Vĩnh Phúc: 13/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2019 đạt và vượt
HĐND tỉnh khóa XVI tỉnh Vĩnh Phúc vừa tổ chức Kỳ họp thứ 14 để thảo luận tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, bàn phương hướng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Về kinh tế - xã hội năm 2019, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc thống nhất đánh giá: Năm 2019, việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội còn gặp những khó khăn, thách thức, nhưng nhờ sự đoàn kết, sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc kịp thời và sự nỗ lực vượt khó, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nhân dân và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nên đã đạt kết quả tích cực và có bước phát triển. Toàn bộ 13/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội và môi trường đều đạt và vượt mục tiêu đã đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,05%, hoàn thành kế hoạch; hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến đầu tư tiếp tục được đẩy mạnh, kết quả thu hút vốn đầu tư tăng cao, trong đó thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng 27,2%, vốn đầu tư trong nước (DDI) tăng 154,2% so với năm 2018; thu ngân sách nhà nước đạt trên 32 nghìn tỷ đồng, vượt dự toán được giao, trong đó thu nội địa ước đạt trên 28 nghìn tỷ đồng; lĩnh vực sản xuất, các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ có tốc độ tăng trưởng khá. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục-thể thao, du lịch được tổ chức phong phú, đa dạng; công tác giáo dục-đào tạo, giải quyết việc làm được quan tâm; chế độ an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân được nâng cao. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Đây là những tín hiệu tích cực, tạo nền tảng quan trọng cho thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và giai đoạn 2016-2020.
Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVI đã thảo luận và biểu quyết thông qua 23 nghị quyết. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, các ngành triển khai thực hiện góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và của tỉnh.
Dự báo những khó khăn tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, bế mạc kỳ họp, đồng chí Trần Văn Vinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16, Nghị quyết HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2020 đạt từ 8% đến 8,5%.
Tập trung đôn đốc, giám sát công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm, hạ tầng kỹ thuật và tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp. Nâng cao hiệu quả sử dụng, khắc phục tình trạng lãng phí các nguồn lực đất đai, tài nguyên, khoáng sản; ngăn chặn, xử lý nghiêm việc lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích. Tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân về bảo vệ môi trường, tạo sự đồng thuận khi đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt.
Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung tháo gỡ khó khăn để phát triển sản xuất-kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVI về một số giải pháp cơ bản cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh giai đoạn 2016-2021.
Tiếp tục cụ thể hóa và triển khai Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 20-10-2017 của Tỉnh ủy về đầu tư tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2025. Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án đầu tư có chọn lọc, có trọng tâm, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội, các nguồn vốn từ ngân sách trung ương, nguồn vốn vay ODA, vay ngân hàng thế giới để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng cường bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lĩnh vực chăn nuôi; thu hút nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ sinh học, gắn kết trong sản xuất nông nghiệp, tạo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Thực hiện tốt nhiệm vụ dạy và học năm học 2019-2020 theo hướng đổi mới căn bản toàn diện, kịp thời sơ kết, tổng kết, đánh giá mô hình cải cách giáo dục mới. Đẩy mạnh phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, nâng cao chất lượng đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học và trang thiết bị cho các cấp học từ bậc học mầm non đến THCS theo chuẩn quốc gia và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, tuyển dụng đủ số giáo viên cho bậc học mầm non và tiểu học.
Chú trọng công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để các dịch bệnh lớn xảy ra. Tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản - Nhi, đồng thời bảo đảm đủ các điều kiện về cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
Triển khai đồng bộ các chính sách đối với người có công, dạy nghề, giải quyết việc làm, bảo trợ xã hội, giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội nhất là các xã thuộc vùng khó khăn. Nâng cao hiệu quả dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, chủ động đào tạo cung cấp lao động có tay nghề, trình độ cho các doanh nghiệp. Đẩy mạnh phát triển thị trường lao động, mở rộng thị trường xuất khẩu lao động hiện có và phát triển thị trường mới.
Tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Trung ương về đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 18,19 của BCH Trung ương khóa XII và Đề án 01 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Siết chặt kỷ luật hành chính, tăng cường thanh tra công vụ; nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Tiếp tục đổi mới, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, giảm chi phí; xử lý dứt điểm và công khai kết quả giải quyết kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tập trung xử lý giải quyết kịp thời đơn, thư khiếu nại tố cáo, nhất là đơn, thư còn tồn đọng kéo dài. Những vấn đề mới phát sinh cần được tập trung giải quyết ngay từ cơ sở, không để vượt cấp kéo dài hoặc tụ tập đông người. Chủ động nắm chắc tình hình an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh văn hóa tư tưởng, tình hình tôn giáo, không để bị động, bất ngờ. Tăng cường hoạt động trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội; thực hiện tốt các chính sách về hậu phương quân đội; tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh ngày càng trong sạch vững mạnh, đáp ứng tốt yêu cầu lãnh đạo, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Sau kỳ họp này, trên cơ sở kế hoạch của Thường trực HĐND tỉnh, tổ trưởng các tổ đại biểu HĐND tỉnh tổ chức cho đại biểu tiếp xúc cử tri, báo cáo kết quả kỳ họp, thông báo các nghị quyết HĐND tỉnh đã thông qua tại kỳ họp đến các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, liên hệ chặt chẽ với cử tri để lắng nghe và phản ánh kịp thời những ý kiến, kiến nghị của cử tri; tăng cường giám sát và đôn đốc việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri; tuyên truyền vận động cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước và các nghị quyết của HĐND tỉnh. Đề nghị UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh có kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết HĐND tỉnh, các kiến nghị của Đoàn giám sát, của đại biểu HĐND tỉnh về nội dung giám sát và các lời hứa sau chất vấn tại kỳ họp. Đề nghị Thường trực HĐND, các ban HĐND, tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện của UBND, các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh” -Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Vinh đề nghị.