5 lễ hội đậm chất văn hóa miền Tây không nên bỏ lỡ trong tháng Giêng
Giữa tiết trời ấm áp, dễ chịu của tháng Giêng, người dân khắp cả nước đều hòa mình vào không khí vui tươi, rộn ràng của những lễ hội Xuân đầy thú vị. Tại khu vực miền Nam, các tỉnh thành cũng nô nức tổ chức nhiều lễ hội lớn thu hút đông đảo du khách và người dân địa phương quan tâm.
Hội Xuân núi Bà Đen (Tây Ninh)
Hội Xuân núi Bà Đen - Tây Ninh năm Ất Tỵ 2025 vừa khai mạc vào tối 1/2 (tức mùng 4 Tết) được tổ chức tại Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen và thu hút nghìn du khách đến tham gia. Lễ hội thường kéo dài từ đầu đến hết tháng Giêng, đón hàng triệu du khách từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh khác thuộc Nam bộ đổ về hành hương, lễ bái nguyện một năm mới an yên, hạnh phúc, công việc tốt lành cho bản thân và gia đình và tham quan du lịch.
Bên cạnh đó, hội Xuân còn quy tụ nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc trưng, phục vụ nhu cầu vui Xuân đón Tết, sinh hoạt tín ngưỡng của người dân và du khách. Ngoài ra, đến tham dự Hội xuân tại núi Bà Đen năm nay, du khách sẽ được chiêm ngưỡng thiên đường hoa tulip với hơn 115.000 gốc hoa nhiều màu sắc cùng vô số loài hoa Xuân đua nở.
Lễ hội miếu Bà Thiên Hậu (Bình Dương)
Lễ hội miếu Bà Thiên Hậu hằng năm được tổ chức vào 3 ngày từ 13 đến 15 tháng 1 Âm lịch tại Bình Dương. Đêm 13 Âm lịch, người dân sẽ chuẩn bị lễ vật cúng tế và bày biện ở trước nhà cho lễ rước Bà ngày hôm sau.
Các hoạt động của lễ rước Bà sẽ diễn ra vào sáng 14 tháng Giêng theo những nghi thức cổ truyền như kiệu Bà được rước đi khắp các đường phố cùng với những đội múa lân, sư tử, rồng, cờ xí ngợp trời.
Vào ngày 15 Âm lịch, người dân sẽ tập trung về chùa Bà để thắp hương cúng lễ, cầu phúc, cầu lộc cho năm mới. Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu Bình Dương là một lễ hội dân gian mang những nét văn hóa độc đáo riêng.
Lễ hội Tống ôn (Cần Thơ)
Lễ hội Tống ôn (hay còn gọi là Tống phong, Tống gió) là một lễ hội cầu an truyền thống của ngư dân, được diễn ra hàng năm trong ba ngày từ ngày 12 - 14 tháng Giêng âm lịch. Trong đó các lễ chính (bao gồm nghi thức Tống ôn) sẽ diễn ra trong ngày 14 tháng Giêng, với nhiều hoạt động văn hóa, đậm chất sông nước miền Tây.
Lễ hội gồm có lễ Cầu an, cúng Bà, cúng Thổ thần và người khuất mặt, thả bè ra sông lớn và múa lân… Vào chiều 14 tháng Giêng âm lịch, hàng trăm tàu thuyền cùng với đoàn múa lân sẽ diễu hành trên sông, thực hiện nghi lễ té nước để xua đuổi những điều xấu, dịch bệnh, cầu mong quốc thái dân an.
Tết Nguyên Tiêu của người Hoa tại TP.HCM
Tết Nguyên tiêu năm nay sẽ rơi vào ngày 12/2 dương lịch, tức ngày 15/1 âm lịch. Đây là lễ hội lớn trong tháng Giêng tại TP.HCM của cộng đồng người Hoa. Tết Nguyên Tiêu còn có tên gọi khác là lễ Thượng nguyên hay thường được gọi bằng cái tên quen thuộc là rằm tháng Giêng, mang ý nghĩa cầu mong một năm hạnh phúc, gia đạo bình an, đất nước yên ấm, mưa thuận gió hòa.
Mỗi dịp Tết Nguyên Tiêu, khu vực Chợ Lớn, dọc các tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông, Châu Văn Liêm, Lão Tử, Lương Nhữ Học, Nguyễn Trãi, Trần Xuân Hòa và tại Trung tâm Văn hóa Quận 5, người dân và du khách được hòa mình vào không khí náo nhiệt của các hoạt động diễu hành nghệ thuật đường phố, múa lân sư rồng, đấu đèn, biểu diễn hát bội, và hội chợ ẩm thực độc đáo.
Lễ rước Ông Châu Xương
Lễ rước Ông Châu Xương (hay lễ rước Nghinh Ông) diễn ra vào rằm tháng Giêng tại chân núi Sam thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Đây là hoạt động tín ngưỡng lâu đời, góp phần làm phong phú thêm nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương.
Theo đó, ba người dân có uy tín tại địa phương sẽ lần lượt hóa thân vào hình tượng Châu Xương, Quan Công và Quan Bình trong truyền thuyết. Sau đó, một đoàn xe lớn được trang trí bắt mắt với các đội trống, kèn và quân lính sẽ hộ tống các vị trên đi vòng quanh dưới chân núi Sam để thực hiện các hoạt động nhằm ban phước lành cho người dân.