Vĩnh Phúc đứng đầu cả nước trong công tác phòng, chống tham nhũng
Kết quả đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 vừa được Thanh tra Chính phủ công bố, Vĩnh Phúc là địa phương có điểm số cao nhất trong 63 tỉnh, thành.
Theo kết quả công bố của Thanh tra Chính phủ, năm 2022, điểm trung bình phòng chống tham nhũng cấp tỉnh (PACA 2022) đạt 66,06 điểm, cao hơn 3,94 điểm so với năm 2021 (62,12 điểm), cao hơn 2,2 điểm so với năm 2020 (63,86 điểm), đồng thời là điểm trung bình cao nhất kể từ khi tổ chức đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng từ năm 2016 đến nay.
Có 15 địa phương đạt từ 70 điểm trở lên, trong đó Vĩnh Phúc là tỉnh đứng đầu toàn quốc (đạt 77,95 điểm), Tiền Giang xếp thứ hai (đạt 77,72 điểm) và TP.HCM xếp hạng ba (đạt 77,28 điểm).
Tiếp sau là các địa phương gồm Quảng Ninh, Đồng Nai, Cần Thơ, Thái Nguyên, Sóc Trăng, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Hòa Bình, Hải Dương, Bắc Kạn, Sơn La.
Quyết liệt kiến tạo chính quyền vì Nhân dân phục vụ, mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Chỉ thị số 16 về việc đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tỉnh Vĩnh Phúc theo Nghị quyết 53/NQ-CP, ngày 14/4/2023 của Chính phủ; Công văn số 5795 về tăng cường thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước theo ngành, lĩnh vực, địa bàn được giao phụ trách, bảo đảm hoạt động quản lý tuân thủ đúng quy định của pháp luật, nhất là lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, thuế; quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, ngân sách Nhà nước, đấu giá tài sản công và các lĩnh vực dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.
Các đơn vị phải tổ chức thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản, bảo đảm trung thực, chính xác, đầy đủ, kịp thời. Tất cả các bản kê khai phải được công khai theo quy định.
Thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác theo đúng quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và phải phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ, nhóm ngành nghề, bảo đảm hoạt động bình thường của các tổ chức, cơ quan, đơn vị.
Tại Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh cuối tháng 7/2023, bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động kiểm tra công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại cơ quan, đơn vị để kịp thời ngăn chặn từ sớm, từ xa các vụ việc tham nhũng, tiêu cực.
Đồng thời, các cơ quan, đơn vị địa phương cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc khắc phục, tháo gỡ vướng mắc theo các kết luận giám sát, thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực kinh tế - xã hội; tập trung xử lý các dự án đầu tư trọng điểm đang gặp khó khăn vướng mắc sau thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm toán nhằm khơi thông nguồn lực cho sự phát triển.
Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm thông báo, kết luận, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Nội chính Trung ương, kịp thời kiểm tra, rà soát, nâng cao hiệu quả việc thực hiện các kiến nghị sau thanh tra, kiểm toán và xử lý các vụ việc theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, hàng năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, gắn công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay"; Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; xây dựng quy định về tiêu chuẩn đạo đức, lối sống, tác phong công tác, quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị.
Các cấp ngành, địa phương cần định kỳ nhận xét, đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên có nội dung kiểm điểm đánh giá việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng.
Chính quyền tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát phát hiện tham nhũng, lãng phí; nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử hành vi tham nhũng đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và từng bước thực hiện tốt việc thu hồi tài sản tham nhũng.