Vĩnh Phúc: đẩy mạnh các giải pháp thực hiện chuyển đổi số và Đề án 06

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông vừa đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương, các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin tập trung nghiên cứu triển khai các giải pháp thực hiện chuyển đổi số và Đề án 06 của địa phương trong thời gian tới.

Từ năm 2021 đến nay, Vĩnh Phúc đạt nhiều kết quả trong thực hiện chuyển đổi số và Đề án 06. Ảnh minh họa: Sỹ Hào.

Từ năm 2021 đến nay, Vĩnh Phúc đạt nhiều kết quả trong thực hiện chuyển đổi số và Đề án 06. Ảnh minh họa: Sỹ Hào.

Nhiều kết quả trong thực hiện chuyển đổi số và Đề án 06

UBND tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết từ năm 2021 đến nay, địa phương đã chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 trên địa bàn, đạt nhiều chuyển biến đáng kể.

Về hạ tầng, Vĩnh Phúc hiện có 5 nhà cung cấp dịch vụ điện thoại và 5 nhà cung cấp dịch vụ internet; sóng di động mạng 3G, 4G đã phủ 100% khu vực trên địa bàn, với hơn 60 trạm 5G của Viettel và VNPT; 100% cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị 3 cấp tỉnh - huyện - xã đã được trang bị máy tính, kết nối internet băng thông rộng cố định; đã thực hiện kết nối đường truyền số liệu chuyên dùng đến 169 đơn vị, địa phương, đồng bộ đến cấp xã.

Toàn tỉnh có 3.119 cán bộ, công chức, viên chức làm chuyên trách và kiêm nhiệm chuyển đổi số, 149 công chức, viên chức làm chuyên trách và kiêm nhiệm về an toàn thông tin; 1.240 tổ công nghệ cộng đồng và Đề án 06 với 9.880 thành viên. Hiện 92,96% hệ thống thông tin được phê duyệt cấp độ an toàn.

Triển khai Đề án 06, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã tham mưu UBND, Ban Chỉ đạo triển khai Đề án thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm hiệu quả, tiến độ theo yêu cầu; triển khai cập nhật, làm sạch cơ sở dữ liệu dân cư đáp ứng mục tiêu “Đúng - Đủ - Sạch - Sống”.

Toàn tỉnh hiện có 762.284 tài khoản định danh điện tử được kích hoạt trên tổng số 980.226 công dân trên 14 tuổi, đạt tỷ lệ 77%, là một trong những địa phương có tỷ lệ kích hoạt tài khoản định danh điện tử cao nhất cả nước.

Vĩnh Phúc cũng đã nhập 518.329 dữ liệu hộ tịch vào hệ thống hộ tịch của Bộ Tư pháp; tổng số thửa đất đã được chuẩn hóa, làm giàu, làm sạch dữ liệu về đất đai, thông tin nhà ở là 506.597/1.446.292 thửa, đạt trên 35% so với kế hoạch.

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh hiện có 1.865 dịch vụ công, trong đó có 954 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 645 dịch vụ công trực tuyến một phần và 266 dịch vụ cung cấp thông tin.

Tích cực đẩy mạnh các giải pháp khắc phục khó khăn, tồn tại

Nhiều khó khăn và tồn tại trong thực hiện chuyển đổi số cũng được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ ra.

Thứ nhất, nhận thức và quyết tâm của người đứng đầu các đơn vị mặc dù có thay đổi, nhưng chưa đủ tạo thành động lực để lan tỏa đến cấp dưới. Trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất các nhiệm vụ, dự án công nghệ thông tin của một số đơn vị chưa cao; nội dung đề xuất còn thiếu tính khả thi.

Thứ hai, nhân lực cho chuyển đổi số vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng, chất lượng.

Thứ ba, việc xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của tỉnh để sẵn sàng chuyển đổi phương pháp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý từ truyền thống sang môi trường số cũng chưa hoàn thiện.

Tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại tỉnh Vĩnh Phúc được đẩy nhanh thực hiện. Ảnh minh họa: Sỹ Hào.

Tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại tỉnh Vĩnh Phúc được đẩy nhanh thực hiện. Ảnh minh họa: Sỹ Hào.

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan tập trung nghiên cứu và triển khai thực hiện các giải pháp:

Đối với công tác chuyển đổi số, yêu cầu các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế chính sách về chuyển đổi số; bảo đảm hạ tầng viễn thông và Internet phục vụ chuyển đổi số; hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin tại các sở, ban, ngành, địa phương.

Tiếp tục nghiên cứu xây dựng, tổ chức triển khai cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng và đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao, lực lượng chuyên trách bảo đảm an toàn thông tin trong các cơ quan Nhà nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông cũng yêu cầu xây dựng Trung tâm giám sát điều hành thông minh của tỉnh; rà soát, nâng cao số lượng, chất lượng các dịch vụ công trực tuyến toàn trình; tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm từ các tỉnh, thành, địa phương khác để triển khai hiệu quả các cơ sở dữ liệu quốc gia, các nền tảng số;

Đối với triển khai Đề án 06, lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Công an tỉnh sớm tham mưu xây dựng, trình UBND tỉnh ký ban hành kế hoạch triển khai trong năm 2025 theo hướng “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả”, gắn trách nhiệm cụ thể của thủ trưởng các đơn vị, hoàn thành kế hoạch và ban hành xong trước ngày 28/2.

Sỹ Hào

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/vinh-phuc-day-manh-cac-giai-phap-thuc-hien-chuyen-doi-so-va-de-an-06.html