Vĩnh Phúc điều chỉnh tên của 25 xã, phường mới, không còn gắn số thứ tự
Tiếp thu ý kiến nhân dân, tỉnh Vĩnh Phúc thống nhất điều chỉnh tên gọi của 25 xã, phường mới theo các yếu tố lịch sử, văn hóa gắn với truyền thống địa phương và không còn gắn số thứ tự như trước đó.
Chiều 25/4, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã thảo luận, thống nhất thông qua dự thảo Nghị quyết điều chỉnh tên gọi đối với 25/36 đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp ở tỉnh này. Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Đặng Xuân Phong và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông chủ trì hội nghị.

Tỉnh ủy Vĩnh Phúc thống nhất chủ trương đặt tên các xã, phường mới hình thành theo các yếu tố lịch sử, văn hóa gắn với truyền thống địa phương. Ảnh: Thanh Nga
Theo nghị quyết, tại huyện Sông Lô, xã Sông Lô được đặt lại tên thành xã Tam Sơn, thành lập trên cơ sở sáp nhập thị trấn Tam Sơn, xã Đồng Quế và xã Tân Lập.
Xã Sông Lô 1 được đặt lại tên thành xã Sông Lô, thành lập trên cơ sở sáp nhập 4 xã Tứ Yên, Đồng Thịnh, Đức Bác, Yên Thạch.
Xã Sông Lô 2 đặt lại tên thành xã Hải Lựu, thành lập từ 4 xã Nhân Đạo, Hải Lựu, Đôn Nhân, Phương Khoan.
Xã Sông Lô 3 được điều chỉnh lại thành xã Yên Lãng, được thành lập từ 2 xã Quang Yên, Lãng Công.
Tại huyện Lập Thạch: Xã Lập Thạch 1 được đặt lại tên thành xã Tiên Lữ, thành lập trên cơ sở sáp nhập 4 xã Tiên Lữ, Xuân Lôi, Văn Quán, Đồng Ích.
Xã Lập Thạch 2 đặt lại tên là xã Thái Hòa trên cơ sở sáp nhập 3 xã Bắc Bình, Thái Hòa, Liễn Sơn.
Xã Lập Thạch 3 đổi tên thành xã Liên Hòa, được thành lập từ thị trấn Hoa Sơn và 2 xã Liên Hòa, Bàn Giản.

Tháp Bình Sơn thuộc thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, là ngôi tháp đất nung hiếm hoi, hiện còn lại đến hôm nay.
Xã Lập Thạch 4 đặt lại tên thành xã Hợp Lý, được thành lập từ 3 xã Ngọc Mỹ, Quang Sơn, Hợp Lý.
Tại huyện Tam Đảo: Xã Tam Đảo 1 được đặt lại tên thành xã Đại Đình trên cơ sở sáp nhập thị trấn Đại Đình và xã Bồ Lý.
Xã Tam Đảo 2 đặt lại tên thành xã Đạo Trù, được thành lập từ 2 xã Đạo Trù, Yên Dương.
Tại huyện Tam Dương: Xã Tam Dương 1 đặt lại tên thành xã Hội Thịnh trên cơ sở sáp nhập 3 xã Duy Phiên, Hội Thịnh, Thanh Vân.
Xã Tam Dương 2 đặt lại tên thành xã Hoàng An, hợp nhất từ 3 xã An Hòa, Hoàng Đan, Hoàng Lâu.
Xã Tam Dương 3 đặt lại là xã Tam Dương Bắc, thành lập từ xã Đồng Tĩnh, Hoàng Hoa (huyện Tam Dương) và xã Tam Quan (huyện Tam Đảo).
Tại huyện Vĩnh Tường: Xã Vĩnh Tường 1 được đặt lại thành xã Vĩnh Hưng trên cơ sở hợp nhất 3 xã Nghĩa Hưng, Yên Lập, Đại Đồng.
Xã Vĩnh Tường 2 được đặt lại thành xã Vĩnh An, thành lập từ 3 xã Kim Xá, Yên Bình, Chấn Hưng.
Xã Vĩnh Tường 3 đổi tên thành xã Vĩnh Phú, được thành lập từ 4 xã Ngũ Kiên, An Nhân, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Phú.
Xã Vĩnh Tường 4 đặt lại thành xã Vĩnh Thành, được thành lập từ 3 xã Sao Đại Việt, Lũng Hòa, Tân Phú.
Tại huyện Yên Lạc: Xã Yên Lạc 1 đặt lại tên thành xã Liên Châu trên cơ sở sáp nhập 3 xã Đại Tự, Hồng Châu, Liên Châu.

Du khách về trẩy hội Tây Thiên, Tam Đảo, Vĩnh Phúc.
Xã Yên Lạc 2 đặt lại thành xã Tam Hồng trên cơ sở sáp nhập thị trấn Tam Hồng, xã Yên Phương và xã Yên Đồng.
Xã Yên Lạc 3 đặt lại tên là xã Nguyệt Đức, được thành lập từ 4 xã Nguyệt Đức, Văn Tiến, Trung Kiên, Trung Hà.
Tại huyện Bình Xuyên: xã Bình Xuyên đặt lại thành xã Bình Nguyên trên cơ sở hợp nhất thị trấn Hương Canh và các xã Tam Hợp, Quất Lưu, Sơn Lôi.
Xã Bình Xuyên 1 đổi tên là xã Xuân Lãng, được thành lập từ thị trấn Thanh Lãng, thị trấn Đạo Đức và các xã Tân Phong, Phú Xuân.
Xã Bình Xuyên 2 đổi tên thành xã Bình Xuyên, hợp nhất từ thị trấn Gia Khánh và xã Hương Sơn, Thiện Kế.
Xã Bình Xuyên 3 đổi tên thành xã Bình Tuyền trên cơ sở sáp nhập xã Trung Mỹ và thị trấn Bá Hiến.
Tại thành phố Phúc Yên: Phường Phúc Yên 1 đặt lại tên là phường Xuân Hòa, được thành lập từ phường Xuân Hòa, phường Đồng Xuân và xã Cao Minh, xã Ngọc Thanh.
Trước đó, tỉnh Vĩnh Phúc quyết định sắp xếp 121 xã, phường, thị trấn hiện nay để thành lập 36 đơn vị hành chính cấp xã mới (32 xã và 4 phường).
11 phường, xã mới đã được thống nhất tên gọi gắn với lịch sử, truyền thống văn hóa địa phương này, gồm: 3 phường Vĩnh Phúc, Vĩnh Yên, Phúc Yên và các xã Lập Thạch, Sơn Đông, Tam Đảo, Tam Dương, Vĩnh Tường, Thổ Tang, Yên Lạc, Tề Lỗ.
Sau khi xuất hiện một số ý kiến trái chiều của nhân dân, Vĩnh Phúc đã quyết định bỏ cách đặt tên cho các xã, phường mới gắn số thứ tự. Sau đó, tỉnh này đã thực hiện quy trình lấy ý kiến nhân dân với các tên gọi mới thay thế.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc giao Đảng ủy UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 của tỉnh Vĩnh Phúc trình HĐND tỉnh thông qua, hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ theo quy định.
Dự kiến từ ngày 29/4 đến 1/5, Đề án hợp nhất 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình thành tỉnh Phú Thọ sẽ được hoàn thiện để báo cáo Trung ương.
Sau sáp nhập, tỉnh Phú Thọ có diện tích tự nhiên hơn 9.361km2; dân số hơn 4 triệu người. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã, phường của tỉnh Phú Thọ sau sáp nhập là 148 (133 xã và 15 phường).
Trong đó, tỉnh Phú Thọ hiện nay đã sắp xếp còn 66 xã, phường; tỉnh Vĩnh Phúc sắp xếp còn 36 xã, phường; tỉnh Hòa Bình dự kiến sắp xếp thành 46 xã, phường.