Vĩnh Lộc chú trọng phát triển du lịch

Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển, từ năm 2016 Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Vĩnh Lộc đã ban hành nghị quyết về phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, tiếp tục đề ra mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm. Đây là cơ sở quan trọng để du lịch ở Vĩnh Lộc bứt phá, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách.

Thành Nhà Hồ là điểm du lịch hấp dẫn dành cho những ai yêu lịch sử và thích khám phá.

Là vùng đất có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú, Vĩnh Lộc có trên 250 di tích đã được kiểm kê, trong đó có gần 70 di tích đã được xếp hạng, gồm Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, 14 di tích cấp quốc gia, 50 di tích cấp tỉnh, phân bố rộng khắp trên địa bàn huyện. Vĩnh Lộc cũng từng là kinh đô của nước Đại Ngu dưới vương triều Hồ, nơi phát tích 12 đời chúa Trịnh, nhiều truyền thuyết, di chỉ khảo cổ nổi tiếng, những danh nhân mà tên tuổi của họ đã đi vào lịch sử dân tộc như: Trần Khát Chân, Tống Duy Tân, Trịnh Khả... Vĩnh Lộc còn có nhiều làng nghề với những sản phẩm có giá trị, có nhiều lễ hội đặc sắc, nhiều trò chơi dân gian, nhiều món ăn độc đáo và nguồn lao động dồi dào. Với tài nguyên du lịch phong phú, giao thông thuận lợi, Vĩnh Lộc là trung tâm tuyến du lịch quan trọng từ TP Thanh Hóa qua Vĩnh Lộc lên Cẩm Thủy, Quan Sơn sang Lào... Đó là những lợi thế to lớn để phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm của huyện.

Để khai thác, phát huy giá trị các di tích trong phát triển du lịch, phòng văn hóa và thông tin đã phối hợp với phòng kinh tế - hạ tầng, tham mưu cho UBND huyện xin lập hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị Di sản Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch; phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản tỉnh Thanh Hóa lập hồ sơ khoa học và phương án thiết kế tu bổ, tôn tạo Di tích chùa Xuân Áng, xã Vĩnh Long và các di tích quan trọng khác. Huyện đã huy động nguồn lực để đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi, chống xuống cấp hàng chục di tích. Nhiều di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài tỉnh.

Cùng với hệ thống di tích phong phú, huyện Vĩnh Lộc còn được thiên nhiên ưu đãi nhiều thắng cảnh vừa hùng vĩ, vừa nên thơ. Nổi tiếng nhất là danh thắng Kim Sơn, xã Vĩnh An. Nơi đây được mệnh danh là một “Tràng An thu nhỏ” của xứ Thanh, với vẻ đẹp nguyên sơ của quần thể núi non kỳ vĩ, hệ thống hang động đẹp, hệ sinh thái động, thực vật phong phú... Huyện đã mời các doanh nghiệp lớn khảo sát, nghiên cứu đầu tư khai thác du lịch tại danh thắng quốc gia núi Kim Sơn.

Nói về cảm nhận khi đến tham quan danh thắng Kim Sơn, bà Trịnh Thị Hương ở huyện Yên Định chia sẻ: Đến tham quan danh thắng Kim Sơn, chúng tôi rất bất ngờ và thích thú trước vẻ đẹp của thiên nhiên nơi đây. Mong rằng huyện Vĩnh Lộc sẽ quan tâm, xây dựng thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch để ngày càng thu hút thêm nhiều du khách.

Trao đổi với Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc Lê Văn Tiến được biết, ngay sau khi nghị quyết về phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030 được ban hành, Ban Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Lộc đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, xây dựng chương trình hành động, đề án, kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết sát với tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị và tổ chức triển khai thực hiện.

UBND huyện Vĩnh Lộc đã cụ thể hóa các nội dung nghị quyết bằng các đề án, kế hoạch về phát triển du lịch; đồng thời triển khai các văn bản hướng dẫn thuộc lĩnh vực du lịch đến các xã, thị trấn; giám sát chặt chẽ công tác quy hoạch, công tác quản lý Nhà nước tại các điểm di tích, danh thắng trên địa bàn huyện. Cùng với đó, huyện tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, phù hợp với điều kiện của địa phương, trong đó các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, du lịch tham quan danh lam thắng cảnh được xác định là thế mạnh của địa phương.

Nghị quyết, chương trình phát triển du lịch đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân huyện Vĩnh Lộc về phát triển “ngành công nghiệp không khói”, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện và góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Từ năm 2020 đến nay, huyện Vĩnh Lộc đã kêu gọi đầu tư được 2 dự án kinh doanh du lịch, với tổng vốn đăng ký gần 60 tỷ đồng. Huyện cũng đã tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; phát triển các sản phẩm OCOP nhằm phục vụ khách tham quan du lịch; đồng thời quan tâm phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, du lịch sinh thái nông nghiệp, nông thôn gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Đến nay, huyện Vĩnh Lộc đã được UBND tỉnh công nhận 1 khu du lịch Thành Nhà Hồ và 4 điểm du lịch, bao gồm: chùa Báo Ân, chùa Tường Vân, động Hồ Công, danh thắng quốc gia núi Kim Sơn. Trong những năm gần đây, nhất là từ năm 2012 sau khi Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, du lịch Vĩnh Lộc đã bắt đầu có bước phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước cải thiện đời sống Nhân dân.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng du lịch của huyện Vĩnh Lộc phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế; hiệu quả hoạt động kinh doanh du lịch còn thấp; công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch hiệu quả chưa cao, chưa có tính quy mô, chưa thâm nhập rộng ra thị trường trong nước và thế giới; sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu, số ngày khách lưu trú, đặc biệt là khách quốc tế còn ít; chưa thu hút được các doanh nghiệp, các dự án lớn đầu tư cho du lịch...

Nhằm phát triển kinh tế du lịch theo hướng bền vững, văn minh, thân thiện, an toàn, năm 2022 Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXVI đã ban hành Chương trình phát triển du lịch huyện Vĩnh Lộc giai đoạn 2022-2025, đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phấn đấu đến năm 2025 du lịch Vĩnh Lộc là ngành có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của huyện và trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách.

Với chủ trương, chính sách đúng đắn cùng sự đồng thuận của Nhân dân sẽ giúp huyện Vĩnh Lộc tiếp tục huy động hiệu quả các nguồn lực để phát triển du lịch theo hướng bền vững, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch gắn với bảo tồn, tôn tạo và phát huy các nguồn lực tạo bước phát triển mới cho kinh tế du lịch.

Bài và ảnh: Tô Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/du-lich/vinh-loc-chu-trong-phat-trien-du-lich/179045.htm