Vĩnh Phúc: Điều chỉnh việc đặt tên xã mới theo nguyện vọng, phản hồi của người dân

Tỉnh ủy Vĩnh Phúc vừa có văn bản gửi Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh, Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các cơ quan về việc triển khai lấy ý kiến nhân dân đối với tên gọi đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp. Vĩnh Phúc sẽ đặt tên các đơn vị hành chính cấp xã mới theo nguyện vọng của người dân, bảo đảm tính ổn định, phù hợp với đặc điểm lịch sử, văn hóa.

Một góc thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Một góc thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến phản hồi của người dân, cử tri..., tỉnh Vĩnh Phúc quyết định đặt lại tên đơn vị hành chính cấp xã theo hướng bỏ số thứ tự, lấy tên mới gắn với yếu tố lịch sử, văn hóa. Sau chỉ đạo của tỉnh, các địa phương đã khẩn trương họp, chỉ đạo cấp xã thực hiện lấy ý kiến nhân dân.

Ngày 23/4, Ban Thường vụ Huyện ủy Tam Đảo thống nhất dự kiến điều chỉnh tên gọi các xã Tam Đảo 1, 2 thành Đại Đình và Đạo Trù.

Cùng ngày, huyện Yên Lạc thống nhất phương án đặt lại tên theo hướng đổi tên các xã Yên Lạc 1, 2, 3 thành Liên Châu, Tam Hồng và Nguyệt Đức.

Huyện Lập Thạch chỉ đạo đặt lại tên các xã Lập Thạch 1, 2, 3, 4 thành xã Tiên Lữ, Thái Hòa, Liên Hòa, Hợp Lý.

Huyện Bình Xuyên đặt lại tên xã Bình Xuyên, Bình Xuyên 1, 2, 3 thành xã Bình Nguyên, Xuân Lãng, Bình Xuyên, Bình Tuyền.

Theo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, việc lấy ý kiến nhân dân đối với Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh và Đề án sáp nhập ba tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Phú Thọ thành tỉnh Phú Thọ mới được triển khai đảm bảo dân chủ, đúng quy định, quy trình, tạo được sự đồng thuận của nhân dân. Tuy nhiên, một số ý kiến của nhân dân mong muốn và đề xuất cấp có thẩm quyền nghiên cứu, đặt lại tên cho 23 xã, phường mới có tên dự kiến gắn với số thứ tự, được xem xét kỹ về đặt theo hướng gắn với yếu tố lịch sử, văn hóa của địa phương. Do đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành triển khai nghiên cứu, tiếp thu ý kiến nhân dân, đặt tên các đơn vị hành chính cấp xã mới bảo đảm tính ổn định, phù hợp với đặc điểm lịch sử, văn hóa và tạo sự đồng thuận, thống nhất cao....

Trước đó, thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TU, ngày 16/4/2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thống nhất thông qua Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 của tỉnh, Vĩnh Phúc chủ trương sắp xếp 121 xã, phường, thị trấn hiện nay thành 36 đơn vị hành chính cấp xã mới, giảm 85 đơn vị, tương đương giảm 70,24%. Hiện Vĩnh Phúc chưa có phương án, kế hoạch cụ thể, chi tiết về việc quản lý các trụ sở công dôi dư sau sắp xếp trên địa bàn; chưa có bản đồ dự kiến các đơn vị hành chính cấp xã mới...

Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đang giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp với các Ban Thường vụ Huyện ủy, Thành ủy và các cơ quan liên quan tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy phương án nhân sự chủ chốt của cấp xã sau khi thành lập mới bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, khách quan, minh bạch, công bằng, công tâm, đúng quy định của Đảng, Nhà nước...

Nguyễn Trọng Lịch (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/vinh-phuc-dieu-chinh-viec-dat-ten-xa-moi-theo-nguyen-vong-phan-hoi-cua-nguoi-dan-20250424141726460.htm