Vĩnh Phúc: Để sai phạm tràn lan, lãnh đạo xã Ngọc Thanh có 'vô can'?
Xã Ngọc Thanh (TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) đã trở thành 'điểm đen' khi tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng diễn ra tràn lan suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn chưa công khai bất kỳ hình thức xử lý kỉ luật nào đối lãnh đạo cấp cơ sở.
Quả đồi tại khu vực Trại Trâu bị san gạt làm biến dạng địa hình, vi phạm pháp luật về đất đai.
Trong thời gian qua, báo Nhà báo và Công luận đã có nhiều bài phản ánh về tình trạng nhiều doanh nghiệp ngang nhiên lấp hồ Đại Lải – một công trình thủy lợi quan trọng trên địa bàn xã Ngọc Thanh (TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) xây dựng trái phép. Sự việc này đã kiến dư luận vô cùng bức xúc. Trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền địa phương đã không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, để vi phạm diễn ra kéo dài đến nay vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.
Có thể nói, xã Ngọc Thanh đã trở thành “điểm đen” về tình trạng vi phạm đất đai, trật tự xây dựng của tỉnh Vĩnh Phúc. Nhưng khi những vi phạm cũ chưa được xử lý thì mới đây, trên địa bàn xã này lại nổi lên những vi phạm mới có tính chất nghiêm trọng.
Cụ thể, tại khu vực Trại Trâu thuộc thôn Đồng Chằm, xã Ngọc Thanh, bà Nguyễn Thị Vân Anh (Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư phát triển và dịch vụ Gia Phúc) đã ngang nhiên san gạt đất lâm nghiệp, tự ý xây dựng công trình trên đất lâm nghiệp mà chưa được sự cho phép từ phía chính quyền.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh đã cho công nhân, máy móc san gạt đất tại một quả đồi thành từng tầng, bao quanh là những bờ rào bằng bê tông kiên cố để chống sạt lở. Sau khi san gạt, đất đổ lấp trực tiếp xuống chân đồi. Đặc biệt, một khối lượng lớn đất đồi đã được đổ thẳng xuống hồ thủy lợi Trại Trâu làm làm biến dạng địa hình, suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm môi trường và mất trật tự an toàn xây dựng. Trên quả đồi, một số công trình kiên cố được xây dựng trái phép.
Báo cáo của UBND xã Ngọc Thanh về việc kiểm tra sử dụng đất tại hồ Trại Trâu, thôn Đồng Chằm chỉ ra nhiều vi phạm.
Theo báo cáo số 44/BC-UBND của UBND xã Ngọc Thanh cho thấy, thửa đất đang bị san gạt là đất lâm nghiệp có vị trí thuộc lô 22, khoảnh IIIA tiểu khu II Đồng Chằm, do bà Nguyễn Thị Vân Anh làm chủ.
Trước đó, vào tháng 3/2021, UBND xã Ngọc Thanh phối hợp với hạt kiểm lâm Phúc Yên kiểm tra việc sử dụng đất của bà Vân Anh. Trong quá trình kiểm tra, xác định hộ bà Nguyễn Thị Vân Anh đã xây dựng tường kè, rãnh thoát nước, làm đường băng, tường rào ranh giới làm bằng thép V lưới B40, bể chứa nước có kích thước 65m2 và 1 ngôi nhà cấp 4 xây tường 110mm lợp mái.
UBND xã Ngọc Thanh cũng cho rằng, ngay sau khi kiểm tra phát hiện tình trạng san gạt, xây dựng công trình trên đất lâm nghiệp, UBND xã Ngọc Thanh đã yêu cầu bà Nguyễn Thị Vân Anh dừng mọi hoạt động san gạt, đồng thời không được xây dựng công trình trên đất lâm nghiệp và sử dụng đất đúng mục đích. Tuy nhiên, việc hủy hoại đất lâm nghiệp vẫn diễn ra, bà Nguyễn Thị Vân Anh vẫn tiếp tục hoàn thiện các công trình trái phép tại đây.
Không chỉ hủy hoại đất lâm nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư phát triển và dịch vụ Gia Phúc còn cho đổ hàng nghìn mét khối đất xuống hồ thủy lợi Trại Trâu, hồ này thuộc sự quản lý, vận hành và khai thác của Công ty TNHH MTV Thủy Lợi Phúc Yên (Công ty Thủy lợi Phúc Yên).
Theo ghi nhận tại khu vực xung quanh hồ Trại Trâu cho thấy một phần lớn diện tích đất trong lòng hồ đã bị máy múc san gạt hàng ngàn m2, diện tích hồ bị lấn chiếm, thu hẹp. Theo tìm hiểu của phóng viên, khu vực hồ này đã được Công ty Thủy Lợi Phúc Yên cho bà Nguyễn Thị Vân Anh thuê mặt nước hồ với mục đích nuôi trồng thủy sản.
Máy móc đào xới hồ thủy lợi Trại Trâu. Ảnh: Người dân cung cấp.
Về sự việc này, theo UBND xã Ngọc Thanh cho biết, qua kiểm tra lần 2 ngày 19/3/2021, UBND xã đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm Phúc Yên kiểm tra việc sử dụng đất của bà Nguyễn Thị Vân Anh và phát hiện tại khu vực hồ Trại Trâu có hiện tượng đào, đắp đất với diện tích khoảng 3.000m2, phần diện tích đào đắp ở phía dưới lòng hồ, đây là phần diện tích bán ngập và diện tích thuộc hồ thủy lợi Trại Trâu.
UBND xã Ngọc Thanh một lần nữa yêu cầu Công ty TNHH Đầu tư phát triển và Dịch vụ Gia Phúc ngừng ngay việc đào đắp làm thay đổi hiện trạng hồ thủy lợi Trại Trâu. Đồng thời đề nghị UBND TP Phúc Yên, các phòng ban chuyên môn xem xét thẩm quyền cho thuê hồ để nuôi trồng thủy sản, và việc ban hành văn bản chấp thuận cho nạo vét lòng hồ của Công ty Thủy Lợi Phúc Yên.
Liên quan đến việc cho thuê hồ thủy lợi Trại Trâu, ông Nguyễn Đức Chính – Giám đốc Công ty Thủy lợi Phúc Yên trả lời báo chí cho biết, Công ty chỉ cho thuê phần mặt nước với mục đích nuôi trồng thủy sản chứ không có chức năng cho thuê hồ.
Đại diện Công ty Thủy lợi Phúc Yên còn khẳng định chỉ đồng ý cho dọn dẹp lòng hồ, dọn bùn rác thải xung quanh hồ để thông thoáng mặt hồ, tăng dung tích mặt hồ... nếu doanh nghiệp lấn hồ, lấp hồ, cải tạo diện tích hồ là doanh nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Hồ thủy lợi Trại Trâu bị biến dạng. Ảnh: Người dân cung cấp.
Lý giải về việc cho thuê hồ không qua đấu giá, ông Nguyễn Đức Chính cũng khẳng định việc cho thuê mặt nước hồ với mục đích nuôi trồng thủy sản là đúng quy định của pháp luật, tài sản dưới 1 tỷ đồng nên không cần đấu giá, chỉ cần có đơn xin khai thác thấy phù hợp là ký hợp đồng cho thuê. Giá thuê hồ cũng theo giá UBND tỉnh quy định.
Tuy nhiên, theo Điều 23 của Luật Thủy lợi 2017 về phương thức khai thác công trình thủy lợi phải được tổ chức đấu thầu công khai hoặc đặt hàng.
Theo các mục trong Điều 8 của Luật Thủy lợi năm 2017 các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thủy lợi có thể thấy việc tác động lên công trình thủy lợi khiến hơn 3.000m2 bị đào xới, san lấp có dấu hiệu vi phạm quy định tại mục 10 - Lấn chiếm, sử dụng đất trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và mục 11 - Thực hiện các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi khi chưa có giấy phép hoặc thực hiện không đúng nội dung của giấy phép được cấp...
Đồng thời, đối chiếu tại điểm h, điều 22, Chương III, Nghị định số 114/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn hồ đập, hồ chứa nước đã nêu rất rõ về việc cấp giấy phép cho dự án Nuôi trồng thủy sản trong phạm vi hồ đập, hồ chứa nước chỉ có cấp có thẩm quyền là UBND tỉnh.
Trước những vi phạm nghiêm trọng nêu trên, rất cần sự vào cuộc của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo UBND xã Ngọc Thanh.
Nhà báo và Công luận sẽ tiếp tục thông tin.