Vĩnh Phúc kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm

Sáng 3/2, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2023) và 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm tỉnh Vĩnh Phúc (2/3/1963 - 2/3/2023).

Dự Lễ kỷ niệm, về phía Trung ương, có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Ngô Văn Dụ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Trịnh Đình Dũng, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, lãnh đạo một số tỉnh, thành.

Về phía tỉnh Vĩnh Phúc có các đồng chí: Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành, thị; các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, những người con quê hương Vĩnh Phúc đang sinh sống, làm việc xa quê cùng đông đảo nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Các đại biểu dự lễ kỷ niệm.

Các đại biểu dự lễ kỷ niệm.

Diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan khẳng định: Sinh thời, Vĩnh Phúc là một trong những địa phương được Hồ Chủ tịch dành nhiều tình cảm và sự quan tâm. Người đã có 8 lần về thăm Vĩnh Phúc, đặc biệt, trong lần thăm ngày 2/3/1963, Người dặn dò: “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”.

Thực hiện lời căn dặn của Người, 60 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn đoàn kết, nỗ lực, đổi mới sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn thách thức, đưa Vĩnh Phúc từ một tỉnh thuần nông trở thành tỉnh công nghiệp, trung tâm công nghiệp sản xuất ô tô, xe máy của cả nước và đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Vĩnh Phúc luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hậu phương, cung cấp hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến; là tỉnh dẫn đầu toàn miền Bắc về sản xuất lương thực, cây trồng, làm thủy lợi và phong trào hợp tác hóa nông nghiệp.

Tổng kết các cuộc kháng chiến, toàn tỉnh có gần 16.000 liệt sĩ, 1.600 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 500 cán bộ lão thành cách mạng, hơn 700 cán bộ tiền khởi nghĩa, hơn 12.000 thương binh, bệnh binh cùng hàng chục vạn người đang được hưởng chính sách người có công với cách mạng.

Giai đoạn 1997 - 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 13,27%/năm. Riêng năm 2022, vượt qua khó khăn ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kinh tế của tỉnh phục hồi, tăng trưởng, với GRDP đạt 9,54%, cao nhất từ năm 2014 đến nay, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm.

Thu ngân sách đạt trên 40.000 tỷ đồng, nằm trong số ít địa phương có số thu nội địa cao nhất cả nước. Đến nay, tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ chiếm trên 93%; nông-lâm nghiệp, thủy sản còn 6,85%.

Đô thị Vĩnh Phúc văn minh, hiện đại, đáng sống đang dần hiện hữu; những địa danh in dấu chân Bác Hồ về thăm trước đây như Vĩnh Yên, Tam Đảo, Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Phúc Yên đều là các địa phương phát triển, nơi đáng sống, với văn hóa, giáo dục được nâng cao, hệ thống cơ sở hạ tầng đầu tư theo hướng hiện đại, đồng bộ.

Cùng với phát triển kinh tế, Vĩnh Phúc luôn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; là địa phương đi đầu trong sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn.

Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ. Đặc biệt, với quan điểm “lấy con người làm trung tâm của sự phát triển, tất cả vì hạnh phúc của nhân dân” và “mọi người dân đều được hưởng thành quả từ sự phát triển”, Vĩnh Phúc đang triển khai thí điểm xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu tại 28 thôn, tổ dân phố.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII đã ban hành Nghị quyết “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, trong đó, quyết định đầu tư và huy động các nguồn lực cho văn hóa, tối thiểu 2% tổng chi ngân sách và dành từ 8 - 10% trên tổng nguồn vốn đầu tư phát triển cho lĩnh vực văn hóa.

Để xây dựng Vĩnh Phúc ngày càng “giàu mạnh, phồn vinh” như lời căn dặn của Bác, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan đề nghị toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thi đua hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, quyết tâm xây dựng Vĩnh Phúc thành vùng đất đáng sống, thành địa chỉ đầu tư đáng tin cậy và điểm đến văn hóa.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Biểu dương, chúc mừng những thành tựu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Phúc đạt được qua các thời kỳ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Vĩnh Phúc là vùng đất lịch sử, chính trị và văn hóa lâu đời.

Xứng đáng với sự quan tâm và tình cảm của Bác Hồ, 60 năm qua, trong đó có hơn 36 năm đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh không ngừng đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Trước những thời cơ và vận hội mới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Vĩnh Phúc tiếp tục quán triệt, thực hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Anh; Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành trao Bằng khen cho các địa phương có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo Bác.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Anh; Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành trao Bằng khen cho các địa phương có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo Bác.

Trước mắt là đánh giá và tổng kết một bước việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu tới giữa nhiệm kỳ; nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung các chỉ tiêu phù hợp, đồng bộ với các chủ trương mới của Đảng, Nhà nước, nhất là Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tiếp tục tìm tòi, đổi mới phương thức, làm chuyển biến thực chất công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị theo yêu cầu của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, khóa XII và Kết luận số 21 của BCH Trung ương khóa XIII gắn với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm nâng cao hơn nữa vị thế, vai trò, hiệu quả lãnh đạo của các tổ chức Đảng, vai trò, nhiệm vụ quản lý của các cấp chính quyền.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành phát động phong trào thi đua.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành phát động phong trào thi đua.

Đổi mới bộ máy hệ thống chính trị thật sự gọn nhẹ, chuyên nghiệp, liên thông gắn với lộ trình số hóa, nâng cao hiệu quả quản trị. Chủ động phát hiện, bồi dưỡng hạt nhân tiêu biểu, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong học tập, làm theo Bác và những lời căn dặn của Bác khi Người về thăm tỉnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị Vĩnh Phúc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, gắn chặt với huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, phát huy cao nhất tiềm năng, các lợi thế, xây dựng Vĩnh Phúc xứng đáng là tỉnh giữ vị thế quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng.

Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp cao gắn với tăng cường xây dựng nông thôn mới, đủ tiêu chí và điều kiện trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Tiếp tục phát triển kinh tế đồng bộ với phát triển văn hóa, xã hội; bảo vệ, phát triển toàn diện môi trường sống một cách nhân văn, trên nền tảng các giá trị truyền thống, mang bản sắc của vùng đất và con người Vĩnh Phúc, hài hòa với vùng, với cả nước và sự tiến bộ của thời đại.

Đồng thời, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, trực tiếp bảo đảm an ninh nông thôn, an ninh công nghiệp; bảo đảm môi trường sống và sản xuất an toàn, ổn định, thân thiện để thu hút mọi nguồn lực đầu tư trong, ngoài nước vì mục tiêu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước; đến năm 2030 là tỉnh phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ bản đủ tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương và đến năm 2045 là thành phố phát triển toàn diện.

Các tiết mục văn nghệ đặc sắc chào mừng lễ kỷ niệm.

Các tiết mục văn nghệ đặc sắc chào mừng lễ kỷ niệm.

Tại buổi lễ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng Đảng và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành đã phát động phong trào thi đua yêu nước với chủ đề “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023”, với 8 nhiệm vụ trọng tâm.

* Đoàn đại biểu tỉnh Lào Cai do đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai làm Trưởng đoàn đã dự buổi lễ kỷ niệm long trọng này.

Nguồn: Báo Vĩnh Phúc

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/364356-vinh-phuc-ky-niem-93-nam-ngay-thanh-lap-dang-cong-san-viet-nam-va-60-nam-ngay-bac-ho-ve-tham