Vĩnh Long là điểm sáng trong thực hiện giám sát và phản biện xã hội
Ngày 6/4, Đoàn công tác của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu làm Trưởng đoàn, đã đến kiểm tra, khảo sát công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2013-2021.
Qua kiểm tra, khảo sát, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu khẳng định, công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Vĩnh Long đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, là điểm sáng trong công tác mặt trận khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo đó, nội dung giám sát, phản biện xã hội của tỉnh đa dạng, tập trung vào nhiều vấn đề nổi cộm, liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân và được dư luận quan tâm. Nhiều ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở được các cơ quan tiếp thu, đánh giá cao, đã và đang trở thành một kênh thông tin quan trọng, cần thiết giúp cấp ủy Đảng, chính quyền khi xem xét, quyết định các vấn đề trong công tác lãnh đạo quản lý.
Ông Lê Tiến Châu nhấn mạnh, công tác giám sát, phản biện xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền các cấp và ở mỗi địa phương. Thực hiện tốt công tác này góp phần xây dựng nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Để công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục có sự đổi mới, đảm bảo hiệu quả, thực chất, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị tỉnh Vĩnh Long cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội về vị trí, tầm quan trọng, tính cần thiết của việc cần phải tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội. Trong đó, công tác giám sát, phản biện xã hội phải đảm bảo tính khách quan, độc lập, chú trọng bản lĩnh, ý thức chính trị; giám sát, phản biện xã hội nhằm mục đích xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền chứ không phải chỉ tìm khuyết điểm, hạn chế.
Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh cần chủ động xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể kế hoạch giám sát, phản biện xã hội, nội dung giám sát phải có trọng tâm, trọng điểm. Trong quá trình thực hiện, tỉnh chú trọng phát huy sự tham gia của đa dạng các đối tượng như chuyên gia, nhà khoa học, người làm việc thực tiễn…; huy động sự tham gia của cơ quan truyền thông, báo chí để lan tỏa kết quả giám sát, phản biện.
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị Tỉnh ủy Vĩnh Long tiếp tục quan tâm chỉ đạo công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; chỉ đạo tiếp thu, phản hồi nghiêm túc, có trách nhiệm các kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội. Chính quyền các cấp chủ động phối hợp và đảm bảo các điều kiện, nhất là về nhân lực và kinh phí để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai tốt công tác giám sát và phản biện xã hội.
Bên cạnh đó, tỉnh chú ý bồi dưỡng cán bộ làm công tác mặt trận nói chung và giám sát, phản biện xã hội nói riêng, trong đó quan tâm thực hiện Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường luân chuyển cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội sang cách lĩnh vực khác và ngược lại, để thực hiện đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng cán bộ mặt trận.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long Lê Thị Lệ Quyên, việc tổ chức triển khai, thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị được tỉnh quan tâm và tạo điều kiện thực hiện. Hàng năm, chính quyền các cấp có văn bản đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức phản biện xã hội các dự thảo Nghị quyết Hội đồng nhân dân, đề án, dự án, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ký kết nhiều quy chế, chương trình phối hợp triển khai nhiệm vụ.
Giai đoạn 2013-2021, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã chủ trì tổ chức giám sát được 36 nội dung với 194 cuộc, trong đó có 28 nội dung giám sát bằng đoàn giám sát và 8 nội dung giám sát bằng văn bản. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, xã đã chủ trì tổ chức giám sát được 2.148 nội dung, trong đó có 1.509 nội dung giám sát bằng đoàn giám sát và 639 nội dung giám sát bằng văn bản, đạt và vượt so với chỉ tiêu đăng ký hàng năm. Về công tác phản biện xã hội, giai đoạn 2017-2021 cấp tỉnh đã tổ chức được 21 nội dung, vượt 31,25% so với kế hoạch; cấp huyện tổ chức được 57 nội dung và cấp xã 470 nội dung.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp xã lúng túng trong tổ chức giám sát và phản biện xã hội; nhiều vấn đề nhân dân bức xúc nhưng thiếu cơ chế cụ thể để giám sát; số lượng, chất lượng giám sát và phản biện xã hội một số nơi chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của nhân dân. Ngoài ra, kinh phí thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội ở một số nơi còn hạn chế, chưa đảm bảo nên phần nào cũng ảnh hưởng đến chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội.
Chiều cùng ngày, Đoàn công tác của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đến đến thăm, chúc mừng Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2022 tại Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Vĩnh Long và chùa Hạnh Phúc Tăng (xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm).
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu gửi lời chúc đến toàn thể đồng bào Khmer đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây hạnh phúc, an lành, sức khỏe; đồng thời mong muốn đồng bào Khmer tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng. Bên cạnh đó, các địa phương của tỉnh Vĩnh Long tiếp tục triển khai sâu rộng, có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào Khmer phát triển đời sống kinh tế.
Dịp này, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trao tặng 50 phần quà cho sư sãi, gia đình chính sách và hộ nghèo là dân tộc Khmer tại huyện Vũng Liêm.