Vĩnh Long tăng cường công tác phòng, chống bạo lực học đường
Cuối tháng 9 vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip quay lại cảnh nhóm học sinh dùng mũ bảo hiểm, ghế nhựa, tay và chân liên tục đánh vào người, vùng đầu của bạn học. Sự việc xảy ra ngay trong lớp học.
Nam sinh bị đánh ngồi co chân trên ghế, dựa sát tường và ôm đầu chịu đòn từ nhóm bạn học. Có học sinh còn đứng trên bàn dùng chân đạp thẳng vào người bạn học đang ngồi co ro dưới ghế, thậm chí còn nhảy lên để dùng 2 chân đạp thẳng vào vùng đầu, vùng cổ bạn học…
Ngay khi nhận được tin báo, Công an huyện Vũng Liêm đã tiến hành xác minh. Nhóm học sinh đánh bạn học và người bị đánh là học sinh lớp 8 tại Trường THCS Trung Hiếu (huyện Vũng Liêm). Ngày 21/9, học sinh T.T.L. (lớp 8) giả vờ té rồi chấn cùi chỏ lên lưng bạn học. Học sinh này về đến nhà có nói với bà nội là L. làm mình bị đau. Bà nội của học sinh đã phản ánh lại và L. bị gia đình đánh phạt.
Ngày 23/9, L. không tham gia nhưng kêu nhóm bạn học vào đánh. Sự việc xảy ra có nhiều học sinh chứng kiến và cổ vũ đánh nhau. Các học sinh không báo nhà trường và một học sinh nữ dùng điện thoại để quay lại sự việc. Nam sinh bị đánh bị chấn thương phần mềm và phải nhập viện điều trị. Từ kết quả xác minh, Hội đồng kỷ luật nhà trường thống nhất kỷ luật với hình thức đình chỉ học tập một năm đối với 8 học sinh liên quan đến việc đánh hội đồng bạn học và đình chỉ học tập 2 tuần đối với học sinh nữ đã sử dụng điện thoại để quay lại clip. Các học sinh đứng xem và không báo cáo hay hỗ trợ bạn can ngăn, bị kiểm điểm trước toàn trường và hạ một bậc hạnh kiểm.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vũng Liêm cũng đã phối hợp với Phòng Nội vụ thành lập Hội đồng kỷ luật xử lý đối với Hiệu trưởng và giáo viên Trường THCS Trung Hiếu. Ông Võ Hữu Trân (Hiệu trưởng) với vai trò là thủ trưởng đơn vị đã chỉ đạo, quản lý không chặt chẽ nền nếp, đạo đức học sinh. Hai năm gần đây, Trường THCS Trung Hiếu xảy ra nhiều vụ học sinh đánh nhau, đánh nhau gây thương tích. Phó hiệu trưởng và thầy, cô giáo nhiều lần đề xuất xử lý học sinh vi phạm nhưng hiệu trưởng không có giải pháp, không xử lý triệt để.
Sự việc xảy ra không kịp thời xử lý, báo cáo với lãnh đạo các cấp, không thông báo kịp thời với gia đình học sinh để có biện pháp hỗ trợ. Giáo viên chủ nhiệm quản lý lớp không chặt chẽ, học sinh nhiều lần đánh nhau trong lớp, giáo viên không phát hiện, chưa có giải pháp quản lý, ngăn ngừa học sinh đánh nhau. Giáo viên Tổng phụ trách chưa làm hết trách nhiệm, không kịp thời quan tâm, chăm sóc học sinh sau khi xảy ra sự việc bị nhóm bạn học đánh. Hội đồng kỷ luật Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vũng Liêm đã họp và thống nhất đề xuất kỷ luật cảnh cáo đối với hiệu trưởng vì cố tình che giấu vụ việc học sinh đánh nhau, không báo cáo cấp trên và đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiếp tục xử lý giáo viên, viên chức có liên quan.
Số liệu thống kê từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long, từ tháng 9/2023 đến nay ghi nhận 23 vụ việc bạo lực học đường với sự tham gia của 68 học sinh, trong đó có 18 học sinh nữ. Đáng chú ý, có 5 học sinh bị tổn hại về thể chất và 13 học sinh bị tổn hại về tinh thần. Các con số này phản ánh sự phức tạp của vấn đề bạo lực học đường, với nguyên nhân từ nhiều phía, bao gồm tác động từ môi trường mạng xã hội, sự thiếu quan tâm từ gia đình và đôi khi là sự thiếu kịp thời trong phối hợp giữa nhà trường và chính quyền địa phương.
Năm học 2023-2024, ngành giáo dục tỉnh Vĩnh Long đã tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống bạo lực học đường nhằm tạo môi trường học đường an toàn, lành mạnh cho các em học sinh. Tuy nhiên, công tác này vẫn gặp nhiều thách thức và khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm cao từ phía ngành giáo dục cũng như sự phối hợp của gia đình và xã hội.
Bà Trương Thanh Nhuận, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long phân tích, dù đã có nhiều nỗ lực, công tác phòng, chống bạo lực học đường vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ngành giáo dục tỉnh Vĩnh Long đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động tổ chức các hội thảo, hội nghị về phòng, chống bạo lực học đường, thu hút sự tham gia của học sinh, giáo viên và cả các bậc phụ huynh. Ngoài ra, các buổi tọa đàm chuyên đề về “Tình bạn đẹp - Nói không với bạo lực học đường” đã giúp các em nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa của tình bạn và tinh thần đoàn kết.
Thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương, tạo sự liên kết chặt chẽ trong việc quản lý và giáo dục học sinh, tăng cường giáo dục về an toàn mạng, giáo dục kỹ năng ứng xử trên không gian mạng, tư vấn tâm lý và hỗ trợ tinh thần. Áp dụng công nghệ trong giám sát và quản lý hành vi học sinh, từ đó phát hiện sớm các nguy cơ và có biện pháp can thiệp kịp thời. Ứng dụng công nghệ và tìm giải pháp như hướng dẫn việc sử dụng mạng xã hội và không gian mạng, áp dụng công nghệ số để nắm bắt các thông tin, dữ liệu về thanh niên, tâm lý, nguyện vọng và xu hướng vận động của giới trẻ.