Vĩnh Linh - 65 năm chiến đấu, xây dựng và đổi mới

Cách đây 65 năm, Hiệp định Giơ-ne-vơ lập lại hòa bình ở Đông Dương được kí kết, vĩ tuyến 17 trên sông Bến Hải được chọn làm ranh giới quân sự tạm thời giữa hai miền Nam - Bắc. Ngày 25/8/1954, đại diện quân đội Pháp đã buộc phải kí vào biên bản bàn giao vùng phía Bắc vĩ tuyến 17 cho phái đoàn ta. Đây là mốc lịch sử đánh dấu thời điểm Vĩnh Linh được giải phóng và cũng từ đó, ngày này được lấy làm ngày truyền thống của quê hương. Đã hơn sáu thập kỉ đi qua, trên mảnh đất tuyến đầu miền Bắc một thời máu lửa, nơi hội tụ 5 nỗi niềm đau đáu nhớ thương, thao thức của đất nước suốt 20 năm chia cắt đang vươn lên, hồi sinh mạnh mẽ.

 Một góc thị trấn Hồ Xá, Vĩnh Linh

Một góc thị trấn Hồ Xá, Vĩnh Linh

Vĩnh Linh - mảnh đất địa đầu giới tuyến, là đặc khu trực thuộc Trung ương, nơi ghi dấu lịch sử bi hùng suốt những tháng năm đất nước cắt chia. Cả Vĩnh Linh trở thành chiến trường ác liệt, là pháo đài lũy thép hiên ngang, giáng những đòn sấm sét vào lũ xâm lược, là tiền tuyến của miền Bắc, hậu phương vững chắc của miền Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước ác liệt, người Vĩnh Linh lùi sâu vào lòng đất, vừa phục vụ chiến đấu, phối hợp với các lực lượng vũ trang chiến đấu tại chỗ, vừa chi viện sức người, sức của cho đảo Cồn Cỏ và chiến trường miền Nam, ngày đêm giữ cho lá Quốc kì tung bay bên bờ Bắc cầu Hiền Lương giới tuyến. Quân và dân Vĩnh Linh phối hợp với các đơn vị chủ lực bắn rơi 293 máy bay các loại, bắn chìm và bắn cháy 69 tàu chiến, trong đó có chiến hạm Niu-zơ-ri trọng tải 100 nghìn tấn.

Có trận chỉ trong một ngày, Vĩnh Linh bắn rơi 6 máy bay Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái, buộc Tổng thống Mỹ phải cay đắng thừa nhận là “ngày đen tối nhất của không lực Hoa Kỳ”. Mỗi tên đất tên làng ở Vĩnh Linh đều sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Có nơi đâu như mảnh đất này, 100% xã, thị trấn đều là đơn vị Anh hùng LLVTND, có xã như Vĩnh Giang 3 lần anh hùng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Vĩnh Linh có 46 tập thể, 21 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, Anh hùng Lao động, 648 Bà mẹ Việt Nam anh hùng cùng với 650 Huân chương Chiến công, 146 Huân chương Lao động các loại… Đây chính là minh chứng hùng hồn đối với vùng đất “Tiền đồn miền Bắc XHCN” đã đi vào lịch sử oai hùng của đất nước.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Vĩnh Linh sáp nhập với Gio Linh, Cam Lộ thành huyện Bến Hải thuộc tỉnh Bình Trị Thiên. Ngày 1/7/1989, tỉnh Quảng Trị được tái lập. Ngày 1/5/1990, huyện Vĩnh Linh trở về với tên gọi chính mình. Từ một vùng đất bị chiến tranh hủy diệt, Vĩnh Linh đã cải tạo diện tích đất đai hoang hóa, rà phá bom mìn để gieo trồng các loại cây lương thực, ổn định cuộc sống, từng bước đi lên. Sau 33 năm thực hiện công cuộc đổi mới của đất nước, phát huy nội lực cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, các tổ chức quốc tế, của bạn bè khắp nơi, Vĩnh Linh đã viết tiếp bài ca anh hùng để biến “lũy thép” năm xưa thành “lũy hoa” thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực.

Đảng bộ Vĩnh Linh qua các kì đại hội đã có nhiều nghị quyết chuyên đề mang tính đột phá phù hợp với tình hình thực tế. Đến năm 2018, cơ cấu nền kinh tế của huyện đã chuyển dịch theo hướng phù hợp nền kinh tế thị trường: Nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 30,3%, công nghiệp - xây dựng chiếm 27,7%, thương mại - dịch vụ 42%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 46,2 triệu đồng. Hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 20162020 giảm còn 5,26%.

Vĩnh Linh là địa phương triển khai dồn điền đổi thửa sớm của tỉnh Quảng Trị, đã tạo ra nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có giá trị thu nhập trên 100 triệu đồng/ha mỗi năm trở lên. Chăn nuôi từ nhỏ lẻ chuyển sang trang trại, phát triển mô hình thâm canh, nâng cao giá trị thu nhập. Phong trào trồng cây gây rừng được phát động toàn dân. Từ năm 1990 đến nay, mỗi năm toàn huyện trồng mới khoảng 1.000 ha rừng tập trung, 1 triệu cây phân tán, nâng độ che phủ của rừng đến nay đạt hơn 50%. Riêng cây cao su đã phát triển từ năm 1993, đến nay đạt gần 6.600 ha, trong đó có hơn 5.400 ha đã cho khai thác mủ.

Trên lĩnh vực công nghiệp - TTCN, xây dựng cơ bản, giao thông vận tải có bước phát triển đáng phấn khởi. Giá trị công nghiệp - TTCN hằng năm đều có mức tăng trưởng hơn 10% so với năm trước. Xây dựng cơ bản, giao thông vận tải, thương mại, dịch vụ đều đạt doanh thu khá. Chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn phát triển mạnh ở 22/22 xã, thị trấn, toàn huyện có hàng trăm cây số đường giao thông nông thôn được nhựa hóa và bê tông hóa. Vĩnh Linh thực hiện thành công điểm nhấn “Thắp sáng đường quê”.

Đến nay, toàn huyện có hơn 150 làng bản, khóm phố lắp đặt gần 2.000 km đường điện công cộng bằng nguồn lực của nhân dân, tạo gương mặt làng quê “xanh - sạch - đẹp và sáng”. Huyện Vĩnh Linh là địa phương thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2018, huyện Vĩnh Linh có thêm xã Vĩnh Chấp hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới, đưa tổng số xã đạt chuẩn lên 15/19 xã, chiếm tỉ lệ 78,9%. Đáng mừng các xã vùng khó, miền núi, số tiêu chí đạt chuẩn tăng thêm so với năm trước: Vĩnh Thái, Vĩnh Hà đạt 14 tiêu chí, Vĩnh Khê 12 tiêu chí, Vĩnh Ô đạt 9 tiêu chí. Bên cạnh đó, xã Vĩnh Thủy và Vĩnh Kim được tỉnh chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020.

Sự nghiệp giáo dục- đào tạo có nhiều tiến bộ, quy mô trường lớp từng bước đổi mới, vật chất kĩ thuật phục vụ dạy và học ngày càng hiện đại, đồng bộ theo hướng chuẩn hóa. 100% trường phổ thông và mầm non được cao tầng hóa, kiên cố hóa. Công tác khuyến học, khuyến tài đã được xã hội hóa mạnh mẽ. Sự nghiệp y tế đã có nhiều đổi mới. Các xã, thị trấn cơ bản có bác sĩ. Công tác dân số - KHHGĐ và chăm sóc trẻ em có những tiến bộ. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, thông tin truyền thông đã có những đột phá và đổi mới qua từng năm.

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở ngày càng đi vào chiều sâu. Năm 2011, huyện Vĩnh Linh được tỉnh công nhận là huyện điển hình về văn hóa. Hệ thống thông tin liên lạc ngày càng phát triển, 100% xã, thị trấn có đường truyền internet tốc độ cao và có đường thư chuyển phát hằng ngày đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc phục vụ đời sống xã hội từ miền xuôi đến miền núi. Vĩnh Linh có đề án giảm nghèo cho 11 bản ở 3 xã miền núi Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà bằng sự quan tâm đầu tư của nhà nước, sự đóng góp của các cơ quan, đơn vị, các xã trên địa bàn. Đến nay, Vĩnh Linh cơ bản hoàn thành đề án xóa nhà tạm dột nát cho hộ nghèo. Các phong trào thi đua quyết thắng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc đã đẩy mạnh và phát huy xuất sắc trong những năm qua. Nhiều mô hình phòng chống tội phạm, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ trị an thôn xóm hình thành, phát huy hiệu quả.

Trên các lĩnh vực xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể được duy trì thường xuyên, có sự kiểm tra đánh giá chất lượng từng năm. Các phong trào thi đua yêu nước của các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Cựu chiến binh, Liên đoàn Lao động huyện được phát huy đồng bộ và liên tục. Đặc biệt, huyện lấy việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để tạo động lực thi đua sôi nổi trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Trong những năm đổi mới, Vĩnh Linh được Nhà nước tặng 2 Huân chương Độc lập hạng Nhất và hạng Nhì, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba, Chính phủ tặng 2 cờ thi đua xuất sắc, 3 đơn vị là: Trường Trung học phổ thông Vĩnh Linh, Công ty Lâm nghiệp Bến Hải và xã Vĩnh Thủy được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Đặc biệt, ngày 23/11/2011, Chủ tịch nước kí quyết định phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lao động thời kì đổi mới cho Đảng bộ và nhân dân huyện Vĩnh Linh. Kỉ niệm 65 năm ngày truyền thống là dịp để Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Linh nhìn lại chặng đường chiến đấu và xây dựng với bao gian nan thử thách để có một Vĩnh Linh tươi đẹp như hôm nay.

Trong chặng đường mới, Vĩnh Linh nguyện đoàn kết một lòng, tiếp tục nỗ lực về mọi mặt, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Anh Khoa

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=141629