Vĩnh Phúc: Tăng cường vai trò truyền thông trong phòng chống dịch Covid-19
Nhằm ngăn chặn, khống chế làn sóng dịch bệnh thứ 2, Vĩnh Phúc đã phát huy mạnh mẽ vai trò thông tin- truyền thông trong phòng chống dịch bệnh, tạo niềm tin và sự đồng hành của người dân hướng đến bảo vệ, giữ vững thành quả chống dịch.
Đi đầu triển khai ứng dụng Bản đồ số dịch tễ Covid-19
Trước diễn biến nhanh, phức tạp của dịch bệnh Covid-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, tỉnh triển khai đồng bộ ứng dụng công nghệ hiện đại phục vụ công tác chống dịch của tỉnh.
Theo đó, tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với đơn vị chủ quản ứng dụng Zalo, hỗ trợ công các truyền thông phòng, chống dịch Covid-19 trên ứng dụng Zalo, thông qua nhãn mang tên “Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 Vĩnh Phúc”, cung cấp cho người dân trên địa bàn tỉnh sử dụng Zalo những thông tin mới, nhanh nhất liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19.
Tỉnh đưa Bản đồ số dịch tễ Covid-19, tại địa chỉ https://covidmaps.vinhphuc.gov.vn vào hoạt động và là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước triển khai ứng dụng này. Bản đồ số dịch tễ Covid-19 cung cấp, cập nhật các thông tin dịch tễ về danh sách bệnh nhân; tìm kiếm, lọc thông tin theo bệnh nhân; vị trí, số điểm cách ly tập trung; khu vực nhà ở của bệnh nhân nhiễm Covid-19; nơi bệnh nhân đã đến trong vòng 14 ngày và sau 14 ngày; khu vực phong tỏa, thiết lập cách ly y tế; địa điểm, bệnh viện, cơ sở y tế; địa điểm, khu vực bệnh nhân đã đến… Các dữ liệu công khai, minh bạch trên bản đồ, giúp lãnh đạo, các cơ quan chuyên môn trong tỉnh có thông tin kịp thời, tổng quan về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, từ đó có giải pháp ứng phó phù hợp; đồng thời, cung cấp thông tin để người dân biết, nâng cao tinh thần chủ động phòng chống dịch.
Cùng với đó, tỉnh đã triển khai thực hiện Công điện số của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 về lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các cơ sở cách ly tập trung. Toàn tỉnh đã lắp đặt, kết nối hệ thống camera giám sát tại 31 khu cách ly của tỉnh với 349 camera kết nối với hệ thống giám sát tập trung quốc gia phục vụ việc kiểm soát, phòng chống lây nhiễm dịch bệnh.
Thực hiện phương châm chống dịch Covid-19 của tỉnh “Khóa chặt nguy cơ bên trong, chặn đứng sự xâm nhập từ bên ngoài”, đồng hành cùng các lực lượng chức năng trên tuyến đầu chống dịch, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu tỉnh phê duyệt phương án thành lập 9 điểm khai báo y tế điện tử bắt buộc với người đến tỉnh Vĩnh Phúc tại 9 chốt kiểm soát dịch bệnh trên các tuyến đường trọng yếu vào tỉnh.
Việc thành lập các điểm khai báo y tế điện tử bắt buộc là một trong các giải pháp ứng dụng công nghệ được Sở triển khai góp phần phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 lây lan từ các địa phương khác xâm nhập vào tỉnh. Dữ liệu khai báo y tế cho biết thời điểm người đến Vĩnh Phúc, qua chốt kiểm soát dịch bệnh nào, tình trạng sức khỏe, khả năng tiếp xúc với trường hợp bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh... Qua đó nắm bắt, cập nhật thông tin tức thời hằng ngày của người vào địa bàn tỉnh; kiểm tra, phát hiện sớm những sơ hở, thiếu sót, bất cập xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ quan trọng cho công tác truy vết khi cần thiết.
Theo phương án, tỉnh trưng tập 234 cán bộ là giáo viên các trường khối trung học cơ sở và tiểu học biết sử dụng máy tính, thuộc địa bàn một số huyện, thành phố nơi đặt các chốt kiểm soát tham gia các điểm khai báo y tế điện tử. Sở thông tin và Truyền thông cử 9 cán bộ làm nhiệm vụ hướng dẫn sử dụng phần mềm, quy trình thực hiện khai báo y tế điện tử. Tùy từng điểm khai báo y tế điện tử, bố trí từ 24-30 cán bộ chia thành 3 ca trực, làm việc cách nhật. Mỗi điểm khai báo y tế trang bị các máy tính xách tay, thiết bị quét QR Code cầm tay, thiết bị kết nối mạng và các trang thiết bị khác phục vụ công việc kê khai.
Tham gia trực kê khai y tế điện tử tại điểm xuống nút giao IC6, Cao tốc Nội Bài-Lào Cai, xã Văn Quán, huyện Lập Thạch, anh Cao Xuân Tới, Phó Trưởng phòng kỹ thuật, Trung tâm Công nghệ thông tin – Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông chia sẻ, có đi chốt mới cảm nhận được sự vất vả trong chống dịch, thời tiết mùa hè nắng mưa khắc nghiệt, bụi bặm đường sá do xe cộ giao thông qua lại... Song tất cả chúng tôi rất vui vẻ, động viên nhau phối hợp với các lực lượng trực tại chốt quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ ngăn chặn không để Covid -19 xâm nhập từ bên ngoài vào tỉnh.
Truyền thông góp phần khống chế dịch bệnh
Để chuyển tải thông tin nhanh nhất đến với mỗi người dân về diễn biến dịch bệnh, cũng như công tác chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh và các quy định trong phòng chống dịch, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh thành lập Tổ Truyền thông, trực tiếp đồng chí Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông làm Tổ trưởng; thành viên là các đồng chí lãnh đạo và trưởng, phó các phòng chuyên môn của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Vĩnh Phúc, Cổng Thông tin - Giao tiếp điện tử tỉnh.
Tổ Truyền thông pòng chống dịch bệnh Covid-19 đã phát hành trên 40 thông cáo báo chí, gần 40 bản tin cập nhật hằng ngày tình hình dịch, bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Tổ thành lập nhóm “Thông tin nhanh về Vĩnh Phúc” trên mạng Zalo, phối hợp với trên 200 phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, kịp thời cung cấp các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng, chống dịch; hỗ trợ nghiệp vụ cung cấp thông tin, ảnh hiện trường, giải đáp thắc mắc, giúp các phóng viên ở xa, do điều kiện dịch bệnh nên không thể có mặt tại hiện trường để đưa tin về các hoạt động phòng chống dịch của tỉnh. Nhờ vậy, thông tin về công tác phòng, chống dịch của Vĩnh Phúc luôn được đăng tải kịp thời, chính xác, nhất quán và phủ rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng của cả nước.
Thông qua hoạt động của nhóm “Thông tin nhanh về Vĩnh Phúc”, Tổ Truyền thông đã định hướng thông tin truyền thông, từ đó định hình góc nhìn đúng đắn của dư luận nhân dân trong tỉnh và cả nước về công tác phòng, chống dịch tại Vĩnh Phúc. Đồng thời, tạo sự lan tỏa kịp thời động viên các lực lượng tuyến đầu chống dịch cũng như cảnh báo những hành vi vi phạm quy định trong phòng chống dịch bệnh của người dân.
Các cơ quan truyền thông các cấp trên địa bàn tỉnh mở các chuyên trang, chuyên mục tập trung truyền thông mạnh mẽ, cập nhật nhanh nhất tình hình dịch bệnh và các chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh. Cổng Thông tin - Giao tiếp điện tử tỉnh đã kích hoạt lại Trang tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc về phòng, chống dịch Covid-19 tại địa chỉ covid.vinhphuc.vn, trong đó, cập nhật kịp thời thông tin diễn biến tình hình dịch bệnh theo ngày; thông tin hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh; phản ánh nỗ lực phòng, chống dịch bệnh của cả hệ thống chính trị; thông tin giám sát cộng đồng; xử lý vi phạm, khuyến cáo người dân.
Tổ Truyền thông chỉ đạo tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện và đài truyền thanh cấp xã, bảo đảm tần suất phát sóng thêm tối thiểu 2 lần/ngày (ngoài việc tiếp sóng phát thanh vào 3 khung giờ sáng, trưa, chiều của Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh) các thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; chỉ đạo các hình thức thông tin cơ sở khác tăng ít nhất 2 lần so với thời gian trước đó cả về thời lượng, số lượng, tần suất phát các tin, bài thông tin về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời chỉ đạo các huyện, xã khắc phục 554/3100 cụm loa hỏng, bảo đảm thông suốt để tuyên truyền phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Các doanh nghiệp viễn thông đồng hành cùng tỉnh, tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh qua tin nhắn SMS nội mạng của các doanh nghiệp. Đến nay đã thực hiện 45 triệu tin nhắn SMS đến tất cả các thuê bao điện thoại trên địa bàn tỉnh liên quan đến các thông tin về phòng chống dịch bệnh Covid-19. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các ngành, địa phương liên quan xuất bản tờ gấp “Vĩnh Phúc quyết tâm chiến thắng đại dịch” tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 đến các Tổ Covid cộng đồng, doanh nghiệp và các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh nhằm thông tin, tuyên truyền, giúp người dân hiểu, yên tâm, tin tưởng, thực hiện tốt “Thông điệp 5K” của tỉnh.
Mặc dù tỉnh đã đạt được những thành quả quan trọng trong khống chế kiểm soát dịch bệnh song cuộc chiến với Covid -19 vẫn còn nhiều gian nan phía trước với những diễn biến khó lường, do vậy, thời gian tới, Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát thanh, truyền hình, mạng xã hội về chủ trương yêu cầu người bắt buộc khai báo y tế tại các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 khi đến Vĩnh Phúc và tiến tới khai báo y tế điện tử bắt buộc với doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức, các địa điểm công cộng trên địa bàn tỉnh.
Tuyên truyền kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 gắn với bảo đảm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất. Tăng cường tuyên truyền các giải pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19 tại các doanh nghiệp. Trước mắt, tỉnh chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền việc triển khai giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin khai báo y tế để bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sắp diễn ra tới đây.