Vĩnh Hòa vững bước trên hành trình đổi mới
Xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Linh - mảnh đất phải hứng chịu trên 6 vạn tấn bom đạn; 15 vạn quả pháo và chất độc hóa học trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ vẫn anh dũng lập nên những chiến công vang dội, từ trận chiến của khẩu đội 12 ly 7 trên trận địa khe Nước Lặn; tập kích căn cứ quận Trung Lương, Đồi 31, cầu Bến Ngự đến trận chống càn ở Bắc Lai An, Phố Con; trận thắng lừng lẫy của Trung đội ĐK 75 trên biển Cửa Việt... đã sát cánh cùng toàn dân đi tới thắng lợi cuối cùng. Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, trên hành trình đổi mới, xã Vĩnh Hòa luôn nỗ lực phát triển toàn diện, trở thành điểm sáng của vùng Đông huyện Vĩnh Linh.
Kiên cường lá chắn bảo vệ 12 cơ quan đầu não
Thuộc vùng trung tâm khu vực Vĩnh Linh, tiếp giáp thị trấn Hồ Xá, có tuyến Quốc lộ 1 chạy qua, lại có các cao điểm 40, 52, 96 và 2 rừng nguyên sinh Rú Lịnh, Rú Linh Đơn rất thuận lợi cho việc bố trí trận địa pháo, tên lửa, kho tàng, nơi đóng quân của các cơ quan, đơn vị, Vĩnh Hòa có một vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng trong thế trận chiến tranh nhân dân của khu vực Vĩnh Linh. Chung sức cùng toàn Đảng, toàn dân kháng chiến, Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Hòa đã xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh với gần 500 chiến sĩ, biên chế trong 3 đại đội bộ binh, 1 đại đội cối 82, 6 trung đội ở HTX... ngày đêm chắc tay súng, chiến đấu bảo vệ quê hương. Giai đoạn 1954 - 1964, lực lượng vũ trang xã Vĩnh Hòa đã bắt sống nhiều tên thám báo, biệt kích, bọn phản động vượt tuyến, góp phần đập tan âm mưu xâm nhập miền Bắc của Mỹ - Diệm. Năm 1965, đế quốc Mỹ leo thang gây chiến tranh phá hoại miền Bắc, Đảng ủy, Ủy ban hành chính khu vực Vĩnh Linh chọn Vĩnh Hòa làm căn cứ địa, nơi đóng quân 12 cơ quan đầu não của khu vực Vĩnh Linh.
Hòng hủy diệt mọi sự sống trên mảnh đất này, đế quốc Mỹ đã huy động khối lượng bom đạn khổng lồ cùng đủ loại phương tiện chiến tranh hiện đại trút xuống Vĩnh Hòa. Chỉ tính riêng năm 1968, với 4 lần đế quốc Mỹ dùng máy bay B52 rải thảm, 290 ngôi nhà bị hủy hoại; gần 70 hầm, địa đạo sập làm chết trên 260 người. Cuộc chiến đấu ngày càng khốc liệt, tổn thất và hy sinh ngày một lớn, để hạn chế thiệt hại, thương vong, quân và dân Vĩnh Hòa tiếp tục đóng góp 258.000 ngày công phục vụ chiến đấu; 67.000 công xây dựng hầm hào; đào 18 km địa đạo; 69,4 km giao thông hào; 31 công sự chiến đấu; làm 881 hầm chữ A, chuyển mọi hoạt động xuống lòng đất. Với hệ thống hầm hào dày đặc, kiên cố, suốt những năm chiến tranh, cơ quan Đảng, chính quyền và các ban, ngành của khu vực Vĩnh Linh đóng tại Vĩnh Hòa đều được bảo vệ an toàn tuyệt đối. Dưới mưa bom, bão đạn, lực lượng vũ trang xã Vĩnh Hòa phối hợp với du kích Gio Cam, Tiểu đoàn 47 và các đơn vị chủ lực hợp đồng triển khai hơn 30 trận đánh ở bờ Nam. Các phân đội, khẩu đội hỏa lực mạnh vượt sông Bến Hải, chi viện đắc lực chiến trường Bắc Quảng Trị; bất chấp mọi hiểm nguy mở đường cho nhiều đơn vị bộ đội từ Bắc vào Nam; đưa đón trên 3.000 lượt thương binh từ chiến trường miền Nam ra Bắc an toàn; đảm nhận đưa 850 cháu thiếu nhi, 1.200 người già yếu, phụ nữ đi K8 và sơ tán tại Tân Kỳ, Nghệ An. Nhân dân Vĩnh Hòa còn đón nhận, ổn định điều kiện ăn ở cũng như sản xuất cho 1.400 đồng bào Gio Linh, Triệu Phong ra sơ tán trong 2 năm 1970, 1971; cùng với bộ đội chủ lực tổ chức gần 500 trận đánh lớn, nhỏ...
Từ trong những tầng địa đạo, mọi ngõ ngách của chiến hào, ụ súng, quân và dân Vĩnh Hòa luôn lạc quan, tin tưởng vào ngày chiến thắng; lan tỏa sâu rộng phong trào thi đua “vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu”; chăm lo tốt công tác giáo dục, y tế; các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục- thể thao vẫn duy trì nền nếp, sôi nổi. Từ đó làm nên sức mạnh to lớn để Vĩnh Hòa vững vàng cùng cả nước đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi vào mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước. Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hòa Nguyễn Trung Hoành cho biết: “Ngoan cường trong chiến đấu, năng động, sáng tạo trong lao động, Đảng bộ và Nhân dân xã Vĩnh Hòa vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý; 18 bằng khen của Chính phủ và Quân khu 4; 6 năm liền từ 1965- 1971 là đơn vị quyết thắng; 1.350 huân, huy chương kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cho cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân có thành tích; 17 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 119 liệt sĩ, 115 thương, bệnh binh. Đặc biệt ngày 8/11/2000, Chủ tịch nước đã ký quyết định tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Vĩnh Hòa vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”.
Phát huy thế mạnh để tái thiết quê hương
Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đối mặt với muôn vàn khó khăn, Đảng bộ và Nhân dân Vĩnh Hòa đoàn kết một lòng, tự lực, tự cường, dồn sức lực, trí tuệ bắt tay vào công cuộc phục hồi sau chiến tranh, tiên phong trong nhiều phong trào thi đua lớn. Xác định thế mạnh khi có diện tích đất tự nhiên lớn với trên 1.500 ha, đất đỏ ba dan phì nhiêu, xã đã nghiên cứu, định hướng sản xuất, trước hết tập trung vào các loại cây công nghiệp dài ngày, cây lâm nghiệp có tính bền vững, giá trị kinh tế cao. Vĩnh Hòa có diện tích thâm canh cây hồ tiêu lớn với khoảng 140 ha. Để tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm hồ tiêu, xã tích cực kết nối các dự án để hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật từ khâu chọn giống, thiết kế vườn; quy trình canh tác đến chăm sóc, bảo quản; bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch. Xã xây dựng được mô hình sản xuất tiêu hữu cơ liên kết với Công ty Organic More, diện tích 42 ha; mô hình tưới nhỏ giọt cho cây hồ tiêu thuộc dự án WB7 với diện tích 4,6 ha. Hiện toàn xã có khoảng 110 ha cây hồ tiêu đang đưa vào kinh doanh. Hồ tiêu Vĩnh Hòa nói riêng, Vĩnh Linh nói chung đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, phục vụ xuất khẩu sang thị trường nhiều nước trên thế giới. Xã Vĩnh Hòa còn mở rộng diện tích cây cao su tiểu điền lên khoảng 180 ha, có gần 143 ha đã cho khai thác.
Nhằm tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, ngoài các loại cây, con truyền thống, địa phương còn chủ động chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng nhiều mô hình kinh tế mới theo hướng hàng hóa, thu hút đông đảo nông dân tham gia. Kinh tế của xã phát triển khá toàn diện. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa Nguyễn Thanh Hải cho biết: “Hiện xã có trên 115 cơ sở kinh doanh dịch vụ, tốc độ tăng giá trị sản xuất thương mại- dịch vụ đạt 11%/năm; sản xuất tiểu thủ công nghiệp- xây dựng 13%/năm. Đời sống Nhân dân không ngừng nâng cao với thu nhập bình quân 40 triệu đồng/người/năm. Tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 2,22%. Riêng nhiệm kỳ vừa qua, tổng vốn huy động trong xây dựng nông thôn mới của xã trên 105 tỉ đồng. Năm 2016, Vĩnh Hòa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2019, Nhân dân và cán bộ xã Vĩnh Hòa được UBND tỉnh Quảng Trị tặng bằng khen và cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua là nguồn động lực lớn lao để địa phương hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2021”.
Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, diện mạo nông thôn Vĩnh Hòa khởi sắc rõ nét với hệ thống hạ tầng dần hoàn thiện, kinh tế- xã hội phát triển đồng bộ, quốc phòng- an ninh củng cố vững chắc. Kế thừa những kết quả đạt được, bám sát định hướng cơ bản mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XVIII đề ra, cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể xã Vĩnh Hòa quyết tâm cụ thể hóa các chương trình hành động, kế hoạch, đẩy mạnh hơn nữa các phong trào thi đua yêu nước. Từ đó, tiếp nối truyền thống quê hương anh hùng, tạo nên nguồn sức mạnh của cả hệ thống chính trị hướng đến mục tiêu xây dựng Vĩnh Hòa ngày càng giàu đẹp, văn minh.