Vĩnh Phúc đẩy mạnh xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản đến năm 2030

Vĩnh Phúc phấn đấu đến hết năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 3-5 tổ chức, đơn vị tham gia phân phối, cung ứng sản phẩm và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình có chất lượng trên địa bàn tỉnh; 100% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có nhu cầu được tư vấn và sử dụng biện pháp tránh thai…

Ngay từ khi Đề án "Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản (KHHGĐ/SKSS) tại khu vực thành thị và nông thôn giai đoạn 2015-2020" của Bộ Y tế được ban hành tháng 3/2015, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các ngành chức năng trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu chủ trương của Nhà nước về xã hội hóa trong công tác DS-KHHGĐ.

Điều này giúp thay đổi cách nghĩ, chủ động thực hiện các dịch vụ KHHGĐ thông qua việc xây dựng được các mô hình, câu lạc bộ phù hợp với tâm lý, phong tục, tập quán của từng đối tượng, địa phương; hướng đến người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Cán bộ dân số tại Vĩnh Phúc tuyên truyền giúp chị em phụ nữ hiểu và sử dụng các biện pháp KHHGĐ hiệu quả. Ảnh: Kim Ly

Cán bộ dân số tại Vĩnh Phúc tuyên truyền giúp chị em phụ nữ hiểu và sử dụng các biện pháp KHHGĐ hiệu quả. Ảnh: Kim Ly

Theo đó, thời gian qua, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc đã xuất bản hàng nghìn Bản tin Dân số Vĩnh Phúc cấp cho cơ sở làm tài liệu tuyên truyền nhằm giúp các đối tượng thay đổi nhận thức, chuyển từ việc trông chờ vào bao cấp, miễn phí sang chủ động mua, bán các phương tiện tránh thai phù hợp với khả năng và điều kiện từng người.

Vì vậy, bên cạnh các đối tượng được cấp, phát các phương tiện tránh thai miễn phí thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, vùng nông thôn, miền núi thì các nhóm đối tượng khác cũng dần tự nguyện áp dụng các biện pháp tránh thai phù hợp.

Theo số liệu từ Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2020, toàn tỉnh có thêm hơn 68 nghìn người trong độ tuổi áp dụng phương tiện tránh thai, tỷ lệ người sử dụng các phương tiện tránh thai đạt 100,6% kế hoạch. Riêng 3 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh có thêm hơn 56.100 người trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng phương tiện tránh thai, đạt gần 79% kế hoạch. Ngoài việc sử dụng các phương tiện tránh thai truyền thống, hiện người dân đã tiếp cận với nhiều phương tiện mới như cấy thuốc tránh thai, tiêm thuốc tránh thai…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức như: Việc cung cấp các dịch vụ DS-KHHGĐ còn nhiều hạn chế, chưa chủ động được nguồn phương tiện tránh thai cho đối tượng thuộc diện được cấp miễn phí; chưa nắm bắt được nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai của vị thành niên, thanh niên, người chưa kết hôn; chi phí khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh, sơ sinh còn cao…

Để giải quyết những khó khăn trên, vừa qua, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án "Đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS trên địa bàn tỉnh đến năm 2030" triển khai thực hiện tại 136 xã, phường, thị trấn thuộc 9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, mục tiêu của Kế hoạch phấn đấu đến hết năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 3-5 tổ chức, đơn vị tham gia phân phối, cung ứng sản phẩm và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình có chất lượng trên địa bàn tỉnh; 100% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có nhu cầu được tư vấn và sử dụng biện pháp tránh thai, sản phẩm và dịch vụ phòng ngừa, phát hiện, xử lý nhiễm khuẩn đường sinh sản; 90% người dân có nhu cầu được tư vấn, cung cấp sản phẩm và dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tình dục; 30% phụ nữ từ 30-54 tuổi có nhu cầu được tư vấn, cung cấp sản phẩm và dịch vụ sàng lọc, dự phòng ung thư cổ tử cung, ung thư vú…

Để hoàn thành các mục tiêu này, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận của xã hội, thúc đẩy xã hội hóa, phát triển thị trường hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS; củng cố và phát triển mạng lưới cung ứng phương tiện tránh thai và hàng hóa KHHGĐ/SKSS trên cơ sở huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, tư nhân.

Cùng với đó, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ KHHGĐ/SKSS của người dân và nâng cao chất lượng, số lượng các chủng loại phương tiện tránh thai lâm sàng và dịch vụ KHHGĐ/SKSS theo phân khúc thị trường; tạo hành lang pháp lý phát triển thị trường cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS…

Theo bà Nguyễn Thị Hương, Trưởng Phòng Dân số, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Vĩnh Phúc, việc thực hiện hiệu quả Đề án "Đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KKHGĐ/SKSS trên địa bàn tỉnh đến năm 2030" sẽ góp phần trong việc nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và người dân về xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai; thúc đẩy đa dạng hóa các kênh cung cấp phương tiện tránh thai hiện đại, chất lượng cao; hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS đáp ứng nhu cầu và khả năng tự chi trả của đối tượng chấp nhận sử dụng. Qua đó, góp phần hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh.

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/vinh-phuc-day-manh-xa-hoi-hoa-cung-cap-phuong-tien-tranh-thai-dich-vu-ke-hoach-hoa-gia-dinh-suc-khoe-sinh-san-den-nam-2030-172211201160640172.htm