Vĩnh Lộc tích cực chuyển đổi số
Luôn được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Huyện ủy, UBND huyện trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS), thời gian qua, huyện Vĩnh Lộc đã tích cực đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, hiện đại hóa nền hành chính công, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, từng bước CĐS trên tất cả các lĩnh vực.
Hạ tầng viễn thông đã được lắp đặt đến tất cả các thôn, khu dân cư trên địa bàn huyện, đảm bảo internet được kết nối mọi lúc, mọi nơi. Đường truyền mạng cáp quang tốc độ cao, hệ thống wifi phủ khắp các cơ quan, hệ thống an toàn an ninh thông tin của UBND huyện được đảm bảo.
UBND huyện, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn đã áp dụng hiệu quả các phần mềm phục vụ công tác quản lý và điều hành như: Phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc (TD office), phần mềm theo dõi nhiệm vụ, phần mềm một cửa điện tử; 100% các đơn vị đã thực hiện trao đổi, tạo lập, xử lý, ký số văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường điện tử; 100% thủ tục hành chính được tiếp nhận trên hệ thống thông tin một cửa điện tử; chứng thư số được cấp cho lãnh đạo, cán bộ, công chức cơ quan và tiến hành cài đặt, triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trên Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; triển khai áp dụng các phần mềm chuyên ngành để sử dụng trong công việc chuyên môn; đầu tư, bổ sung, thay thế, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật (máy chủ, máy trạm, mạng máy tính, hệ thống mạng LAN, hệ thống bảo mật, an ninh mạng, phần mềm bản quyền...).
Các cấp ủy đảng, chính quyền huyện, xã, thị trấn đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện từng bước ứng dụng công nghệ số đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí, mở rộng thị trường, nhiều phương thức kinh doanh, dịch vụ, ngành nghề mới xuất hiện góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống của Nhân dân.
Ông Trịnh Văn Quy, Phó trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Vĩnh Lộc, cho biết: Với quan điểm CĐS trên cơ sở lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, nâng cao kỹ năng số cho người dân, mở rộng cơ hội tiếp cận với các dịch vụ, công nghệ số, giúp người dân tương tác với chính quyền được thuận lợi hơn, huyện Vĩnh Lộc đã nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền. 6 tháng đầu năm, việc triển khai phổ biến, quán triệt tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện ứng dụng tài khoản định danh điện tử trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến huyện Vĩnh Lộc đứng vị trí thứ 7/27 huyện, thị xã, thành phố với kết quả đã kích hoạt được 34.210 tài khoản/32.551 chỉ tiêu tỉnh giao (đạt 105,09%). Toàn huyện đang phấn đấu đến 30-9-2023 đạt trên 70.000 tài khoản dịch vụ công trực tuyến. Để cán mốc mục tiêu đặt ra, huyện đã ban hành Kế hoạch số 136/KH-UBND ngày 3-6-2023 về việc triển khai mô hình “Điểm dịch vụ công trực tuyến” trên địa bàn huyện và đang triển khai thực hiện tại nhà văn hóa khu III, thị trấn Vĩnh Lộc.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình CĐS trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc cũng gặp phải không ít khó khăn, thách thức: Sự tham gia của doanh nghiệp, người dân trong thực hiện CĐS chưa thực sự mạnh mẽ. Tại UBND các xã, thị trấn, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh đạt khoảng 52%, trong đó, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh có tài khoản ngân hàng để liên kết với ví điện tử còn thấp gây khó khăn cho việc thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán các dịch vụ cơ bản (điện, nước...), tham gia các giao dịch trên sàn thương mại điện tử... Kỹ năng ứng dụng công nghệ số của cán bộ, công chức cấp xã còn chưa đồng đều, chưa có cán bộ chuyên trách về CNTT tại các xã (chủ yếu làm việc kiêm nhiệm); nhận thức của đại bộ phận người dân về CĐS còn hạn chế, chưa nhận thức đầy đủ về những lợi ích của CĐS, sử dụng các công cụ CNTT phục vụ cho công việc, thay đổi cách thức làm việc, cách thức mua sắm, bán hàng...; một số hạ tầng CNTT của các đơn vị đã trang bị từ lâu nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình vận hành sử dụng...
Là địa phương được giao nhiệm vụ hoàn thành CĐS trong năm 2023, thị trấn Vĩnh Lộc đang hoàn tất những công việc cuối cùng để trình hồ sơ đề nghị các cấp thẩm định. Chị Nguyễn Thị Hằng, công chức văn hóa thị trấn Vĩnh Lộc cho biết: Trong chỉ đạo, điều hành, thị trấn đã thực hiện sử dụng hệ thống quản lý, điều hành văn bản thông qua các ứng dụng dùng chung như: Office, email công vụ... 100% cán bộ, công chức đều thực hiện xử lý văn bản, chỉ đạo trên hệ thống; 100% văn bản được ký số... Để đáp ứng tốt việc thực hiện chính quyền số, thị trấn đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho công tác CĐS, nâng cấp mạng Lan, máy tính và các trang thiết bị phục vụ cho công tác CĐS; 100% cán bộ, công chức thị trấn Vĩnh Lộc có máy tính, máy in phục vụ cho việc thực hiện CĐS; đối với bộ phận “một cửa”, thị trấn đã trang bị đầy đủ máy tính, máy in, máy fax, scan tốc độ cao để phục vụ giao dịch và mã hóa hồ sơ trên hệ thống điện tử.
Chị Trịnh Thị Thu Phương, tổ trưởng tổ công nghệ số cộng đồng phố Cao Mật, thị trấn Vĩnh Lộc, cho biết: Các thành việc của tổ công nghệ số cộng đồng phố Cao Mật thường xuyên tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác CĐS đến Nhân dân; trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công... từ đó người dân nhận thức rõ hơn lợi ích và chủ động thực hiện các thủ tục hành chính trên dịch vụ công trực tuyến.
CĐS là một hành trình dài mà mỗi giai đoạn sẽ có một nhiệm vụ mới, cần sự nỗ lực liên tục từ đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức, sự đồng tình, hưởng ứng tích cực từ người dân, doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến trình CĐS, mang lại cuộc sống tiện ích, tốt đẹp hơn cho người dân.