Vĩnh Phúc: Khu sinh thái 'mọc' trên đất rừng
Khu nhà ở sinh thái khá lớn đang được xây dựng tại thôn Đồng Câu (xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên, Vĩnh Phúc) nhưng người dân địa phương cho rằng khu sinh thái này được xây dựng trên đất rừng, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất…
Khu sinh thái được xây dựng tại địa điểm khá đẹp, ngay ngoài mặt đường là cánh cổng lớn án ngữ cùng với 2 thân cây cổ thụ được làm giả bằng xi măng. Cách cánh cổng khoảng 100m, bên lưng chừng ngọn đồi đã bị san gạt nham nhở là gần chục ngôi nhà kiên cố đã được xây dựng xong. Cạnh đó, những ngôi nhà chưa hoàn thiện đang tiếp tục được thi công. Khu này của ông Trịnh Duy Long (thôn Đồng Câu, xã Ngọc Thanh).
Theo người dân địa phương, ở đây, đất lâm nghiệp trồng rừng sản xuất nhiều nhưng giờ không mấy ai trồng cây nữa mà chuyển sang xây dựng trang trại hoặc những căn nhà để kinh doanh khu nghỉ dưỡng cho đỡ vất vả và kiếm lợi nhuận cao.
Ông Lý Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh cho biết, đúng là có chuyện ông Trịnh Duy Long đang tiến hành xây dựng trên đất rừng trồng khi chưa được chuyển đổi. "Việc ông Long xây dựng trên đất rừng trồng là có, tuy nhiên việc xử phạt đã vượt quá thẩm quyền của xã nên xã đã có ý kiến với TP.Phúc Yên vào cuộc xử lý", ông Lương nói.
Ông Phan Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP.Phúc Yên (Vĩnh Phúc) cũng xác nhận đã nắm được thông tin liên quan đến việc ông Trịnh Duy Long xây dựng trên đất rừng ở thôn Đồng Câu, xã Ngọc Thanh. Đồng thời, đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào thanh kiểm tra, xử lý theo đúng pháp luật.
Về phía Hạt kiểm lâm Phúc Yên, ông Nguyễn Lâm Tới, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm TP.Phúc Yên cho biết đang họp với đoàn thanh tra của thành phố và hẹn trao đổi với PV sau.
Trong khi đó ông Trịnh Duy Long cho biết, ông được giao hơn 12ha rừng sản xuất, việc xây dựng bắt đầu từ khoảng tháng 10/2019 đến nay.
Theo lý giải của ông Long, khu đất ông đang xây dựng là rừng sản xuất, nếu áp theo Nghị định 38 của Chính phủ thì được phép xây dựng 30% diện tích để làm khu sinh thái nghỉ dưỡng, kết hợp với sản xuất nông lâm nghiệp.
Trong đó đất dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng gồm đường giao thông, nhà ở là 20%. Hiện ông đã xây dựng được trên 1.000m2.
"Trước khi tôi làm (tiến hành xây dựng – PV), tôi đã có đơn xin Hạt Kiểm lâm, chính quyền trước cả 8 tháng trời nhưng không ai có ý kiến hay hướng dẫn gì thì tôi cứ làm thôi. Tôi làm khu sinh thái này là để phát triển kinh tế địa phương, việc có cần chuyển đổi hay không là việc triển khai, hướng dẫn của chính quyền", ông Long cho biết.
Cũng theo ông Long, sau khi ông tiến hành xây dựng, TP.Phúc Yên cũng vào kiểm tra và ông đã xuất trình đầy đủ tất cả hồ sơ. Tuy nhiên, đến bây giờ TP.Phúc Yên vẫn chưa có ý kiến gì.
"Tôi đã làm hết trách nhiệm của người dân rồi, quy định của Chính phủ là như thế, bây giờ sai hay không TP.Phúc Yên phải cho ý kiến. Nếu không cho tôi làm, phải trả lời cho tôi lý do. Nếu bảo tôi phải làm cái gì nữa, phải hướng dẫn tôi chứ!", ông Long nói.
Được biết, đất lâm nghiệp nằm trong nhóm đất nông nghiệp bao gồm: Đất rừng tự nhiên, đất trồng rừng, đất khoanh nuôi tu bổ tái sinh phục hồi rừng, nuôi dưỡng làm giàu rừng,…
Theo quy định, đất nông nghiệp không được xây dựng nhà ở kiên cố. Nếu muốn xây dựng, phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất thương mại dịch vụ đã được các cấp có thẩm quyền cho phép.