Vĩnh Phúc gắn kết làng nghề với du lịch tạo đà phát triển kinh tế
Nhằm đẩy mạnh kinh tế địa phương, tỉnh Vĩnh Phúc đã quan tâm đầu tư, ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các làng nghề truyền thống kết hợp với phát triển du lịch địa phương.
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 28 làng nghề, trong đó có 20 làng nghề truyền thống với gần 10 nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh. Những năm qua, làng nghề trên địa bàn đã tạo việc làm cho hơn 16 nghìn lao động với mức thu nhập ổn định từ 3 - 8 triệu đồng/người/tháng. Trên địa bàn tỉnh hiện cũng có 23 nghệ nhân được công nhận cấp tỉnh và 186 thợ giỏi. Đây chính là tiềm lực giúp các làng nghề tiếp tục phát huy, bảo tồn và phát triển.
Điển hình như tại xã Triệu Đề, huyện Lập Thạch có làng nghề hoa cây cảnh Đại Đề với hơn 250 hộ tham gia trồng, ươm giống và chăm sóc hoa, cây cảnh. Nghề trồng hoa, cây cảnh đã giải quyết việc làm, mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương.
Được biết, mỗi loại cây cảnh có giá trị từ vài triệu đến vài trăm triệu một cây, tùy thuộc vào thời gian chăm sóc cũng như chủng loại. Nhờ đó, ở làng nghề này, nhiều hộ dân đã làm giàu từ nghề trồng hoa cây cảnh với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tổng thu nhập từ nghề trồng, buôn bán hoa cây cảnh đạt hơn 10 tỷ đồng/năm.
Tại nhiều làng nghề khác như làng nghề đá Hải Lựu, huyện Sông Lô; làng nghề mộc An Tường, huyện Vĩnh Tường... cũng tạo thu nhập cao cho người dân, đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế địa phương.
Mặc dù, sau gần 3 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, nhưng đến nay các làng nghề tại Vĩnh Phúc đã từng bước thích ứng linh hoạt với tình hình mới, nhanh chóng ổn định sản xuất. Đáng chú ý, nhiều sản phẩm làng nghề tại địa phương đã được đẩy mạnh tiêu thụ qua một số kênh điện tử như: sàn thương mại điện tử, mạng xã hội... mang lại hiệu quả tích cực.
Bên cạnh đó, công tác bảo tồn nghề, làng nghề truyền thống cũng được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm với nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực. Tuy nhiên, có một thực tế là các làng nghề tại Vĩnh Phúc hầu hết đều chưa kết hợp với hoạt động du lịch, trong khi đó, sự phát triển của các làng nghề truyền thống chính là tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch.
Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do phần lớn các cơ sở sản xuất, hộ làm nghề ở các địa phương có quy mô nhỏ, phân bố rải rác nên chưa hình thành các điểm du lịch. Bên cạnh đó, các làng nghề cũng chưa chú trọng vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, các sản phẩm phục vụ cho mục đích du lịch. Đối với các cấp lãnh đạo địa phương cũng chưa quan tâm đúng mức vào các hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm làng nghề gắn với phát triển du lịch.
Để thúc đẩy các làng nghề phát triển, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt Quy hoạch phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu đến năm 2030, Vĩnh Phúc sẽ hình thành 24 cụm tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống; ban nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đối với các làng nghề.
Bên cạnh đó, cuối tháng 12/2021, UBND tỉnh cũng ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện hỗ trợ bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2022 - 2025.
Trước đó, năm 2020 tỉnh cũng thực hiện chương trình "Triển lãm quảng bá một số làng nghề truyền thống gắn với sản phẩm du lịch Vĩnh Phúc" giúp các doanh nghiệp có cơ hội trao đổi thông tin, xúc tiến thương mại, du lịch, quảng bá sản phẩm hàng hóa, trao đổi thông tin tìm kiếm thị trường. Chương trình này tiếp tục được Sở Công thương triển khai trong năm 2022.
Với những cơ chế, chính sách kịp thời, nhanh chóng, Vĩnh Phúc kỳ vọng sẽ đưa hoạt động sản xuất làng nghề gắn với phát triển du lịch trở thành một trong những trụ cột kinh tế của tỉnh.
Theo đó, trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ về vốn, công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Tăng cường quảng bá sản phẩm làng nghề thông qua các hội nghị kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm để mở rộng thị trường tiêu thụ. Đẩy mạnh phát triển các mô hình làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch làng nghề; triển khai các chính sách đối với nghệ nhân, thợ giỏi nghề thủ công mỹ nghệ; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hình thành hệ thống phân phối lớn trong và ngoài nước.