Vĩnh Linh nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

Với bề dày truyền thống văn hóa và lịch sử đấu tranh cách mạng cùng nỗ lực đưa phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đi vào chiều sâu, năm 2011, Vĩnh Linh được UBND tỉnh công nhận là huyện điển hình về văn hóa. Phát huy kết quả đã đạt được, Vĩnh Linh tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tạo nền tảng văn hóa vững chắc trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển.

 Huyện Vĩnh Linh nỗ lực trở thành địa phương giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, mạnh về quốc phòng- an ninh nơi cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Quảng Trị - Ảnh: NT

Huyện Vĩnh Linh nỗ lực trở thành địa phương giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, mạnh về quốc phòng- an ninh nơi cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Quảng Trị - Ảnh: NT

Vĩnh Linh đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa trên các lĩnh vực, trong hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và mỗi gia đình phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế. Tăng cường tuyên truyền, vận động đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, nội quy, quy chế ở cơ quan, hương ước làng, bản, khóm phố để thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động. Các địa phương, đoàn thể trong huyện xem xây dựng đời sống văn hóa là việc làm quan trọng, xuyên suốt, triển khai sáng tạo phong trào thông qua việc lồng ghép chặt chẽ vào nhiệm vụ của ngành, đơn vị gắn với đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Thực hiện nếp sống văn minh, đẩy lùi các tệ nạn xã hội”. Mặt khác, tạo sức mạnh tổng hợp để lấy sức dân mà chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho dân.

Đến nay Vĩnh Linh có 13/15 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. 1/3 thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. 100% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký xây dựng đạt chuẩn văn hóa. Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa trở thành phong trào thi đua có sức lan tỏa sâu rộng, mang tính tự giác. Đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân hưởng ứng sôi nổi các cuộc vận động, phong trào do hệ thống chính trị phát động, hình thành những tập quán mới văn minh trên nguyên tắc sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Công tác an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa được chăm lo đúng mức.

Bên cạnh đó, Vĩnh Linh có những chính sách ưu tiên, hỗ trợ điều kiện để khôi phục, bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, đặc biệt đối với di sản vật thể, phi vật thể của đồng bào dân tộc Vân Kiều 3 xã miền núi Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà. Các lễ hội Rằm tháng 2, múa Chèo cạn làng Tùng Luật, xã Vĩnh Giang; kể chuyện Trạng Vĩnh Hoàng, xã Vĩnh Tú; múa trống, chạy cù xã Trung Nam; cồng chiêng, ngày hội văn hóa các dân tộc… được tổ chức bài bản, quy mô. 181 di tích lịch sử văn hóa được chú trọng bảo tồn, nâng cấp mang ý nghĩa giáo dục truyền thống, lịch sử cách mạng gắn với phát triển du lịch. Việc quy hoạch, khai thác, sử dụng thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở thực hiện nghiêm túc, đồng bộ. Bằng những cách làm hay, sát đúng, huyện đã huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, thể dục - thể thao đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về đời sống văn hóa; khuyến khích, thu hút Nhân dân tham gia vào các hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Toàn huyện hiện có 16/18 đài truyền thanh cơ sở với 265 cụm truyền thanh FM, gần 600 loa 25W về tận thôn, bản. 100% thôn có nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng; gần 100 cổng chào thôn; khoảng 3.200 pa nô áp phích, băng rôn, cụm, bảng tin tuyên truyền... Hệ thống sân vận động ở 100% xã, thị trấn và nhà thi đấu huyện đảm bảo việc tập luyện, tổ chức các giải đấu thể dục - thể thao cho cán bộ và Nhân dân. Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ” có bước phát triển với tỉ lệ người tập thể dục - thể thao thường xuyên đạt khoảng 37% dân số.

Phong trào xây dựng thôn, bản, khóm phố, gia đình văn hóa còn làm khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, ý thức tự quản cộng đồng. Huyện thường xuyên kiểm tra, đánh giá, đồng thời biểu dương kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, làm động lực thúc đẩy phát triển văn hóa, con người địa phương. Hiện 149/149 thôn, bản, khu phố ở Vĩnh Linh đăng ký xây dựng văn hóa; trên 100 thôn, bản, khu phố được công nhận văn hóa; 95% tổng số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Toàn huyện có trên 40 câu lạc bộ liên quan đến công tác gia đình như: “Phòng, chống bạo lực gia đình”, “Gia đình hạnh phúc”, “Gia đình trẻ”...

Nhiệm kỳ 2020- 2025, để phát triển đồng bộ, toàn diện lĩnh vực văn hóa- xã hội, huyện Vĩnh Linh tập trung vào 2 nhiệm vụ chính: Đầu tư sự nghiệp giáo dục và đào tạo, gắn với tăng chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án phát triển văn hóa, y tế, khoa học- công nghệ, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Thị Khởi cho biết thêm: “Thời gian tới, Vĩnh Linh tiếp tục triển khai sâu rộng các nội dung, phong trào thi đua, nhất là Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Nhân rộng các mô hình hiệu quả trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Chỉ đạo các địa phương, đơn vị, từng cấp, ngành lồng ghép phong trào với thực hiện các kế hoạch, chương trình đang triển khai. Từ đó góp phần gìn giữ, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong tình hình mới. Phấn đấu đưa Vĩnh Linh phát triển nhanh, bền vững”.

Nguyễn Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=151042