Vĩnh Linh khúc xạ qua góc nhìn văn nghệ
Theo một nghĩa nào đó, vùng quê Vĩnh Linh đã phần nào phản chiếu về mảnh đất Quảng Trị. Viết về Vĩnh Linh có khá nhiều bài thơ hay nhưng đặc biệt có hai bài thơ vừa hay vừa lạ mà không phải ai cũng biết tỏ tường. Cũng đã có vở diễn đậm chất Vĩnh Linh cũng có vẻ khác thường.
Chuyện trạng và đám cưới vào thơ
Nhiều lần về xã Vĩnh Tú (Vĩnh Linh, Quảng Trị), chiếc nôi của chuyện trạng Vĩnh Hoàng, chúng tôi càng thấu hiểu câu nói dân gian đầy tự hào: “ Vĩnh Hoàng, cả làng nói trạng”. Khi về đây nghe nghệ nhân Trần Đức Trí say sưa kể chuyện trạng cuốn hút người nghe, đến cả những đứa trẻ tuổi mới lên mười cũng đã tỏ rõ năng khiếu kể chuyện trạng, xứng đáng là truyền nhân; đến một lão nông chưa qua trường lớp như ông Trần Hữu Chư cũng thành họa sĩ “ của làng khi “kể” chuyện trạng bằng những bức tranh mộc mạc mà sinh động.
Chuyện này nhiều người đã biết. Nổi tiếng đến mức đã có tiến sĩ nghiên cứu văn học như ông Võ Xuân Trang từng về làng sưu tầm và in thành sách, có cả luận văn tốt nghiệp khoa Ngữ văn-Đại học Tổng hợp Huế làm về đề tài chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Còn nói về căn cước văn hóa, theo như chị Hoàng Dạ Hương, cán bộ văn hóa xã Vĩnh Tú: “ Không biết nói trạng thì chắc là không phải dân Vĩnh Tú”. Nhưng chuyện trạng Vĩnh Hoàng đi vào thơ thì chưa hẳn đã lan truyền.
Cho đến một hôm, tình cờ gặp nhà thơ Ngô Minh, quê nội Quảng Bình, quê ngoại Vĩnh Linh, tôi mới vỡ vạc thêm về một trường hợp về sức sống của văn nghệ dân gian. Lúc ấy, khi cao hứng nhà thơ mới thổ lộ là mình có bài thơ có tên: “Nghe chuyện trạng Vĩnh Hoàng”. ‘‘Khi thấy tôi háo hức, ông bèn cất giọng đọc: “Bom hất sang sông đỡ tốn tiền đò/ Đi bứt tranh bứt nhầm đuôi cọp/Người kể chuyện quả quyết rằng có thật/Ai chưa tin xin mời đến làng tôi...”.
Rồi ông giải thích luôn: “Tôi cảm nhận chuyện trạng Vĩnh Hoàng bằng thơ. Câu đầu tiên của bài thơ chính là nói về chuyện anh chàng nói trạng Vĩnh Hoàng kể với dân làng khi đi ăn giỗ bên kia sông Bến Hải cũng không cần đi đò. Chỉ cần có mẹo chọc tức máy bay Mỹ ném bom hất sang bờ bên kia, ăn giỗ no say xong lại chọc tức, bom lại hất về lại bờ bên này, rồi ung dung về nhà; còn chuyện đi bứt tranh thì vì lúc trời chưa sáng, nhìn không rõ, bứt nhầm luôn cả đuôi cọp...”
Quả thật là lạ! Cái khí chất hài hước, kể cả với những chuyện hiểm nguy sống chết lại được kể bằng một giọng tỉnh bơ lại đầy chất trào tiếu: “Trông chế cười ngạo nghễ!”. Nhà thơ đã bắt được thần thái nên đưa vào thơ thật sinh động và ấn tượng. Đoạn kết khiến người nghe càng rung động: “Vĩnh Linh ơi từ địa đạo bước lên/ Tưởng trắng rợn một màu tang trắng/ Ai ngờ dưới tro những câu chuyện trạng/Lại lên xanh lấp lánh mắt cười/ Một củ khoai phải luộc đến năm nồi/ Chuyện như chẳng thể nào tin được/ Nhưng đến Vĩnh Linh vốc lên từng nắm đất/Hiểu nhiều thêm sự tích lạ lùng hơn”. Đây cũng là một sự lạ trong thơ!
Bài thơ thứ hai kể về một chuyện song hỷ lâm môn ở ngay vùng giới tuyến có tên “Đưa dâu qua cầu Bến Hải” của nhà thơ Cảnh Trà. Đây là tác phẩm ra đời đúng vào ngày 20/7/1975 đăng trên báo “Văn nghệ giải phóng”, đạt giải bài thơ hay nhất nhân kỷ niệm ra 100 số báo “Văn nghệ giải phóng”.
Bài thơ được sáng tác ngay tại thôn Hiền Lương với những câu thơ mở đầu. “Một buổi mai nắng vàng hoa ngâu/Đám đưa dâu qua cầu Bến Hải/Cầu vừa bắc xong sơn còn tươi rói/Đôi bờ xanh lúa mới đã ngậm đòng/Nhìn hai họ qua cầu mà nước mắt rưng rưng/Mà sung sướng vui tràn như trẻ nhỏ”. Đám cưới thì phải có đưa dâu, chuyện quá bình thường như muôn thưở xưa nay vẫn thế. Vậy thì có gì lạ đâu mà phải làm thơ, hơn thế mà khóc cười rưng rưng như trẻ nhỏ.
Xin thưa là có, bởi chuyện vốn rất bình thường đã trở nên khác thường ở vùng giới tuyến bị chia cắt nên gần 20 năm chuyện đi lại qua cầu đã quá hy hữu, nói gì đến đưa dâu tưng bừng như thế. Vì vậy, nói đã trở thành sự kiện trong thơ. Nói như nhà thơ Võ Văn Hoa (Hải Lăng, Quảng Trị): “ Bài thơ là hiện tượng lạ trong thi ca, đúng là đã tái hiện và cảm nhận chân thực, sâu sắc, tinh tế về một sự lạ của đời sống, chuyện chỉ có ở vùng giới tuyến ”.
Bài thơ nhắc lại một hiện thực tưởng chừng bình thường, không hề có bóng dáng chiến tranh, bom rơi đạn nổ nhưng vẫn khiến người đọc tê tái vì nỗi đau chia cắt: “Chàng trai Vĩnh Linh cưới cô gái đất Cùa-Cam Lộ/Sông tưng bừng nhìn đôi lứa thương nhau/Gió lâng lâng con sóng vỗ chân cầu/Mà thắt ruột câu hò xưa tê tái/“Bước đến Hiền Lương sao chặng đường dài nghẹn lại/Đáo tới Bến Hải sao gác mái tình duyên...”.
Và trở lại hân hoan vô chừng với hiện thực hòa bình rất đỗi nhân văn khi cuộc đời trở lại bình thường, bình an như đúng với bản chất của nó: “ Đám cưới hôm nay cũng tự nhiên như là hoa, là lá/Như là chị lấy chồng, như là tôi lấy vợ/Mà hay chưa bỡ ngỡ như chiêm bao/Tôi nhìn sông, nghe sông chảy rì rào/Ai hát đó tưởng như lời tôi hát/Ngắm mây bay, tôi thấy trời bát ngát/Chân người đi rộn rịp quá, người ơi!”.
Nhà thơ Phạm Đình Ân thì bình phẩm: “Bài thơ hay ở tứ, ý, thi ảnh độc đáo, thêm nữa là cách trình bày giản dị, tươi sáng, được bao phủ bởi cảm thức văn hóa dân gian, có vẻ đẹp chân mộc nhưng cũng đủ mức tinh tế khi dựng một câu chuyện bằng thơ về một cuộc đưa dâu thú vị, làm toát lên ý nghĩa cao đẹp, sâu sắc, rộng lớn hơn một cuộc đưa dâu bình thường”. Cùng với những ca khúc như “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sĩ Văn Cao, bài thơ này đã chạm vào khát vọng mãnh liệt của tâm thức dân tộc trở thành những tác phẩm có sức sống tươi rói, bền lâu, có lẽ không biết đến nếp nhăn tuổi tác.
Vở diễn lạ kỳ
Có lần trò chuyện với nhà văn Xuân Đức mới thật tỏ tường sau ngày tái lập tỉnh vào năm 1989. Quảng Trị lúc mới “ra riêng” thiếu thốn đủ bề nhưng khát vọng thì không nhỏ, hơn nữa đạo diễn gạo cội có NSND Xuân Đàm (chồng bà Kim Quý), kịch tác gia có Xuân Đức, diễn viên tài sắc NSND Kim Quý (dân Vĩnh Linh) rồi Chánh Phùng nhưng chỉ ngần ấy con người thì khó lòng làm nên một vở kịch. Hội diễn sân khấu nhỏ toàn quốc đầy thử thách nhưng cũng quá hấp dẫn gọi mời thì không thể chối từ.
Một hôm vào năm 1991, đạo diễn Xuân Đàm, Giám đốc Sở Văn hóa thể thao tỉnh Quảng Trị nói với Phó giám đốc Sở là nhà văn Xuân Đức: “Cậu viết ngay cho tôi một vở kịch, nhớ là chỉ có hai nhân vật, một nam, một nữ, còn vì sao mà chỉ có hai thì ông biết rồi đấy, vì chỉ có hai diễn viên: Chánh Phùng và Kim Quý, liệu cơm mà gắp mắm”. Nhà văn Xuân Đức làm theo, nhưng nghĩ cả ngày cả đêm, vò đầu bứt tai cũng không tài nào ra một vở kịch như thế.
Sáng ra, gặp đạo diễn Xuân Đàm, ông nhăn nhó “thương lượng”: “Anh phải cho tôi một nhân vật nữa, một nhân vật thôi, nếu không thì bó phép”. Giám đốc sở Văn hóa trả lời: “Thôi được, tôi cho ông thêm một nhân vật, nhân vật nữ, vì chỉ còn có Tiểu Hoa nữa thôi”. Vật vã sáng tạo, nhà văn Xuân Đức viết xong vở kịch “Đợi đến bao giờ” cũng lấy cảm hứng từ mảnh đất giới tuyến Vĩnh Linh, sau đạo diễn Xuân Đàm đổi tên là “Chuyện đời thường vớ vẩn”. Rồi cả “đoàn kịch” lên đường bằng chiếc xe cà tàng U-oát đến hội diễn tận TP. Hồ Chí Minh.
Tỉnh nghèo, kinh phí eo hẹp, phương tiện thiếu thốn, diễn viên hiếm hoi vậy mà thành công vang dội. Vở kịch đoạt huy chương vàng, rồi diễn viên cũng được huy chương vàng, huy chương bạc khiến giới sân khấu cả nước trầm trồ thán phục. Thừa thắng xông lên, các huy chương vàng nối tiếp nhau vào các kỳ hội diễn tiếp theo khiến Quảng Trị trở thành địa chỉ vàng của sân khấu nhỏ.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/vinh-linh-khuc-xa-qua-goc-nhin-van-nghe-191316.htm