Vĩnh Lộc tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản
Là địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản (TNKS) khá phong phú, đa dạng về chủng loại, thời gian qua, công tác quản lý TNKS trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc được quan tâm chỉ đạo quyết liệt, hoạt động khai thác khoáng sản (KTKS) của các đơn vị được cấp phép trên địa bàn cơ bản đã dần đi vào nền nếp. Ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp hoạt động KTKS được nâng lên rõ rệt.
Hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty CP Xây dựng đô thị 5, thôn 9, xã Minh Tân.
Minh Tân là xã có nguồn tài nguyên đá vôi, tập trung ở khu vực núi Bền và núi Côn Sơn thuộc địa phận thôn 9, với diện tích 39,98 ha. Tại khu vực này hiện có 9 mỏ khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường và tận thu đá khối sản xuất đá ốp lát, với 9 doanh nghiệp được cấp phép khai thác. Ông Trịnh Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Minh Tân, cho biết: UBND xã là đơn vị trực tiếp thực hiện các biện pháp bảo vệ TNKS chưa khai thác, giám sát việc chấp hành pháp luật về TNKS của các đơn vị hoạt động khai thác trên địa bàn. Để thực hiện nhiệm vụ này, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong KTKS cho các tổ chức, cá nhân biết, chấp hành nghiêm pháp luật về đất đai, khoáng sản, UBND xã đã thành lập tổ quản lý thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản của các đơn vị, tránh tình trạng khai thác quá trữ lượng, vượt mốc giới, chở quá khổ, quá tải, đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ môi trường...
Theo số liệu thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vĩnh Lộc, trên địa bàn huyện có 17 mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường được UBND tỉnh cấp phép, với tổng diện tích 68,68 ha, trữ lượng được phê duyệt là 9.355.554m3. Bên cạnh đó, có 5 mỏ khai thác cát, 4 bãi tập kết cát và 2 khu kinh doanh vật liệu xây dựng tổng hợp; 1 mỏ đất san lấp và 4 mỏ đất sét làm gạch tuynel được cấp phép cho 25 doanh nghiệp hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản tại các xã: Vĩnh An, Vĩnh Thịnh, Minh Tân, Vĩnh Hùng, Vĩnh Quang, Vĩnh Phúc, Vĩnh Yên, Vĩnh Hòa, Ninh Khang.
Để quản lý hoạt động khai thác TNKS trên địa bàn, trên cơ sở quy định của Luật Khoáng sản 2010, Chỉ thị 38/CT-TTg ngày 29-9-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng, xuất khẩu khoáng sản và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện Vĩnh Lộc đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tăng cường công tác quản lý Nhà nước về TNKS, môi trường trên địa bàn. Hoạt động KTKS của các doanh nghiệp đã dần đi vào nền nếp, đảm bảo theo quy định của pháp luật; các ngành, các cấp chính quyền đã nâng cao trách nhiệm, phát huy hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước; khoáng sản được quản lý, sử dụng ngày càng hiệu quả, tiết kiệm, cơ bản đáp ứng được nguồn nguyên liệu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Mặc dù công tác quản lý Nhà nước về TNKS trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc trong những năm gần đây được quan tâm chỉ đạo quyết liệt và từng bước đi vào nền nếp, tuy nhiên vẫn còn một số đơn vị KTKS chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, như: khai thác vượt ngoài mốc giới được cấp phép; khai thác không đúng trình tự, phương pháp, chưa tuân thủ theo đúng thiết kế mỏ đã được phê duyệt; tình trạng các phương tiện vận chuyển khoáng sản quá trọng tải gây hư hỏng đường giao thông; một số đơn vị chưa thực hiện đầy đủ các giải pháp bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác gây ô nhiễm môi trường, an toàn giao thông, an ninh trật tự, an toàn lao động...
Năm 2022, UBND huyện Vĩnh Lộc đã phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các xã có mỏ khoáng sản kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật của các đơn vị khai thác, chế biến đá làm vật liệu xây dựng trên địa bàn. Kết quả kiểm tra, có 4 doanh nghiệp có hành vi vi phạm trong hoạt động KTKS, trong đó UBND huyện Vĩnh Lộc đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản đối với Công ty CP Xây dựng đô thị 5 và HTX khai thác chế biến đá Vĩnh Minh, mỗi đơn vị xử phạt 15 triệu đồng. Đối với 2 đơn vị còn lại là Doanh nghiệp tư nhân Hải Sâm và Công ty TNHH Việt Thanh Stone, do không có máy đo chuyên dụng nên UBND huyện Vĩnh Lộc đã có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cử Đoàn mỏ - Địa chất Thanh Hóa phối hợp các đơn vị liên quan để đo đạc, xác định diện tích, khối lượng khoáng sản mà các doanh nghiệp đã khai thác ngoài phạm vi ranh giới mỏ được cấp phép làm cơ sở để xác định mức xử phạt và yêu cầu các doanh nghiệp khắc phục.
Ông Mai Xuân Tùng, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vĩnh Lộc, cho biết: Do đặc thù các khu vực mỏ có vị trí, địa hình phức tạp, hiểm trở, đối tượng vi phạm thường hoạt động vào đêm tối, ngày nghỉ, ở khu vực gần các mỏ được cấp phép hoặc ở khu giáp ranh giữa các xã, huyện nên việc kiểm tra, xử lý gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, chính quyền cơ sở thiếu trang thiết bị chuyên dụng và công cụ hỗ trợ để phục vụ công tác kiểm tra xác định tọa độ mốc mỏ khai thác, độ sâu khai thác, đo độ bụi trong không khí, đo tiếng ồn,... nên khó khăn cho công tác quản lý, phát hiện và xử lý các vi phạm. Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước và bảo vệ TNKS trên địa bàn huyện, thời gian tới, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và người dân về Luật Khoáng sản và các văn bản pháp luật có liên quan, huyện Vĩnh Lộc tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển trái phép khoáng sản và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Yêu cầu các xã, thị trấn nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước trong hoạt động KTKS theo đúng quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát việc thăm dò, khai thác, vận chuyển khoáng sản; phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hoạt động khai thác TNKS trái phép; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các khu vực có khoáng sản. Yêu cầu các đơn vị KTKS đầu tư thiết bị máy móc hiện đại, áp dụng công nghệ phục vụ cho hoạt động khai thác, chế biến nhằm tiết kiệm TNKS và bảo vệ môi trường; nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật lao động, đảm bảo an toàn lao động.