Vĩnh Phúc: lễ hội Chạy cày ước nguyện mùa màng bội thu
Ngày 3/2 (mùng 6 tháng Giêng) lễ hội Chạy cày đã diễn ra tưng bừng tại làng Đan Trì, xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là lễ hội cổ xưa mang ước vọng cho quê hương đất nước thanh bình, no ấm, người dân an cư lạc nghiệp.
Chạy cày (còn gọi là lễ cầu mùa), là lễ hội dân gian có nguồn gốc rất xa xưa, tưởng nhớ công ơn của thần Quý Minh đã dạy cư dân biết cày cấy, làm nông nghiệp, đồng thời bày tỏ ước nguyện về một mùa màng bội thu, thời tiết thuận lợi và cuộc sống ấm no.
Về nguồn gốc của lễ hội, các bô lão của làng Đan Trì cho biết, truyền thuyết kể rằng, trên đường đánh giặc Thục, vị thần Quý Minh đã qua làng Đan Trì (nay là xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc). Nhận thấy dân làng đói khổ, thiếu thốn, dù quân cơ gấp gáp, ngài vẫn dành thời gian dạy người dân cách cày cấy.
Chính vì trong hoàn cảnh gấp rút để chống giặc Thục như vậy, nên tất cả các hoạt động trong lễ hội Chạy cày đều diễn ra rất nhanh chóng, gấp rút. Người tham gia lễ hội phải “chạy thật nhanh, cày thật nhanh, cấy thật nhanh” để còn phải kịp thời gian thúc quân lên đường đánh giặc.
Trước đây do chiến tranh, lễ hội Chạy cày bị gián đoạn một thời gian và không được tổ chức. Tuy nhiên, từ năm 2010, lễ hội đã được khôi phục lại và lấy ngày chính hội là ngày 6 tháng Giêng hàng năm.
Bắt đầu từ năm 2025, lễ hội Chạy cày được tổ chức hàng năm theo quy mô cấp huyện thay vì 5 năm/lần do xã tổ chức, còn lại các năm khác là do thôn tổ chức. Các hoạt động diễn ra trong lễ hội rất phong phú, gồm 2 phần chính: phần lễ và phần hội.
Phần lễ bắt đầu từ sáng mùng 5 tháng Giêng. Vào ngày mùng 6 tháng Giêng, sau các phần khai mạc, nghi thức rước thánh từ đình làng Đan Trì ra tới miếu nằm cạnh đê bên tả sông Phó Đáy được diễn ra vào buổi sáng và nghi thức tế lễ diễn ra vào buổi chiều.
Phần hội tái hiện lại cảnh đức thánh Quý Minh dạy dân cày cấy trước khi lên đường đánh giặc. Theo đó người dân địa phương được lựa chọn sẽ chia thành 2 nhóm (còn gọi là 2 Giáp) trong trang phục truyền thống, chỉnh tề, tham gia các nghi thức chạy cày, cấy, rước đuốc.
Các Giáp đại diện cho các khu dân cư tập trung tại 2 địa điểm: Giáp Đông Nam gồm xóm Cầu, xóm Lồ tập trung tại ngã ba xóm Lồ (cách đình 300m); Giáp Tây Bắc gồm xóm Chằm và xóm Chấu tập trung trước cổng chùa Đan Trì (cách đình 300m).
Sau hồi trống lệnh, 2 Giáp đốt đuốc tiến về đình, họ thực hiện các nghi thức múa biểu diễn cày 3 vòng quanh sân đình. Sau đó, họ cùng trụ lại ở giữa sân. Đội cấy thực hiện công việc cấy theo chiều từ Đông sang Tây. Cùng lúc đó, có người thực hiện nghi thức té nước tạo mưa.
Các nghi thức hoạt động được lặp đi lặp lại 3 vòng liên tục. Kết thúc hội Chạy cày, dân làng ra về trong ước vọng về một năm cày cấy, lao động sản xuất được mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết sẵn sàng lên đường đánh đuổi ngoại xâm, gìn giữ thanh bình cho quê hương đất nước.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/vinh-phuc-le-hoi-chay-cay-uoc-nguyen-mua-mang-boi-thu.html