Đạm Cà Mau (DCM) 'bắt tay' chiến lược với Samsung, đẩy mạnh xuất khẩu ra toàn cầu

Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM) vừa ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với công ty Samsung C&T - đơn vị thành viên của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc).

Lãnh đạo Đạm Cà Mau và lãnh đạo Samsung C&T ký thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa hai bên.

Lãnh đạo Đạm Cà Mau và lãnh đạo Samsung C&T ký thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa hai bên.

Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM - sàn HoSE) và Công ty Samsung C&T - đơn vị thành viên của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) vừa chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của hai bên.

Samsung C&T hiện là một trong những doanh nghiệp hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực xây dựng, thương mại, thời trang và công nghiệp resort... có doanh thu hơn 32 tỷ USD mỗi năm với mạng lưới toàn cầu gồm 116 văn phòng tại 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Về lĩnh vực phân bón, Samsung C&T đã bắt đầu xuất khẩu vào những năm 1970. Từ một công ty kinh doanh phân bón chỉ tập trung ở châu Á, cho đến nay Samsung C&T đã trở thành một trong những doanh nghiệp kinh doanh phân bón lớn hàng đầu thế giới với sản lượng thương mại giai đoạn 2022 - 2023 từ 4 - 6 triệu tấn.

Riêng tại thị trường Việt Nam, sản lượng thương mại của Samsung C&T đạt khoảng 400.000 - 500.000 tấn mỗi năm. Các sản phẩm của công ty gồm Urea, DAP, NPK, MOP, SA,…

Về phía Đạm Cà Mau, đây là một trong những doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn tại Việt Nam, tập trung chủ yếu vào sản xuất Urea và các sản phẩm từ phân đạm, cung cấp các sản phẩm chất lượng cao cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Theo thỏa thuận ký kết, Samsung C&T sẽ xuất khẩu sản phẩm do Đạm Cà Mau sản xuất như NPK, Urea hạt đục... vào thị trường thế giới; Đạm Cà Mau sẽ nhập khẩu Urea, DAP, MOP, Amsul... từ Samsung C&T để làm nguyên liệu phục vụ sản xuất và thương mại.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Tính đến thời điểm hiện tại, Đạm Cà Mau đang sở hữu 3 nhà máy bao gồm Nhà máy Đạm Cà Mau, Nhà máy NPK Cà Mau, và Nhà máy NPK Hàn - Việt với tổng công suất lên đến gần 1,5 triệu tấn phân bón/năm.

Bên cạnh việc phục vụ thị trường nội địa, Đạm Cà Mau đang chủ động, tích cực mở rộng kênh xuất khẩu. Tính chung 7 tháng đầu năm vừa qua, lượng xuất khẩu của Đạm Cà Mau chiếm 18% tổng lượng phân bón xuất khẩu cả nước.

Sản phẩm của Đạm Cà Mau đến nay đã có mặt tại gần 20 quốc gia trên thế giới. Trong đó, công ty đang duy trì thị phần cao tại thị trường truyền thống Campuchia (hơn 60%), Myanmar, Bangladesh, Ấn Độ, Brazil …Đồng thời, các dòng sản phẩm phân bón công nghệ cao phù hợp xu hướng xanh như OM CAMAU, DAP CAMAU, các dòng NPK CÀ MAU… xâm nhập, đáp ứng tốt yêu cầu các thị trường mới như Pháp, Peru, Mexico, Hoa Kỳ…

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Đạm Cà Mau ghi nhận doanh thu đạt 6.607 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 919 tỷ đồng, lần lượt tăng 9,6% và 69% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, hoàn thành 115% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.

Về sản lượng, trong nửa đầu năm 2024, Đạm Cà Mau đã sản xuất được 502.080 tấn Urea, hoàn thành 56% kế hoạch năm và 98.490 tấn NPK, hoàn thành 54% kế hoạch năm.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/dam-ca-mau--dcm---bat-tay--chien-luoc-voi-samsung--day-manh-xuat-khau-ra-toan-cau-126814.htm