Vĩnh Long đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn - Bài 1: Chú trọng phát triển các thế mạnh
Tỉnh Vĩnh Long được đánh giá là vùng đất giàu tiềm năng để phát triển du lịch, nhất là loại hình du lịch sinh thái và du lịch gắn với tìm hiểu danh nhân.
Mục tiêu của tỉnh là phấn đấu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 cùng với cả nước, du lịch Vĩnh Long cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Vĩnh Long đang tập trung đầu tư các nguồn lực, chính sách, đồng thời nghiên cứu tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù để thu hút du khách, tạo tiền đề cho du lịch cất cánh.
Tiềm năng du lịch phong phú
Tỉnh Vĩnh Long đang quyết tâm đưa ngành "công nghiệp không khói" trở thành một trong những mũi nhọn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với những chính sách của tỉnh, du lịch Vĩnh Long đã đạt nhiều kết quả khả quan, tạo ấn tượng với du khách gần xa. Năm 2019, tổng lượng khách du lịch đến tham quan tại tỉnh ước đạt 1,5 triệu lượt, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2018; doanh thu ước đạt 525 tỷ đồng, tăng 54%. Loại hình du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch homestay được xem là sản phẩm chủ lực thu hút nhiều du khách, nhất là thu hút khách quốc tế.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long, tỉnh có tài nguyên du lịch tự nhiên rất phong phú với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt cùng những vườn cây ăn trái rất đa dạng như: Chôm chôm, măng cụt, sầu riêng, bưởi… Bên cạnh đó, cảnh quan sông nước và khí hậu mát mẻ trong lành quanh năm cũng tạo điều kiện hình thành các địa điểm du lịch có tiềm năng khai thác ở các xã cù lao trên sông Tiền và sông Hậu.
Toàn tỉnh hiện có 97 cơ sở lưu trú du lịch với 1.500 phòng đạt chuẩn, 40 điểm tham quan du lịch, trên 50 điểm vườn trái cây phục vụ du khách tham quan và ăn uống trong ngày. Đặc biệt, tỉnh Vĩnh Long có 25 homestay đạt chuẩn, trong đó có hai homestay đạt chuẩn ASEAN giai đoạn 2017-2019 và 2019-2021. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh giới thiệu với du khách về hình ảnh quê hương và con người Vĩnh Long.
Điểm du lịch Út Trinh homestay, thuộc xã An Bình (huyện Long Hồ) là một trong hai homestay của tỉnh đạt chuẩn ASEAN, được Hiệp hội Du lịch Việt Nam trao giải thưởng homestay có cảnh quan đẹp và hấp dẫn du khách vào năm 2019. Đến với Út Trinh homestay, du khách có thể hòa mình vào thiên nhiên và trở thành thành viên trong gia đình để cùng khám phá những nét văn hóa đặc sắc, phong tục tập quán của người dân địa phương.
Chủ cơ sở Út Trinh homestay Phạm Thị Ngọc Trinh cho biết: Du khách đến với cơ sở chủ yếu để trải nghiệm cuộc sống thực ở đây. Vì thế, cơ sở đã xây dựng các chương trình hoạt động để khách tham gia và trải nghiệm cuộc sống của người dân thôn quê như: đạp xe trên đường làng, tát ao bắt cá, trồng rau, nấu ăn, thưởng thức món ăn Nam Bộ và đờn ca tài tử… Qua các chương trình, du khách rất thích thú, nhất là được tìm hiểu và trải nghiệm về cuộc sống, văn hóa, ẩm thực của người dân vùng Tây Nam Bộ.
Du khách Sultan Catherrine (Pháp) cho biết: Tôi đã đến tham quan nhiều nơi tại Việt Nam. Khi đến miền Tây và nhất là Vĩnh Long thì có cảm giác rất khác. Cảnh quan ở đây rất đẹp và mát mẻ. Người dân thì vui vẻ, gần gũi. Tôi được cùng gia đình, cùng những đứa trẻ hái rau, nấu ăn… Đây là một trải nhiệm rất đáng nhớ của tôi.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Phan Văn Giàu cho biết: Vĩnh Long được xem là nơi khởi nguồn ra loại hình homestay kết hợp với sinh thái miệt vườn. Xác định được lợi thế vốn có, thời gian qua ngành du lịch tỉnh đã tăng cường đầu tư để phát triển loại hình du lịch này trở thành thế mạnh riêng, đủ sức cạnh tranh với các tỉnh lân cận.
Song song đó, tỉnh Vĩnh Long cũng là nơi được mệnh danh "địa linh nhân kiệt", giàu truyền thống cách mạng nên có hệ thống tài nguyên nhân văn khá phong phú. Toàn tỉnh còn lưu giữ và bảo tồn 44 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và 11 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia…. Trong đó, có 4 di tích được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận là điểm du lịch tiêu biểu của vùng gồm: Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng; Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt; Khu lưu niệm Giáo sư Viện sĩ Trần Đại Nghĩa và Di tích Quốc gia Văn Thánh Miếu. Đến Vĩnh Long, du khách còn có cơ hội tìm hiểu về các làng nghề truyền thống với 25 làng nghề và nghề truyền thống đã được công nhận như: Đan đát, chằm lá, làm bánh tráng, làm gốm, lò rèn… Các sản phẩm làng nghề chủ yếu được sản xuất bằng phương pháp thủ công, rất phù hợp cho việc gắn kết với các hoạt động du lịch.
Khai thác chưa tương xứng với tiềm năng
Với việc khai thác tiềm năng và lợi thế của tỉnh cho phát triển du lịch cùng với hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, trong năm 2019, tỉnh Vĩnh Long đón trên 1,5 triệu lượt khách,trong đó có 215 ngàn lượt khách quốc tế; doanh thu từ du lịch đạt 525 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời, mặc dù lượng khách đến Vĩnh Long tăng trong những năm qua nhưng du lịch của tỉnh vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có.
Điển hình như loại hình du lịch homestay là thế mạnh của tỉnh nhưng hiện cũng gặp nhiều khó khăn do sự cạnh tranh của các tỉnh lân cận với các sản phẩm du lịch tương tự. Điều này, đòi hỏi tỉnh Vĩnh Long cần tạo sự đột phá, xây dựng những sản phẩm du lịch mang thương hiệu Vĩnh Long mới có thể thu hút du khách đến và lưu trú nhiều ngày, tạo doanh thu cho ngành du lịch. Ngoài ra, với đặc trưng loại hình du lịch trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, mang tính chất hộ gia đình nên hạn chế trong việc tiếp cận nguồn vốn để mở rộng quy mô, khai thác khách trực tiếp...
Ông Cao Tấn Dũng (Công ty du lịch Fiddi Tourist) cho biết, nhiều du khách đi tham quan thì chỉ ghé Tiền Giang, Bến Tre vì cung đường qua hai tỉnh này có thể tham quan được, còn ghé vào Vĩnh Long thường chỉ ăn trưa do lộ trình các điểm tham quan rất dài, mất nhiều thời gian. Vì thế, tỉnh Vĩnh Long cần tìm được sản phẩm du lịch đủ sức thu hút du khách mới có thể giữ khách lưu trú lại.
Bà Nguyễn Thị Minh Hà (Công ty Sài Gòn Tourist) cho rằng, tỉnh Vĩnh Long như trạm dừng chân để du khách đi đến các tỉnh khác, chưa có điểm nhấn để thu hút du khách ở lại nhiều ngày hoặc trở lại trong những lần sau. Tỉnh cần tìm lối đi riêng và phải có sự kết nối với các địa phương khác mới thu hút khách đến tham quan, lưu trú và thưởng thức ẩm thực địa phương.
Bên cạnh đó, việc chưa xây dựng được sản phẩm du lịch đặc thù rõ nét, chưa có sự liên kết bền vững trong việc hình thành các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao phục vụ du khách, thiếu nguồn nhân lực chuyên nghiệp phục vụ du lịch, công tác quản lý, tham mưu trong lĩnh vực chưa thật sự hiệu quả… là những rào cản khiến ngành du lịch của tỉnh chưa thật sự phát huy hết tiềm năng và lợi thế vốn có.
Nhận thức được những tồn tại đang cản bước phát triển, ngành du lịch tỉnh Vĩnh Long từng bước xây dựng thế mạnh riêng để giữ chân du khách. Tuy nhiên, để du khách "đến, ở, tham quan" chứ không đơn thuần là "dừng chân" đòi hỏi nhiều giải pháp thiết thực hơn nữa của tỉnh, đồng thời cần có sự chung tay, mạnh dạn đổi mới của các cá nhân, đơn vị đang hoạt động trong ngành, mới có thể đưa du lịch tỉnh Vĩnh Long phát triển mạnh và bền vững.