Vĩnh Hoàn trông chờ vào dòng sản phẩm sức khỏe

Khi Covid-19 tác động xấu đến doanh thu từ mảng cá tra, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán VHC) đang trông chờ lực đẩy từ các sản phẩm sức khỏe.

Dự kiến, doanh thu nhóm sản phẩm sức khỏe của Vĩnh Hoàn sẽ đạt gần 700 tỷ đồng trong năm 2020, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tín hiệu xấu từ thị trường châu Âu và Mỹ

Trên thực tế, ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến doanh thu của Vĩnh Hoàn đã được phản ánh từ hồi tháng 9. Theo quan sát của Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), trong tháng 9/2020, tổng doanh thu của Vĩnh Hoàn ước đạt 554 tỷ đồng, giảm 10% so với tháng 8 do sụt giảm từ thị trường châu Âu, dù đón nhận dấu hiệu phục hồi tích cực từ Trung Quốc.

Cụ thể, doanh thu xuất khẩu của Vĩnh Hoàn ở Mỹ đạt 191 tỷ đồng, châu Âu là 68 tỷ đồng, giảm lần lượt là 8% và 42% so với tháng 8. Trong khi đó, Trung Quốc là điểm sáng khi đạt doanh thu 137 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Mảng sản phẩm sức khỏe (Collagen và Gelatin) chỉ đạt doanh thu 28 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước, khi thị trường tiêu thụ chính là châu Âu đang đối mặt với làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19.

Đầu ra ảm đạm cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến mảng thức ăn cho cá, do người nuôi trồng e ngại sức mua, đầu ra vẫn còn thấp, nên chưa muốn thả nuôi mới. Mảng này của Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu 19 tỷ đồng trong tháng 9, giảm đến 57% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kỳ vọng vào các dòng sản phẩm tốt cho sức khỏe

Dịch bệnh diễn biến phức tạp, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), là nguyên nhân chính làm giảm quy mô xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Các thị trường chính như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, ASEAN áp dụng giãn cách xã hội, kênh tiêu thụ chính của cá tra là hàng quán phải đóng cửa hàng loạt đã gây thiệt hại nặng nề đến sức mua của dòng sản phẩm này.

Trong 9 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra đạt 1 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái. VASEP ước tính cả năm, xuất khẩu cá tra nhiều khả năng chỉ đạt 1,4 tỷ USD, giảm 30% so với năm 2019. “Hiện tại, ngành cá tra nói riêng và thủy hải sản nói chung vẫn còn đang trông chờ vào tình hình dịch bệnh tạm lắng”, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP nói.

Trên thực tế, dù hết ảnh hưởng của dịch bệnh, Vĩnh Hoàn vẫn phải đối mặt với các rào cản khác. Đầu tiên, với thị trường châu Âu, kỳ vọng tăng doanh thu nhờ giảm thuế quan khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực chưa mang lại nhiều kết quả tích cực.

Theo European Comission (EC), Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu cá tra vào châu Âu và mặt hàng này sẽ được giảm thuế từ 5,5% về 0% trong vòng 4 năm. Nhìn chung, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá, mức giảm thuế hằng năm 1,8% không phải là quá lớn, nên việc giảm thuế quan không làm tăng lợi thế cạnh tranh của cá tra Việt Nam.

Sau nữa, kết quả của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 15 (POR 15) của Mỹ đối với cá tra, ba sa của Việt Nam không tạo ra cạnh tranh đáng kể cho Vĩnh Hoàn so với các doanh nghiệp cùng ngành khác.

Mặc dù vậy, giới phân tích cho rằng, “cửa” vượt bão của Vĩnh Hoàn vẫn sáng nhờ các nền tảng mà Công ty xây dựng trong thời gian qua. Như với thị trường Mỹ, Vĩnh Hoàn có lợi thế hơn nhờ mối quan hệ khá lâu với các nhà nhập khẩu và khác biệt về sản phẩm.

Tuy nhiên, kỳ vọng lớn nhất của giới đầu tư vào Vĩnh Hoàn vẫn là sự đột phá từ nhóm sản phẩm sức khỏe. Theo KBSV, 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu mảng này đạt 442 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp đại dịch. Dự kiến, doanh thu nhóm sản phẩm sức khỏe của Vĩnh Hoàn sẽ đạt gần 700 tỷ đồng trong năm 2020, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty đang trong quá trình tăng công suất sản phẩm Gelatin hiện đại từ 2.000 tấn/năm lên mức 3.500 tấn/năm, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 10 năm nay. Kế hoạch nâng công suất đã bị chậm 2 tháng do dịch bệnh, chuyên gia nước ngoài không thể tham gia như dự kiến.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/vinh-hoan-trong-cho-vao-dong-san-pham-suc-khoe-d131891.html