi ngày xưa, nay là tổ 6, xã Thống Nhất, thành phố Lào Cai. Ngôi nhà xây nho nhỏ sáng sủa gọn gàng kề bên ngôi nhà của con trai. Ông bà có vườn tược xanh tươi, khu chuồng gà, ao cá quy hoạch gọn gàng. Cả hai ông bà đều hồ hởi kể lại câu chuyện năm xưa. Ông bà vẫn thường kể cho các con, các cháu ký ức về niềm vinh dự lớn lao của gia đình. Ông bà phấn khởi vì đã hoàn thành nhiệm vụ người công nhân Mỏ, đã nuôi dạy các con trưởng thành, nay giúp các con nuôi dạy các cháu học hành chăm ngoan. Các cháu của ông bà mong muốn có dịp ông bà đưa các cháu về viếng Lăng Bác Hồ. Không phải là bố mẹ đưa đi mà phải là ông bà đưa đi cơ! Các cháu muốn như thế! Niềm phấn khởi và vinh dự của ông bà đã chuyền sang các cháu và lan tỏa trong bà con địa phương.
Niềm phấn khởi và vinh dự của bà Hải, của cả gia đình còn mãi mãi tươi mới trong cuộc sống hạnh phúc gia đình hôm nay.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/vinh-du-duoc-tang-hoa-bac-ho-post374014.html