Chuyện 'bắt mạch, siêu âm' lòng đất tìm dầu
Lòng đất sâu thẳm nơi đất liền hay giữa biển khơi mênh mông với những con sóng vút cao… là nơi các cán bộ, kỹ sư thuộc Ban Tìm kiếm, Thăm dò Dầu khí của Petrovietnam ngày đêm dấn thân khám phá những bí mật của thiên nhiên. Họ chính là những 'bác sĩ' lặng lẽ 'bắt mạch, siêu âm' lòng đất tìm dầu, góp phần khai phá những nguồn tài nguyên quý giá cho đất nước.

Mỏ Bạch Hổ, mỏ khí Lan Tây - Lan Đỏ
Có thể nói, công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí là một hành trình ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến nhất phục vụ mục tiêu phát hiện và khai thác hiệu quả tài nguyên dầu khí, đồng thời cung cấp các thông tin quý giá cho tìm kiếm, thăm dò (TKTD) các dạng khoáng sản khác phục vụ nền kinh tế quốc dân và giảm thiểu các tai biến địa chất.
Từ khi thành lập đến nay, các kỹ sư, cán bộ của Ban TKTD Dầu khí cùng với các đơn vị của Petrovietnam và các đối tác đã không ngừng nghiên cứu, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật tiên tiến nhất trong khảo sát địa vật lý, đặc biệt địa chấn 3D, bằng các tàu được trang bị các thiết bị hiện đại cũng như sử dụng các hệ thống xử lý, phân tích dữ liệu thông minh để có thể “nhìn” xuyên qua các lớp đất đá hàng nghìn mét dưới đáy biển, tìm ra các mỏ mới cho ngành Dầu khí Việt Nam.
Những phát hiện mang tính nền tảng, như mỏ dầu giá trị cao tại bể Cửu Long, các mỏ khí “khủng” ở bể Nam Côn Sơn và nhiều mỏ ở các bể trầm tích khác không chỉ chứng minh năng lực vượt trội của đội ngũ kỹ sư Việt Nam mà còn khẳng định khát vọng lớn lao - khát vọng chinh phục những thử thách lớn nhất vì lợi ích quốc gia. Hành trình này đòi hỏi sự kiên trì, sáng tạo và ý chí mạnh mẽ để vượt qua những trở ngại không ngừng xuất hiện.
Theo TS Trịnh Xuân Cường, Trưởng ban TKTD Dầu khí Petrovietnam, trong những giai đoạn trước 2015, mỗi năm ngành Dầu khí khoan hàng vài chục giếng TKTD, hàng trăm giếng khai thác và đã tìm ra rất nhiều mỏ dầu khí có giá trị cũng như duy trì được sản lượng khai thác ổn định. Nhưng trong những năm gần đây, công tác TKTD, đặc biệt hoạt động thực địa đã bị thu hẹp rất nhiều vì giá dầu giảm, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và chiến tranh cũng như chiến lược chuyển đổi và phát triển năng lượng sạch.
Nhắc đến những khó khăn trong công việc, TS Cường bộc bạch rằng, hoạt động TKTD, khai thác dầu khí nói chung hay cụ thể là việc “bắt mạch” cho đất không thể hoạt động liên tục suốt cả năm. Những tháng thời tiết thuận lợi, từ tháng 3-4 đến tháng 9-10 là khoảng “thời gian vàng” để làm việc ngoài khơi. Ngoài thời gian đó biển trở nên dữ dội, tất cả các công tác thực địa đều phải tạm dừng hoặc hoạt động hết sức hạn chế, chủ yếu tập trung phân tích số liệu, hoàn thiện thủ tục và chuẩn bị phương tiện thiết bị vật tư trên bờ, sẵn sàng cho giai đoạn tiếp theo.

TS Trịnh Xuân Cường (thứ 3 từ trái sang) đại diện Ban TKTD Dầu khí nhận biểu trưng vinh danh tập thể tiêu biểu nỗ lực khắc phục khó khăn, đạt thành tích cao trong công tác năm 2024
TS Cường ví von công việc của các kỹ sư địa chất, địa vật lý như những bác sĩ đa khoa. Đó là công việc đa ngành, đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng và thường xuyên đối mặt với rủi ro rất cao. Những dự báo có thể chỉ đúng 15-20%, cao có thể tới 30-35% và các sai lầm nhỏ cũng có thể để lại hậu quả rất lớn.
Đối với địa chất truyền thống triển khai trên đất liền, các kỹ sư địa chất có thể trực tiếp đo đạc, sờ vào mẫu vật. Nhưng đối với ngành Dầu khí Việt Nam, hầu hết công việc diễn ra ngoài biển, tất cả đều phụ thuộc vào các đo đạc gián tiếp sử dụng công nghệ cao hoặc triển khai khoan và hoàn thiện các giếng sâu vài 3-5 cây số, chiều dài có thể đạt 6-7km trong các điều kiện hết sức phức tạp, khó khăn, đòi hỏi trình độ chuyên môn và kỹ năng làm việc phải đạt đến mức tinh nhuệ. Có thể nói các công nghệ áp dụng cho ngành Dầu khí chỉ xếp sau công nghệ quốc phòng.
Cũng như các kỹ sư trong ngành, các thành viên trong Ban TKTD Dầu khí phải liên tục tiếp cận, cập nhật và áp dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất thế giới trong công việc hằng ngày. Có thể nói, việc thu nổ địa chấn trong TKTD dầu khí với việc sử dụng những con tàu kéo theo cáp dài hàng chục kilômét để thu thập tín hiệu địa chấn tương tự như “siêu âm” thân thể con người, theo 2 chiều, 3 chiều hoặc 4 chiều (3 chiều không gian và 1 chiều thời gian) cho phép theo dõi lát cắt địa chất theo thời gian thực.
Ngoài địa chấn, các phương pháp đo trọng lực, khảo sát từ máy bay hay thành tầu cũng được ứng dụng để xác định các thể địa chất. Sau xử lý, phân tích, tổng hợp đánh giá tài liệu địa chất - địa vật lý, công tác khoan thăm dò - công đoạn phức tạp nhất - sẽ được thực hiện. Một mũi khoan ban đầu rộng vài chục inch sẽ phải khoan sâu tới 4-5km dưới lòng đất, khi đó các cần khoan sẽ như sợi chỉ mong manh.
Việc chọn vị trí khoan là kết quả của vài năm, thậm chí hàng chục năm thu thập và phân tích dữ liệu, sử dụng cả tài liệu từ nhiều thập niên trước để định tuổi đất đá, khả năng sinh dầu, khí, xác định tính chất của đất đá và lưu thể, xác định khoanh vùng đối tượng chứa dầu khí, từ đó đưa ra những quyết định quan trọng để khoan giếng. Để bảo đảm độ chính xác của các đánh giá phục vụ công tác TKTD và khai thác sau này, các mẫu đất đá cũng như mẫu lưu thể có thể được thu thập trong quá trình khoan, tương tự như lấy máu xét nghiệm để phân tích sâu để đưa ra những số liệu cụ thể, phục vụ công tác dự báo.
Công việc của những người “bắt mạch” cho đất chưa bao giờ là dễ dàng. Giữa biển khơi rộng lớn hay dưới lòng đất sâu, họ đối mặt với những thách thức từ thiên nhiên khắc nghiệt, các lớp đá ngầm phức tạp và cả sự hạn chế của công nghệ và thông tin về lòng đất khu vực nghiên cứu mới. Tuy nhiên, với ý chí kiên cường, đội ngũ kỹ sư Petrovietnam đã vượt qua tất cả, từng bước khám phá những tầng đất đá sâu thẳm, biến những điều không thể thành có thể.
Đằng sau những thành công ấy cũng là biết bao nhiêu sự hy sinh thầm lặng. Các kỹ sư dầu khí thường xuyên phải xa gia đình trong nhiều tháng liền, đối mặt với hiểm nguy giữa biển khơi hay dưới lòng đất. Tuy vậy, với họ, mỗi giọt dầu, mỗi m3 khí tìm thấy là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ. Họ là những anh hùng thầm lặng, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước.
Những người “bắt mạch” cho đất phải đối mặt với những thách thức từ thiên nhiên khắc nghiệt, các lớp đá ngầm phức tạp và cả sự hạn chế của công nghệ và thông tin về khu vực nghiên cứu mới. Tuy nhiên, với ý chí kiên cường, đội ngũ kỹ sư Petrovietnam đã vượt qua tất cả, biến những điều không thể thành có thể.
2. Bạch Hổ là một trong những mỏ dầu lớn nhất và đặc biệt nhất của Việt Nam. Việc phát hiện dầu trong tầng đá móng granit tại mỏ Bạch Hổ là một thành tựu nổi bật nhất, một đóng góp to lớn cho khoa học dầu khí, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc nhận định và đánh giá mới về tiềm năng dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam.
Được tham gia công tác nghiên cứu tại mỏ Bạch Hổ, TS Cường chia sẻ, trên thế giới, chỉ có một vài mỏ tương tự mỏ Bạch Hổ. Sự đặc biệt của mỏ này không chỉ nằm ở trữ lượng lớn mà còn ở tầng đá móng granit nứt nẻ và phong hóa, nơi phát hiện dầu. Điều này đã tạo nên một bước ngoặt lớn trong ngành Dầu khí, thay đổi hoàn toàn khái niệm về mỏ dầu khí và mở ra những hướng khai thác mới đầy tiềm năng.
Cũng theo TS Cường, nhiều cán bộ kỹ sư thuộc Liên doanh Vietsovpetro vẫn chưa quên cảm giác phấn chấn và hồi hộp khi mũi khoan chạm tới tầng đá móng và mang về những mẫu dầu đầu tiên. Đây là một phát hiện mang tính cách mạng, buộc các kỹ sư phải nghiên cứu và phát triển những công nghệ khai thác hoàn toàn mới, phù hợp với điều kiện địa chất đặc biệt này. “Tầng đá móng granit không giống bất kỳ nơi nào khác. Nó là minh chứng cho thấy chúng ta không chỉ có khả năng thăm dò mà còn biết cách thích nghi, sáng tạo để khai thác tài nguyên một cách tối ưu”, ông nói.

TS Trịnh Xuân Cường (thứ 2 từ trái qua) vinh dự nhận nhiệm vụ Trưởng ban TKTD Dầu khí Petrovietnam
Một kỷ niệm khác khiến TS Cường ấn tượng sâu sắc là quá trình thăm dò tại mỏ khí Lan Tây - Lan Đỏ. Đây là lần đầu tiên Petrovietnam hợp tác với một công ty tư bản nước ngoài, đánh dấu sự giao thoa giữa hai hệ thống kinh tế khác biệt. Ông chia sẻ: “Khi làm việc với họ, tôi nhận ra rằng cách quản lý, suy nghĩ và cả công nghệ của họ rất khác với chúng ta. Điều này không chỉ mở mang tầm mắt mà còn buộc chúng tôi phải thay đổi, học hỏi và cải tiến”. Quá trình này không chỉ là sự hợp tác về kỹ thuật mà còn là bài học về quản trị, hiệu quả làm việc và cách tiếp cận dự án dầu khí một cách chuyên nghiệp hơn.
Nhìn lại những thành tựu đó, TS Cường cho rằng chúng ta đang thừa hưởng nền tảng mà các thế hệ cha anh đã gây dựng, và thế hệ hiện tại không ngừng ứng dụng những kiến thức, kỹ năng và công nghệ tiên tiến nhất để phát triển nó. Các công nghệ thăm dò đã có những bước tiến vượt bậc, từ việc thu nổ địa chấn chỉ sóng dọc đơn giản trước đây đến việc thu cả hai sóng dọc và sóng ngang, từ thu nổ theo tuyến (2D) đến thu nổ theo diện (3D) đã giúp tăng cường chất lượng tín hiệu và độ chính xác trong xác định các đối tượng địa chất. Những cấu tạo nhỏ hoặc những khu vực trước đây không thể TKTD và khai thác nay cũng đã trở thành đối tượng tiềm năng nhờ sự cải tiến trong công nghệ và trình độ điều hành ngày càng tốt hơn.
Có thể nói, mặc dù ngành Dầu khí đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng nhiều vùng vẫn còn tiềm năng dầu khí lớn chưa được điều tra nghiên cứu. Dưới lòng đất sâu và đáy biển xa, vẫn còn những kho báu chưa được khám phá. Hành trình thăm dò và khai thác sẽ được tiếp tục nhằm bảo đảm nguồn năng lượng bền vững cho đất nước.

Cán bộ kỹ sư Ban TKTD Dầu khí trong một chuyến đi khảo sát thực địa
Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay, công tác thăm dò dầu khí tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Các mỏ mới chủ yếu có quy mô nhỏ hoặc nằm ở những khu vực nước sâu xa bờ, đòi hỏi công nghệ hiện đại và chi phí rất lớn. Tuy nhiên, nhờ việc ứng dụng công nghệ mới và chuyển đổi số, ngành Dầu khí đang mở ra những cơ hội mới.
Sự phát triển của công nghệ và yêu cầu gia tăng trữ lượng dầu khí đang tạo ra sức ép lớn, đòi hỏi khối thăm dò và khai thác phải có những thay đổi đột phá. Hệ thống cơ sở dữ liệu E&P của Petrovietnam đã hoàn thành giai đoạn 1 và đang chuẩn bị triển giai đoạn 2 với mục tiêu bảo đảm khai thác an toàn, hiệu quả và khả năng ứng dụng cao. Điều này không chỉ giúp tăng tốc độ ra quyết định và tối ưu hóa hiệu quả đầu tư mà còn giảm thiểu rủi ro.
Hành trình “bắt mạch” cho đất của các kỹ sư Petrovietnam vẫn chưa dừng lại. Với trí tuệ, bản lĩnh và sự hy sinh, họ đang và sẽ tiếp tục thắp sáng tương lai của ngành Dầu khí Việt Nam, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Ngành Dầu khí đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng nhiều vùng vẫn còn tiềm năng dầu khí lớn chưa được điều tra nghiên cứu. Dưới lòng đất sâu và đáy biển xa, vẫn còn những kho báu chưa được khám phá. Hành trình thăm dò và khai thác sẽ được tiếp tục nhằm bảo đảm nguồn năng lượng bền vững cho đất nước.