Vĩnh Phúc: 'Biển người' đội mưa dự Lễ hội chọi trâu Hải Lựu
Sáng 25/2 (tức 16 tháng Giêng) Lễ hội chọi trâu Hải Lựu đã khai mạc, thu hút hàng nghìn người dân cùng du khách thập phương nô nức kéo về tham dự.
Thông tin từ Ban Tổ chức cho biết, Lễ hội chọi trâu Hải Lựu năm 2024 chính thức diễn ra trong hai ngày, từ 25 đến 26/2 (tức 16 đến 17 tháng Giêng, năm Giáp Thìn) tại sân vận động xã Hải Lựu. Lễ hội có sự tham gia của 20 chiến ngưu – người dân địa phương gọi là “ông Cầu” đến từ 10 thôn tham gia tranh tài.
Bất chấp thời tiết không thuận lợi, trời mưa nặng hạt, nhưng hàng nghìn người đã tâp trung tại sới chọi trâu truyền thống xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc để chứng kiến những trận đấu của các “ông Cầu”. Trong ngày 25/2, sẽ có 12 trận thi đấu để chọn ra những “ông Cầu” thắng trận tiếp tục tranh tài cho các trận đấu vòng trong vào ngày mai (17 tháng Giêng) để tìm ra ông cầu vô địch.
Để chuẩn bị cho Lễ hội chọi trâu Hải Lựu, những chủ trâu phải lặn lội khắp nhiều vùng để lựa ra những con trâu ưng ý, sau đó phải mất cả năm trời chăm sóc, huấn luyện những miếng đánh sở trường cho trâu. Tất cả các trâu tham gia lễ hội dù thắng hay thua đều sẽ được giết thịt để tế Thành hoàng làng, và phục vụ nhu cầu của người dân.
Lễ hội chọi trâu Hải Lựu từng có một thời gian dài ngừng tổ chức, và mới được được khôi phục lại vào năm 2002. Sau thời gian hơn 20 năm khôi phục, đến nay chọi trâu Hải Lựu trở thành một lễ hội nổi tiếng, ngày càng được nhiều người biết đến, uớc tính mỗi năm thu hút hàng vạn du khách khắp cả nước đến xem hội.
Lễ hội chọi trâu Hải lựu là một trong những lễ hội cổ xưa nhất Việt Nam. Tương truyền, lễ hội này có từ thế kỷ 2 trước Công nguyên. Khi nhà Hán xâm lược nước Nam Việt của con cháu Triệu Đà, nước Nam Việt tan rã, thừa tướng là Lữ Gia lui quân về vùng núi Hải Lựu, Sông Lô, Vĩnh Phúc để ẩn náu đồng thời chiêu mộ binh lính tiếp tục kháng giặc, mưu đồ phục quốc.
Sau mỗi trận thắng Lữ Gia lại cho tổ chức chọi trâu để động viên quân sĩ, trâu sau khi chọi (cả chiến thắng và chiến bại) đều được giết để khao quân. Sau khi Lữ Gia mất, dân làng Hải Lựu lập đền thờ để tưởng nhớ, suy tôn ông là Thành hoàng làng, lễ hội chọi trâu trở thành một tập tục của người dân nơi đây.