Vĩnh Phúc ra lộ trình giải ngân vốn đầu tư công
Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến hết ngày 30/9/2022 đạt trên 60%; đến hết ngày 31/12/2022 đạt trên 90% và đến hết ngày 31/01/2023 giải ngân trên 95% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022.
Thực hiện ý kiến của Bộ Tài chính tại Văn bản số 7413/BTC-ĐT ngày 28/7/2022 và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, về việc kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa yêu cầu các sở, ngành và huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh quyết tâm thực hiện hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2022.
Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến hết ngày 30/9/2022 đạt trên 60%; đến hết ngày 31/12/2022 đạt trên 90% và đến hết ngày 31/01/2023 giải ngân trên 95% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022.
UBND tỉnh yêu cầu giám đốc/thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đó là ban hành kế hoạch cụ thể nhằm kịp thời chấn chỉnh, khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công, trường hợp vượt thẩm quyền phải chủ động báo cáo, đề xuất UBND tỉnh hướng giải quyết.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, rà soát các đơn vị chưa hoàn thành việc phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2022 thì đề xuất UBND tỉnh biện pháp xử lý theo đúng quy định của Luật Đầu tư công; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấp hành nghiêm các quy định trong quản lý đầu tư công, đấu thầu, xây dựng, thanh toán vốn; tổ chức lập kế hoạch chi tiết cho từng dự án từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến triển khai thi công, nghiệm thu và thanh quyết toán đảm bảo phù hợp tiến độ chung của dự án và đúng quy định, bao gồm cả phần vốn được phép chuyển nguồn và kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân.
Ngoài ra, Sở này cần phân công cụ thể lãnh đạo, cán bộ theo dõi chỉ đạo, điều hành công việc từ khâu lập, thẩm định hồ sơ dự án - thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công, đảm bảo phù hợp tiến độ và đúng quy định; căn cứ vào đó để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
Đồng thời xây dựng tiến độ chi tiết cho từng dự án/công trình để theo dõi, đôn đốc, quản lý tiến độ, đảm bảo tiến độ chung, đến cuối quý III/2022 phải giải ngân đạt tối thiểu 60% kế hoạch vốn, đến hết ngày 31/01/2023 phải giải ngân phải đạt từ 95% kế hoạch vốn trở lên.
Các đơn vị giải ngân không đạt chỉ tiêu nêu trên người đứng đầu cơ quan, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh; đồng thời, bị xử lý trách nhiệm nếu không giải ngân hết số vốn được giao.
Các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án tăng chỉ đạo thường xuyên thực hiện công tác giám sát và đánh giá đầu tư; công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, đồng thời chấn chỉnh và nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác thẩm định chủ trương đầu tư; thẩm định dự án - thiết kế cơ sở, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán.
Cùng đó tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý chất lượng công trình; lập hồ sơ thanh, quyết toán các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng đúng thời gian quy định; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những sai phạm theo kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; không ký kết hợp đồng đối với các nhà thầu tư vấn, thi công không có năng lực thực hiện.
Các sở quản lý xây dựng chuyên ngành (xây dựng, giao thông vận tải, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương) cần tăng cường vai trò, trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, Ban quản lý dự án kịp thời xử lý các trường hợp khó khăn, vướng mắc; quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc điều chỉnh dự án đầu tư, tăng cường công tác theo dõi, đánh giá, thanh, kiểm tra, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý ngân sách nhà nước trong phạm vi quản lý; kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công, đấu thầu, thanh quyết toán vốn.
Sở Tài chính cân đối các nguồn vốn từ ngân sách tỉnh chi cho đầu tư phát triển theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và hàng năm đã được HĐND tỉnh giao.
Thời gian gần đây, tỉnh Vĩnh Phúc đã có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án đầu tư. Điển hình là Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 26/02/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về lãnh đạo thực hiện các biện pháp đẩy nhanh giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án phục vụ phát triển kinh tế- xã hội. Sau hơn 01 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU đã đạt được kết quả khả quan.
Trong năm 2021, toàn tỉnh đã giải phóng mặt bằng được 1.030 ha đất, cao gấp 2,5 lần so với năm 2020. UBND các huyện, thành phố trong tỉnh đã tổ chức cưỡng chế 94 cuộc cưỡng chế thu hồi đất, 22 cuộc cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc và 02 cuộc bảo vệ thi công.
Vĩnh Phúc đã ban hành 451 quyết định cưỡng chế thu hồi đất và 146 quyết định cưỡng chế, kiểm đếm tại 78 dự án, gấp 10 lần giai đoạn 2015-2020. Đây là bước đột phát để tạo đà cho các dự án giao thông, xây dựng, phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp sớm được triển khai theo đúng kế hoạch, tạo niềm tin với các nhà đầu tư, doanh nghiệp...
Năm 2022, nguồn vốn kế hoạch giao cho các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được bố trí cho 17 công trình và dự án chuyển tiếp; 2 dự án khởi công mới và 13 dự án kéo dài vốn năm 2021 sang năm 2022.
Nguồn vốn đã giao, bố trí đến ngày 15/6 đạt gần 1.600 tỷ đồng; trong đó trên 530 tỷ đồng bố trí cho các dự án ODA, còn lại là các dự án, công trình trọng điểm khác. Ngoài các dự án ODA đạt tỷ lệ giải ngân khoảng 50% kế hoạch, nhiều dự án trọng điểm khác đều có tỷ lệ giải ngân thấp.../.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/vinh-phuc-ra-lo-trinh-giai-ngan-von-dau-tu-cong/257244.html