Vĩnh Phúc: tập huấn kiến thức về phát hiện sớm, sàng lọc rối loạn tâm thần
Sáng 15/5, Bệnh viện Tâm thần tỉnh Vĩnh Phúc triển khai chương trình tập huấn, nhằm trang bị những kiến thức cho nhân viên y tế tuyến huyện, tuyến cơ sở của 136 xã, phường, thị trấn về cách phát hiện, sàng lọc một số rối loạn tâm thần và tự kỷ ở trẻ em.
Nâng cao năng lực phát hiện điều trị sớm rối loạn tâm thần
Chương trình tập huấn nhằm đảm bảo nhân viên y tế thuộc 9 TTYT huyện, thị và 136 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được cập nhật kiến thức về cách phát hiện sớm, sàng lọc một số rối loạn tâm thần và tự kỷ ở trẻ em.
Nội dung chương trình tập huấn giúp các học viên tham dự tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng lâm sàng của các thể bệnh: tâm thần phân liệt; trầm cảm; loạn thần tuổi già, nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng lâm sàng của bệnh loạn thần tuổi già; bệnh tự kỷ ở trẻ em; bệnh động kinh; bệnh chậm phát triển tâm thần; bệnh nghiện chất tác động lên tâm thần;
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Chương trình Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc năm 2024 (Chương trình BVSKTT) được triển khai nhằm tiếp tục nâng cao công tác quản lý, điều trị và phục hồi chức năng cho các bệnh nhân tâm thần nói chung.
Chủ động khám sàng lọc, tăng tỷ lệ phát hiện, quản lý điều trị sớm các rối loạn tâm thần thường gặp. Đặc biệt là phát hiện sớm rối loạn tâm thần tuổi học đường, trẻ em tự kỷ để can thiệp và điều trị sớm. Tăng cường công tác giáo dục, truyền thông phòng chống các rối loạn tâm thần góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.
Nhiều trở ngại trong việc phát hiện, điều trị tâm thần
Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Tâm thần tỉnh Vĩnh Phúc, hiện tại tổng số bệnh nhân động kinh, tâm thần đang quản lý điều trị tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc khoảng 4.331 bệnh nhân. Trong đó 1.275 bệnh nhân động kinh; 1248 bệnh nhân tâm thần phân liệt; 77 bệnh nhân trầm cảm; 1.331 bệnh nhân tâm thần khác.
Thực tế cho thấy, công tác phát hiện, điều trị bệnh nhân tâm thần trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn những trở ngại. Trong đó có thể thấy, điều kiện kinh tế của nhiều gia đình bệnh nhân tâm thần hết sức khó khăn.
Trong khi, Bệnh viện tâm thần tỉnh Vĩnh Phúc – đơn vị dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe tâm thần của địa phương, nhưng trang thiết bị hiện mới cơ bản đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh và thực hiện các kỹ thuật được phê duyệt đạt 75% so với định mức. Vẫn còn chưa đáp ứng được đòi hỏi từ thực tế khám chữa bệnh của các bệnh nhân tâm thần.
Mặt khác, nhận thức của người dân đối với các chứng rối loạn tâm thần cũng còn nhiều hạn chế, không chỉ bệnh nhân không biết rằng mình mắc bệnh, mà ngay cả thân nhân họ thậm chí cũng che giấu về tình trạng bệnh của người thân. Vẫn còn những bệnh nhân từ chối chữa trị, hoặc bỏ qua những giai đoạn điều trị đem lại hiệu quả cao nhất.
“Ngoài việc giảm các hành vi nguy cơ chính, để dự phòng mắc rối loạn sức khỏe tâm thần, đồng thời phát triển, nâng cao năng lực hệ thống để bảo đảm cung cấp dịch vụ phòng, chống rối loạn sức khỏe tâm thần.
Chương trình BVSKTT còn nhằm mục tiêu tăng tỷ lệ phát hiện bệnh, ít nhất 40% người thuộc đối tượng sàng lọc, được định kỳ sàng lọc một số rối loạn sức khỏe tâm thần theo hướng dẫn sàng lọc từng bệnh.” – Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Vĩnh Phúc nói.