Vĩnh Phúc: cử tri kiến nghị nhiều chính sách về an sinh xã hội
Tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra sáng 9/5 tại huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc), các cử tri đã kiến nghị nhiều chính sách về an sinh xã hội.
Sáng 9/5, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc tiếp xúc cử tri 13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tam Dương trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Tại buổi tiếp xúc, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc thông báo đến cử tri khái quát dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp; tình hình kinh tế - xã hội đất nước, của tỉnh trong những tháng đầu năm; báo cáo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Tam Dương gửi đến các kỳ họp trước.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng thông tin đến cử tri về công tác đối ngoại của nhà nước thời gian qua. Khẳng định việc triển khai nhất quán đường lối đối ngoại, độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, chủ động tích cực hội nhập quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế đã nâng cao hiệu quả và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế, thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài, thúc đẩy thương mại, du lịch, tranh thủ về khoa học, công nghệ, giáo dục.
Những kết quả đạt được của đường lối đối ngoại đã đóng góp vào thành tựu phát triển của đất nước và được sự ủng hộ rộng rãi của khu vực, cộng đồng quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tại Hội nghị, cử tri đến từ xã Duy Phiên cho biết, tỷ lệ người dân nông thôn Vĩnh Phúc được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung hiện rất thấp (thuộc nhóm thấp nhất so với các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Hồng) mới đạt 24,10%, trong đó, huyện Tam Dương đạt 33,38%.
Từ thực tế tại địa phương, cử tri đề nghị Đại biểu Quốc hội có ý kiến với Quốc hội, Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ các dự án cấp nước cho khu vực nông thôn.
Việc nâng cao tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung, cũng chính là nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân, giảm bệnh tật do ô nhiễm nguồn nước. Từ đó, các địa phương phấn đấu đạt chuẩn các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025.
Cử tri đến từ xã An Hòa kiến nghị tỉnh Vĩnh Phúc quan tâm, dành kinh phí cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn tại địa phương để đảm bảo việc đi lại an toàn cho nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và an toàn giao thông.
Cử tri đến từ xã Đồng Tĩnh nêu ý kiến, hiện nay, cán bộ phụ trách Văn phòng Đảng ủy cấp xã là chức danh cán bộ không chuyên trách, chưa được quy định là công chức, trong khi trên thực tế nhiệm vụ của cán bộ phụ trách Văn phòng cấp ủy cấp xã rất nhiều.
Đây là vị trí việc làm rất quan trọng, cần có chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm công tác. Tuy nhiên, vị trí chức danh và mức phụ cấp như hiện tại chưa tương xứng.
Cử tri đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội kiến nghị cơ quan có thẩm quyền bổ sung một chức danh công chức cấp xã đối với Văn phòng cấp ủy nhằm đảm bảo công tác tham mưu, giúp việc cho Đảng ủy cấp xã, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động lãnh đạo của cấp ủy tại địa phương và tăng cường công tác xây dựng Đảng ở cơ sở.
Ngoài ra, vấn đề sửa đổi, bổ sung những quy định về giá đất để xác định giá đất phù hợp với thực tiễn tại địa phương, cũng được các cử tri kiến nghị.
Tiếp thu ý kiến các cử tri, tại Hội nghị đại diện lãnh đạo các Sở: Giao thông Vận tải; Xây dựng; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lao động Thương binh và Xã hội đã giải đáp các ý kiến, kiến nghị liên quan tới lĩnh vực quản lý.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc cũng ghi nhận, giải trình một số ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đối với những ý kiến thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương, Đoàn tiếp thu, tổng hợp và sẽ có kiến nghị để Trung ương và các Bộ, ban, ngành có sự điều chỉnh phù hợp.