Vĩnh Phúc: tăng cường công tác kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An yêu cầu các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường đảm bảo an ninh chính trị nội bộ, kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ...

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: D.H

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: D.H

Công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực được triển khai thực hiện hiệu quả

Ngày 23/7, Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức hội nghị đánh giá kết quả công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp 6 tháng đầu năm; triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.

Báo cáo đánh giá của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc trình bày tại hội nghị cho biết, 6 tháng đầu năm, tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn cơ bản đảm bảo ổn định, quốc phòng được giữ vững.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) và cải cách tư pháp; các thông báo kết luận của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về công tác PCTNTC.

Các phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự; công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; một số vụ việc kéo dài phức tạp... đã được chỉ đạo thực hiện hiệu quả, và giải quyết dứt điểm.

Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan tố tụng tập trung xác minh điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc nổi cộm, phức tạp về an ninh trật tự mà dư luận xã hội quan tâm. Công tác cải cách tư pháp được quan tâm chỉ đạo thực hiện, việc thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp được đảm bảo; không có vụ án khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử oan, sai, bỏ lọt tội phạm.

Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh Vĩnh Phúc được kiện toàn, duy trì hoạt động; tập trung đôn đốc, giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, tiêu cực đang tạm đình chỉ do có khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định đánh giá, và các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Nhiều vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh theo dõi, chỉ đạo đã cơ bản kết thúc điều tra, hoàn thành việc truy tố. Công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, tiêu cực đạt hiệu quả.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền địa phương, nhất là người đứng đầu có nhiều đổi mới, quyết liệt hơn. Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực được tăng cường.

Công tác giám định, định giá và thu hồi tài sản tham nhũng cần chuyển biến tích cực hơn nữa

Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An ghi nhận những nỗ lực, trách nhiệm của các cơ quan chức năng, địa phương trong việc tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác nội chính, PCTNTC và cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm.

Đồng thời, chỉ ra những hạn chế, thiếu sót như công tác chỉ đạo thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực ở một số đơn vị hiệu quả chưa cao. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng qua công tác tự kiểm tra, giám sát tại cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế. Còn một số vụ án, vụ việc tạm đình chỉ do đợi cung cấp tài liệu, chứng cứ, đợi kết quả giám định chưa được xử lý…

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An yêu cầu các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong thời gian tới tăng cường đảm bảo an ninh chính trị nội bộ, kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; đảm bảo an ninh văn hóa tư tưởng, an ninh thông tin truyền thông; an ninh tôn giáo; an ninh trong công nhân, người lao động, trong các khu, cụm công nghiệp, an ninh mạng…

Đẩy mạnh công tác đấu tranh, trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là loại tội phạm tín dụng đen, tội phạm công nghệ cao, ma túy, tham nhũng, kinh tế…

Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương chỉ đạo tăng cường giám sát, kiểm soát hiệu quả việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn, nhất là kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong công tác cán bộ, trong hoạt động kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng, hoạt động thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và trong quản lý, sử dụng tài sản công.

Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan khối nội chính, cơ quan hỗ trợ tư pháp trong công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; chỉ đạo xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm và các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo xử lý.

Tạo bước chuyển biến tích cực hơn nữa trong công tác giám định, định giá và thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực, các vụ án kinh tế; đẩy mạnh, tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong các sở, ngành, địa phương.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Đối với công tác cải cách tư pháp, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức và thực hiện pháp luật của người dân.

Sỹ Hào

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/vinh-phuc-tang-cuong-cong-tac-kiem-soat-quyen-luc-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc.html