Vĩnh Long phát huy tiềm năng để thu hút đầu tư
Vĩnh Long có vị trí chiến lược quan trọng trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hội tụ các thế mạnh của vùng như lúa, trái cây, thủy sản... Tỉnh đang phát huy mọi tiềm năng trong thu hút đầu tư.
Tiềm năng khác biệt
Tại Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư nông nghiệp, thương mại, du lịch tỉnh Vĩnh Long, tổ chức vào cuối tháng 3/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, Vĩnh Long có nhiều nền tảng để phát triển tốt. Về vị trí địa lý, Vĩnh Long tiếp giáp với 7 tỉnh, thành phố; là trung tâm vùng, đồng thời nằm giữa hai trung tâm kinh tế lớn là TP.HCM (cách khoảng 100 km theo đường cao tốc) và TP. Cần Thơ (cách khoảng 30 km); có cầu Mỹ Thuận 1 và cầu Mỹ Thuận 2 đi qua, có đường cao tốc, sắp tới là dự án cầu Đình Khao sẽ triển khai, giao thông thuận lợi kết nối với các địa phương trong vùng.
Vĩnh Long còn là vùng đất địa linh nhân kiệt, con người hiền hòa, thân thiện, có truyền thống cách mạng hào hùng. Đó là những tiềm năng mà tỉnh cần khai thác, phát huy.
Được bao quanh bởi sông Tiền và sông Hậu, cùng hệ thống sông rạch chằng chịt, nước ngọt quanh năm, Vĩnh Long có “tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh” trong phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, thương mại, du lịch…
Trong lĩnh vực nông nghiệp, hàng năm, Vĩnh Long sản xuất gần 700.000 tấn lúa, từng bước hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường. Cùng với đó là các loại cây ăn trái đặc sản, có giá trị kinh tế như bưởi, cam sành, nhãn, chôm chôm… với sản lượng hàng năm trên 1,2 triệu tấn.
Môi trường đầu tư luôn được Vĩnh Long chú trọng, với nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng, phù hợp, hứa hẹn nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư đến giao thương và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thủy sản cũng là một trong những đột phá trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông - ngư nghiệp của tỉnh. Sản lượng thủy sản đạt trên 157.000 tấn/năm, cùng với chăn nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt là chăn nuôi gà, bò và heo với số lượng hàng năm trên 12 triệu con.
Từ những lợi thế về nông nghiệp với nguồn nguyên liệu dồi dào, các ngành công nghiệp chủ lực có nhiều tiềm năng phát triển tại tỉnh Vĩnh Long như công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, thủy sản, đặc biệt là chế biến lúa gạo; công nghiệp chế biến thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản...
Với nguồn tài nguyên du lịch thiên nhiên và du lịch văn hóa phong phú, đa dạng, hơn 800 di tích lịch sử - văn hóa (có 69 di tích đã được xếp hạng), Vĩnh Long định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Trong đó, tập trung phát huy lợi thế du lịch gắn với cảnh quan sông nước, ruộng vườn, đặc biệt là loại hình “du lịch homestay” với hơn 40 năm hình thành và phát triển; cùng với phát huy tài nguyên du lịch sẵn có về văn hóa, vùng đất và con người địa phương.
Hiện tỉnh đang tập trung mời gọi đầu tư Dự án khu lò gạch, gốm Mang Thít, trở thành điểm đến du lịch độc đáo, hấp dẫn, tạo điểm nhấn cho du lịch địa phương.
Vĩnh Long còn có nguồn lao động dồi dào, trình độ chuyên môn cao; là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của vùng Đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, các trung tâm dạy nghề lớn với cơ sở vật chất và kỹ thuật tốt.
Bên cạnh đó, môi trường đầu tư luôn được tỉnh chú trọng, với nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng, phù hợp, hứa hẹn nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư đến giao thương và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Sẵn sàng tiếp nhận đầu tư
Một trong những ưu tiên hàng đầu của Vĩnh Long hiện nay là tập trung thu hút mời gọi đầu tư phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh. Trên cơ sở quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt, tỉnh tiến hành rà soát ban hành danh mục các dự án trọng điểm, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để mời gọi đầu tư vào địa phương.
Trong đó, tỉnh tập trung thu hút, hợp tác đầu tư các dự án lớn, có hàm lượng công nghệ cao, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư như phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, chế biến nông sản, thủy sản, công nghiệp phục vụ nông nghiệp và nông thôn; phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với phát triển du lịch, bảo tồn ngành nghề truyền thống; các khu đô thị gắn với dịch vụ, thương mại; hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, tập trung triển khai các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, hoàn thiện hạ tầng, tạo mặt bằng sạch, kết nối giao thông, đào tạo nguồn nhân lực… để sẵn sàng tiếp nhận đầu tư.
Bên cạnh đó, nhằm khai thác hiệu quả lợi thế kinh tế, trong thời gian tới, Vĩnh Long sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, kịp thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ đầu tư của tỉnh, đảm bảo lợi ích của các nhà đầu tư hiện hữu, duy trì sức cạnh tranh và hấp dẫn của môi trường đầu tư.
Đặc biệt, tỉnh thường xuyên rà soát các dự án trên địa bàn để kịp thời hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các khu, cụm công nghiệp để đảm bảo đủ điều kiện thu hút các dự án đầu tư thứ cấp. Song song đó, thường xuyên lắng nghe, đối thoại, giải quyết kịp thời những vấn đề vướng mắc cho doanh nghiệp từ lúc thành lập/đầu tư đến hoạt động sản xuất, kinh doanh để có hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời, tạo thuận lợi hơn trong hoạt động của doanh nghiệp.
Trong nỗ lực tiếp tục hoàn thiện đồng bộ các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ nỗ lực, quyết tâm hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch. Tỉnh sẽ luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện thành công dự án và phát triển bền vững tại Vĩnh Long”.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/vinh-long-phat-huy-tiem-nang-de-thu-hut-dau-tu-d215910.html