Vĩnh Phúc: Tăng cường đầu tư hệ thống phân phối tiêu thụ hàng Việt Nam
Đầu tư cho hệ thống phân phối; tăng cường các giải pháp xúc tiến thương mại… là các giải pháp Vĩnh Phúc đã triển khai nhằm nâng cao hiệu quả tiêu thụ hàng Việt.
Hoàn thiện hệ thống phân phối hàng Việt
Mới đây, Trung tâm Phát triển Công Thương Vĩnh Phúc tổ chức khai trương 3 Điểm bán hàng Việt Nam năm 2024.
Các Điểm bán hàng Việt Nam đặt tại cửa hàng tiện ích của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hương Thắm - xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên; siêu thị tiện ích H-Mark - xã Phú Xuân huyện Bình Xuyên và Siêu Thị Tiện ích Mini mark Tuyết Nhung – thôn Ngọc Đường, xã Hồng Châu, huyện Yên Lạc.
Đây là nơi quảng bá, tiêu thụ đặc sản của địa phương, giúp hộ gia đình, doanh nghiệp làng nghề tiêu thụ sản phẩm bền vững, hỗ trợ các tiểu thương, nhà bán lẻ, siêu thị tăng doanh số bán hàng.
Đồng thời, các điểm bán hàng trên hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong nước nâng cao năng lực, ổn định thị trường. Đặc biệt là đưa các sản phẩm hàng Việt có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, đa dạng về chủng loại, đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng; tạo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ bền vững, nhằm phục vụ đa dạng nhu cầu của người dân.
Trước đó, vào năm 2023, Sở Công Thương Vĩnh Phúc đã xây dựng 3 điểm bán hàng cố định với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại xã Đồng Thịnh (Sông Lô), thị trấn Lập Thạch (Lập Thạch) và thị trấn Gia Khánh (Bình Xuyên). Các điểm bán hàng Việt đã phát huy được hiệu quả, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; tăng cường cơ hội kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
Cùng với việc xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai rất nhiều giải pháp nhằm quảng bá hàng Việt Nam đến người tiêu dùng. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực đổi mới công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhất là trong mua sắm tài sản công, hàng tiêu dùng cá nhân và gia đình.
Đáng chú ý, để hàng Việt Nam chinh phục được người tiêu dùng Vĩnh Phúc, Sở Công Thương đã tăng cường vận động các doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, đổi mới quy trình sản xuất, quản lý nhằm tạo ra nhiều sản phẩm có mẫu mã, chất lượng cao, giá thành hợp lý, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Nhờ đó, nhiều sản phẩm, hàng hóa được sản xuất trên địa bàn tỉnh ngày càng tạo được uy tín đối với người tiêu dùng và trở thành thế mạnh trong sản xuất của tỉnh và cả nước như hàng may mặc, vật liệu xây dựng, nông sản…
Song song với đó, Sở Công Thương đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hội chợ giới thiệu hàng Việt; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia các hội chợ trong và ngoài nước để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của tỉnh tới người tiêu dùng; kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh với các tỉnh/thành phố trong nước; hỗ trợ thông tin kết nối, tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP cho các tỉnh.
Ngoài ra, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính, Cục quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, vận chuyển, mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng; tuyên truyền, vận động người dân phát huy vai trò giám sát tại cộng đồng, phát hiện, tố giác các hành vi về sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Hàng Việt Nam ngày càng được ưa chuộng
Thông qua những giải pháp thiết thực của các cấp, ngành, địa phương trong triển khai, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã làm thay đổi đáng kể nhận thức và thói quen dùng hàng Việt của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Cùng với ưu tiên tiêu dùng hàng trong nước, Cuộc vận động đã động viên, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu để sản xuất ra nhiều hàng hóa, sản phẩm có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nhiều hàng hóa, sản phẩm uy tín, thương hiệu ở thị trường trong nước và quốc tế, tiêu biểu như các sản phẩm của Công ty Toyota, Honda, Viettel Vĩnh Phúc, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc, Thép Việt Đức... Cuộc vận động đã góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao uy tín của doanh nghiệp Việt Nam, thực hiện các giải pháp để giữ vững ổn định sản xuất, kinh doanh, duy trì phát triển kinh tế, ổn định xã hội.
Thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục xây dựng, nhân rộng thêm các Điểm bán hàng Việt, ngành Công Thương Vĩnh Phúc sẽ vận động doanh nghiệp đưa thêm một số mặt hàng đặc sản của địa phương vào Điểm bán hàng Việt Nam để người tiêu dùng có thêm cơ hội mua sắm, ổn định cung cầu hàng hóa và giá cả trên thị trường; giúp người tiêu dùng nhận thức đúng khả năng kinh doanh của doanh nghiệp Việt về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Bên cạnh đó, tổ chức thường xuyên các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi để hàng Việt thực sự có chỗ đứng vững chắc đối với người tiêu dùng Việt.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, xây dựng kênh thông tin chuyên đề về hàng Việt giúp cho người dân trên địa bàn tỉnh có nhiều thông tin hơn về chất lượng, sản phẩm hàng hóa Việt. Hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận và xây dựng được hệ thống phân phối hàng Việt tại thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần phát triển hệ thống phân phối hàng Việt cố định và bền vững.