Vĩnh Long bước vào mùa mưa tình hình sạt lở diễn biến phức tạp

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Vĩnh Long xảy ra khoảng 80 vụ sạt lở bờ sông gây thiệt hại lớn đến đất đai và tài sản của người dân. Các cấp, các ngành trong tỉnh đã và đang triển khai các biện pháp phòng chống sạt lở nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra.

Vụ sạt lở gần đây nhất xảy ra vào ngày ngày 18/8 vừa qua, trên địa bàn ấp An Hòa, xã An Bình, huyện Long Hồ. Điểm sạt lở có chiều dài 100m, ăn sâu vào đất liền khoảng 3,5m, tại đầu đất của bà Nguyễn Ngọc Yến, đất ông Nguyễn Đình Lũy. Vụ sạt lở còn gây ảnh hưởng đến khoảng 100 hộ dân trong khu vực và khoảng 70ha vườn cây ăn trái. Nguyên nhân sạt lở là do đang bước vào mưa bão, mực nước sông xuống thấp gây ra tình trạng sụp lún, sạt lở.

“Nước ở đây nó xoáy lắm, nước xoáy nên sạt lở rồi ở trên nó ụp xuống và rút đi xa lắm. Con nước này nhỏ nó chưa ngập, sau này con nước Rằm tháng 8 nó sẽ ngập”, ông Nguyễn Văn Lượm, một người dân địa phương cho biết.

Tân An Luông, huyện Vũng Liêm bị sạt lở

Tân An Luông, huyện Vũng Liêm bị sạt lở

Ngoài vụ sạt lở kể trên, huyện Long hồ còn xảy ra nhiều vụ sạt lở khác trên địa bàn, điển hình như các vị sạt lở xảy ra trên tuyến sông Cái Cam, sông Cái Cao, sông Long Hồ và sông Ông Me nhỏ. Từ đầu năm đến nay, huyện xảy ra 11 điểm sạt lở, ước thiệt hại khoảng 425 triệu đồng. Sau khi các vụ sạt lở xảy ra, các ngành chức năng của tỉnh đã đến hiện trường giúp dân khắc phục sự cố thiên tai.

“Phòng Nông nghiệp cũng đã có tham mưu UBND huyện sử dụng nguồn vốn của địa phương để khắc phục ngay những điểm sạt lở. Ngoài ra, đối với các điểm sạt lở lớn mà nguồn vốn của huyện không đảm bảo huyện cũng đã đề nghị Ban chỉ huy phòng chống thiên tai cấp tỉnh hỗ trợ kinh phí”, ông Hồ Thế Nhu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Hồ cho biết thêm.

Hiện trường vụ sạt lở xã Phú Đức, huyện Long Hồ

Hiện trường vụ sạt lở xã Phú Đức, huyện Long Hồ

Cách đây vài ngày, tại khu vực tuyến kênh La Ghì đoạn thuộc xã Vĩnh Xuân (huyện Trà Ôn) xảy ra vụ sạt lở và sụt lún một phần đường giao thông phía trước nhà Truyền thống Đảng bộ tỉnh. Đoạn sạt lở có chiều dài 220m qua ấp Vĩnh Trinh từ ao trữ nước của hệ thống cấp nước tập trung xã Vĩnh Xuân đến hết đoạn bờ kè bê tông trước Nhà Truyền thống Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long (Di tích lịch sử cấp tỉnh).

Khu vực này hiện nay có nguy cơ sạt lở thêm khoảng 195m, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và sinh hoạt của 15 hộ dân với 51 nhân khẩu và khoảng 50 ha đất sản xuất nông nghiệp. UBND tỉnh Vĩnh Long cũng đã ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp khu vực sạt lở này; đồng thời giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ, thông báo cho người dân trong khu vực biết về tình hình sạt lở và thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình sạt lở tại khu vực này để có biện pháp ứng phó kịp thời; huy động lực lượng theo phương châm 4 tại chỗ làm rào chắn, lắp đặt biển cảnh báo 2 đầu khu vực sạt lở nguy hiểm, cảnh báo người dân không được đến gần khu vực sạt lở để đảm bảo an toàn tính mạng, các phương tiện giao thông hạn chế đi qua khu vực sạt lở.

Khu vực sạt lở Xã Hòa Lộc, huyện Tam Bình

Khu vực sạt lở Xã Hòa Lộc, huyện Tam Bình

Từ đầu năm đến nay, Vĩnh Long xảy ra khoảng 80 điểm sạt lở làm mất 2.039 m bờ sông cùng với các công trình đường giao thông nông thôn, đê bao, ảnh hưởng trực tiếp đến 166 hộ dân, thiệt hại về tài sản hơn 4,7 tỷ đồng

Các vụ sạt lở được xác định là do thiên nhiên địa chất mềm yếu, mưa nhiều; chế độ bán nhật triều không đều (2 lần triều lên, 2 lần triều xuống/ngày) làm giảm lực dính của đất ven sông, đất ven sông “bở rời” không liên kết chặt, gây sạt lở; hình thái sông có nhiều đoạn cong, dòng chủ lưu áp sát bờ, tấn công bờ gây sạt lở. Các cồn nổi xuất hiện trên sông làm thay đổi dòng chảy. Điển hình như cồn nổi trên nhánh sông Tiền, dòng chảy tập trung về nhánh Cổ Chiên, gây sạt lở TP.Vĩnh Long.

Khu vực sạt lở ở xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn

Khu vực sạt lở ở xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn

Nguyên nhân thứ hai là do con người khai thác cát nhiều giảm hàm lượng phù sa trong dòng chảy, sông lớn hạ thấp lòng dẫn, kéo theo các nhánh chi khác. Các công trình lớn của người dân xây dựng dọc theo bờ sông làm quá tải bờ sông vốn có nền đất yếu. Các công trình lấn sông, bè cá ven sông làm giảm mặt cắt ướt làm cho vận tốc dòng chảy lớn lên; tàu, xà lan qua lại và neo đậu tạo sóng gây sạt lở bề mặt, chân vịt gây dòng chảy xáo trộn phá vỡ kết cấu lòng sông.

Khu vực sạt lở ở huyện Trà Ôn

Khu vực sạt lở ở huyện Trà Ôn

Ông Văn Hữu Huệ, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long cho biết, các vụ sạt lở đều rất khó dự báo. Sau khi sạt lở xảy ra kinh phí khắc phục rất lớn: “Chúng tôi đang đấu thầu đo đạc lòng sông để tiến tới phần nào sạt lở trên những tuyến sông có nguy cơ sạt lở. Trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch thủy lợi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long năm 2020 và định hướng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch thực hiện 957 của thủ tướng Chính phủ về đề án chống sạt lở bờ sông bờ biển đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã được UBND tỉnh phê duyệt tỉnh sẽ triển khai các giải pháp công trình và phi công trình để phòng chống sạt lở”.

Vĩnh Long cũng như các tỉnh trong khu vực ĐBSCL luôn xuất hiện tình trạng sạt lở khi mùa mưa đến. Các vụ sạt lở đều gây thiệt hại lớn đến đất đai và tài sản của người dân, kinh phí khắc phục cũng rất lớn. Vĩnh Long rất cần sự hỗ trợ từ Trung ương để địa phương triển khai có hiệu quả công tác phòng chống thiên tai, sạt lở.

Chanh Tuy/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/vinh-long-buoc-vao-mua-mua-tinh-hinh-sat-lo-dien-bien-phuc-tap-post1116167.vov