Vinh dự, trách nhiệm của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở các nhà trường Quân đội Nhân dân Việt Nam hiện nay
Trong phát biểu tại Lớp học chính trị của giáo viên cấp II, cấp III toàn miền Bắc, ngày 13/9/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: 'Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người'. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mượn câu nói trên để chỉ ra tầm quan trọng của sự nghiệp giáo dục, đào tạo, sự nghiệp trồng người. Trong tư tưởng của Người, tất cả là vì 'con người'.
Đối với giáo dục thế hệ trẻ, Người viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Tư tưởng giáo dục ấy không chỉ bó hẹp trong việc giáo dục tri thức, học vấn cho con người, mà có tính bao quát, sâu xa, nhưng vô cùng sinh động và thiết thực, nhằm đào tạo ra những con người toàn diện, vừa “hồng” vừa “chuyên”, có tri thức, lý tưởng, đạo đức, sức khỏe và thẩm mỹ... Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Ngủ thì ai cũng như lương thiện, tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền; hiền, dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”. Đồng thời, Người đã căn dặn: “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Đảng, Nhà nước ta luôn coi giáo dục, đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo”.
Quán triệt, thực hiện lời Bác Hồ dạy, 42 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chỉ huy các cấp ở các nhà trường Quân đội, các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục luôn phát huy bản chất tốt đẹp, truyền thống vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng; đoàn kết, sáng tạo, tự lực, tự cường, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục luôn chủ động khắc phục khó khăn, lập được nhiều thành tích trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản lý giáo dục, góp phần xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Trong những năm tới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ, khó khăn và thách thức đan xen. Trước tình hình đó, đòi hỏi cấp ủy, chỉ huy các cấp ở các nhà trường Quân đội tiếp tục coi trọng, đẩy mạnh công tác giáo dục, đào tạo, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong toàn đơn vị, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Để làm được điều đó, mỗi giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần vận dụng sáng tạo những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác giáo dục, về vị trí, vai trò của người giáo viên. Tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa, thực hiện có chất lượng, hiệu quả chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Tăng cường quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong các nhà trường Quân đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc; có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm; có kiến thức, năng lực toàn diện, tác phong, phương pháp giảng dạy và làm việc chuyên nghiệp, khoa học; đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý, bảo đảm sự kế thừa và chuyển tiếp vững chắc giữa các thế hệ, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Bối cảnh mới, chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu đang diễn mạnh mẽ. Trên cơ sở kế thừa sự bùng nổ của nền tảng công nghệ IoT, Big Data, AI chuyển đổi số đang hình thành hạ tầng giáo dục số. Kết quả là nhiều mô hình giáo dục thông minh được phát triển; thư viện số với quy mô lớn dễ tiếp cận, chia sẻ xuất hiện; đánh giá trình độ của học viên trở nên cập nhật; kết nối giữa giảng viên, học viên và đơn vị quản lý sẽ nhanh chóng; các phương pháp giảng dạy có sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến dần trở nên quen thuộc đặt ra yêu cầu cao về phẩm chất, năng lực; trình độ, kỹ năng và bản lĩnh chính trị ở đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở các Nhà trường Quân đội.
Để bắt kịp xu hướng chuyển đổi số, góp phần tạo đột phá về chất lượng giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội trong tình hình mới, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, cần nâng cao nhận thức, quyết tâm của đội ngũ này trong chuyển đổi số. Trong đó, cần chú trọng quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết số 1657-NQ/Quân ủy Trung ương ngày 20/12/2022 về “Đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội trong tình hình mới” của Quân ủy Trung ương, mà trực tiếp là Đề án “Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong quân đội giai đoạn 2023-2030 và những năm tiếp theo”, chú trọng quan tâm nâng cao nhận thức, quyết tâm cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục về chuyển đổi số. Cần làm cho mỗi người hiểu rõ xu thế tất yếu của chuyển đổi số trên toàn cầu; quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số; quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về chuyển đổi số trong lĩnh vực Quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục gắn với đổi mới toàn diện giáo dục, đào tạo. Thông qua các buổi học tập nghị quyết, nói chuyện chuyên đề, các chương trình tập huấn, trao đổi học thuật, để nâng cao nhận thức cho mỗi nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục về lộ trình chuyển đổi số quốc gia; về cơ hội và thách thức của chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; cung cấp những hướng dẫn cụ thể về cách sử dụng công nghệ trong quá trình xây dựng dữ liệu số; trong giảng dạy; nhận thức về an toàn và các nguyên tắc an toàn thông tin khi số hóa và chuyển đổi số ở mỗi nhà trường cụ thể.
Đồng thời, tăng cường bồi dưỡng kỹ năng cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong chuyển đổi số ở lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Theo đó, lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong các nhà trường Quân đội cần thường xuyên quan tâm bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các kỹ năng liên quan đến chuyển đổi số một cách đồng bộ.
Trước tiên, mỗi nhà giáo quân đội cần được trang bị kỹ năng nghiên cứu, xây dựng và cung cấp tài nguyên học tập trực tuyến, video giảng dạy và các phương tiện số khác cho học viên học tập và tự học tập. Thứ hai, phát triển kỹ năng sáng tạo số và kỹ năng tư duy phản biện trên nền tảng số để đội ngũ nhà giáo có thể tạo ra nội dung giảng dạy đa dạng, sáng tạo, hiệu quả và tính đấu tranh cao. Thứ ba, quan tâm nâng cao các kỹ năng an ninh, an toàn thông tin nhằm bảo vệ dữ liệu và bí mật quân sự; phòng tránh các rủi ro liên quan đến an ninh mạng; Thứ tư, phát triển các kỹ năng truyền tải nội dung khoa học thông qua nền tảng số, kỹ năng sử dụng công nghệ để tương tác, hỗ trợ online với học viên, đồng nghiệp và cán bộ quản lý giáo dục cho mỗi nhà giáo quân đội.
Bên cạnh đó, cần phát huy tính tích cực, chủ động của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong đón đầu, bắt kịp xu thế chuyển đổi số. Để thực hiện có hiệu quả giải pháp này, mỗi nhà trường Quân đội cần có chủ trương, biện pháp khuyến khích giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục tự học, tự nghiên cứu để nâng cao kiến thức và kỹ năng thông qua các nguồn học trực tuyến, sách, và các tài nguyên giáo dục khác, từ đó phát huy tính chủ động, tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số giáo dục, đào tạo.
Khuyến khích mỗi nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục phát triển kỹ năng sử dụng thiết bị, công nghệ nhằm tạo ra học liệu số và sử dụng trong dạy học; tạo các điều kiện cho nhà giáo có thể tham gia vào các dự án thực tế sử dụng công nghệ giáo dục, từ đó áp dụng kiến thức và kỹ năng mới trong môi trường thực tiễn. Quan tâm tạo ra các nhóm nghiên cứu; đề tài để khuyến khích sự hợp tác giữa các giảng viên trong xây dựng cơ sở học liệu số, số hóa các nội dung tài liệu. Song song với việc khuyến khích sử dụng các thiết bị số để nâng cao hiệu quả giảng dạy cần quan tâm xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá cụ thể việc sử dụng công nghệ trong giảng dạy; coi đây như một tiêu chí đánh giá chất lượng thực hiện nhiệm vụ của mỗi nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Tạo điều kiện thuận lợi để mỗi nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có cơ hội học tập và phát triển chuyên môn trên nền tảng số.
Đồng thời, quan tâm đầu tư xây dựng môi trường nhà trường sáng tạo, lĩnh hoạt cho thực hiện chuyển đổi số và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo sẽ là một chìa khóa quan trong góp phần thực hiện chuyển đổi số, phát triển xã hội số. Theo đó, cần tiến hành nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nói chung, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nói riêng. Đối với mỗi nhà trường quân đội, chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo bên cạnh ý nghĩa thực hiện chiến lược chuyển đổi số về quốc phòng, an ninh, còn có ý nghĩa góp phần đào tạo, bồi dưỡng các thế hệ cán bộ, sĩ quan nhằm thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 luôn là ngày hội lớn của mỗi nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong các Nhà trường Quân đội. Đây cũng là dịp để toàn xã hội tri ân những người đã dành tâm huyết cho sự nghiệp “trồng người” của đất nước. Trong ngày hội đầy ý nghĩa này, mỗi nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nguyện ra sức thi đua dạy tốt, học tốt, nghiên cứu khoa học và phục vụ tốt, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với truyền thống 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành của Quân đội ta được khái quát cô đọng trong lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Mỗi nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội cần phát huy, nhân rộng hơn nữa những mô hình mới, cách làm sáng tạo trong dạy và học, thực hiện tốt phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục, đào tạo của các nhà trường Quân đội phát triển mạnh mẽ, vững chắc trong tình hình mới.