Vĩnh Phúc: thị trường kinh doanh vàng bạc trầm lắng, kém sôi động
Hoạt động kinh doanh vàng bạc tại thị trường tỉnh Vĩnh Phúc diễn ra trong không khí trầm lắng, kém sôi động. Nhiều chủ cơ sở cho biết, đây là thực trạng diễn ra suốt nhiều tháng qua, đặc biệt là thời điểm hiện tại, sau khi một số chính sách 'siết' quản lý được áp dụng.
Giao dịch “đóng băng”
Sáng 10/5, khảo sát từ thực tế phóng viên báo Kinh tế và Đô thị ghi nhận giá vàng trên địa bàn vào khoảng 7 triệu 450 nghìn đồng/chỉ vàng nhẫn trang sức; còn vàng đã đăng ký thương hiệu giá tại thời điểm phóng viên khảo sát sáng 10/5 ở Vĩnh Yên lên đến 8,9 triệu đồng/chỉ.
Ở các cửa hàng phóng viên khảo sát, nhận thấy chủ cơ sở đều thực hiện đầy đủ quy định niêm yết giá công khai. Tuổi vàng được đóng dấu cụ thể chính xác trên từng sản phẩm tương ứng, thông tin minh bạch rõ ràng. Đây cũng là thời điểm giá vàng nằm ở mức cao.
Nhưng thực tế cho thấy, các cửa hàng kinh doanh vàng bạc tại thành phố Vĩnh Yên, cũng như ở thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đều chung tình cảnh ít khách. Ở một số cửa hàng, xuất hiện lác đác khách mua, còn số lượng người dân tìm đến để bán vàng hầu như không thấy.
Các chủ cửa hàng kinh doanh vàng bạc tại Vĩnh Phúc cho biết, giao dịch “đóng băng”, hầu hết khách đến giao dịch tại các cửa hàng kinh doanh vàng bạc tại Vĩnh Phúc chỉ là do họ có nhu cầu mua nhẫn cưới, hoa tai… làm quà trong những dịp lễ quan trọng của đời người.
“Nhiều tháng nay hầu như không còn khách tìm đến giao dịch bán hay mua với số lượng lớn, hoặc có nhu cầu mua các sản phẩm thời trang như trước kia nữa. Ở địa phương nào sôi động thì tôi không rõ, nhưng ở Vĩnh Phúc thì rất dễ để khẳng định rằng, thị trường kinh doanh vàng bạc đang trầm lắng, thậm chí ảm đạm” – chị Nguyễn Thị Lan, chủ một cửa hàng kinh doanh vàng bạc tại thành phố Vĩnh Yên cho biết.
Thực trạng có thể nói là ảm đạm như trên được cho rằng xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Theo người dân địa phương, khoảng 10 ngày nay khi xuất hiện thông tin yêu cầu người dân khi mua vàng phải xuất trình chứng minh thư và ký xác nhận số lượng vàng mua, đã khiến nhiều người e ngại.
“Trước kia tôi vẫn theo dõi thị trường vàng và xem đây là một kênh đầu tư kinh doanh kiếm thêm thu nhập mỗi khi nhận thấy thời cơ thuận lợi. Tuy nhiên, bây giờ mua vàng các chủ cửa hàng kinh doanh đều yêu cầu phải trình chứng minh thư, căn cước công dân, và ký nhận số lượng vàng tôi mua của họ. Việc này tôi thấy không thoải mái, và có phần e ngại nên cũng hạn chế giao dịch mua bán” – anh Nguyễn Duy Hân, một khách hàng tại Vĩnh Yên cho biết.
Cần xem xét tháo gỡ nhiều vướng mắc nảy sinh
Có một thực tế đã xảy ra trong lĩnh vực kinh doanh vàng tại tỉnh Vĩnh Phúc, đó là hiện tượng người dân mua vàng tại cửa hàng, nhưng khi họ có nhu cầu bán đem vàng đó đến chính cửa hàng đã mua để bán thì vẫn bị từ chối. Sự việc này đã nảy sinh mâu thuẫn và cả thiệt thòi cho cả hai bên.
Cụ thể trường hợp xảy ra tại thành phố Phúc Yên, người dân mua vàng miếng của cửa hàng kinh doanh vàng bạc SV, phường Trưng Trắc, thành phố Phúc Yên từ thời gian trước, khi vàng còn giá rẻ. Đến nay thấy giá vàng đã lên cao bán đi có lời, họ đem đến cửa hàng vàng bạc SV để bán lại thì bị cửa hàng từ chối mua, lý do từ chối mua vì chưa có Giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng, sợ bị lực lượng chức năng xử phạt.
“Thực tế ở các trường hợp bị cửa hàng từ chối mua, không phải là do hàng giả hay hàng kém chất lượng hay vì giá cao, sợ lỗ vốn. Mà do trước kia chủ cửa hàng chỉ cần đăng ký kinh doanh vàng bạc (nói chung) là được hoạt động, nhưng bây giờ luật pháp quy định mua bán vàng miếng phải đăng ký giấy phép. Nên nhiều cửa hàng thực sự không dám mua lại sản phẩm vàng miếng của mình.” – anh Nguyễn Văn Nhất, một chủ cửa hàng cho biết.
Có thể thấy rơi vào trường hợp như trên cả hai bên đều thiệt thòi, người đầu tư mua lúc rẻ bây giờ lại không bán được đúng thời điểm giá vàng lên cao để kiếm lời. Trong khi chủ cơ sở kinh doanh vàng bạc từ chối mua lại sản phẩm của mình, cũng bị ảnh hưởng nặng nề về uy tín, mà đây là thiệt hại vô cùng lớn cho doanh nghiệp. Do vậy, nhiều ý kiến từ người dân cho rằng cần có những chính sách phù hợp để giải quyết các “mâu thuẫn” như vậy đang nảy sinh trong thực tế, để thúc đẩy giao dịch.
Hiện tại, thêm một vấn đề nảy sinh cũng đang khiến nhiều người mua bán vàng tại Vĩnh Phúc băn khoăn. Ví dụ như trường hợp người dân ở Vĩnh Phúc có nhu cầu mua vàng miếng của một thương hiệu nổi tiếng (cửa hàng của thương hiệu này tại Hà Nội) – do ở Vĩnh Phúc không có cửa hàng nào bán sản phẩm của thương hiệu này, họ phải về Hà Nội mới mua được.
Nhưng, khi có nhu cầu bán, cũng dễ gặp những vấn đề, đó là nếu để mất giấy tờ thì bị từ chối mua - mà khả năng mất giấy tờ mua bán vàng rất dễ xảy ra, thất lạc, hư hỏng, thậm chí có người không lấy giấy tờ. Trường hợp này lại phải đến tận cửa hàng chính hãng để “giải quyết”, ở Vĩnh Phúc mua ở Hà Nội sẽ phải xuống đúng nơi mua để bán, nếu mua ở các tỉnh miền Nam mà rơi vào tình thế này càng rắc rối hơn.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến từ các chủ cơ sở kinh doanh vàng bạc cũng cho rằng, cơ quan chức năng triển khai các biện pháp siết chặt quản lý thị trường vàng là đúng đắn, để làm mình bạch và lành mạnh thị trường.
Tuy nhiên, đối với các sản phẩm bị thu hồi để phục vụ công tác kiểm tra quản lý, đánh giá – có khi hàng tuần sau mới trả lại, mà khi thu hồi đang là thời điểm giá vàng đang cao, nhưng khi trả lại thì giá vàng đã xuống đáy.
Do vậy nhiều ý kiến bày tỏ, nếu trường hợp người bị thu hồi sản phẩm để phục vụ kiểm tra quản lý mà không vi phạm, thì khi trả lại sản phẩm ở thời điểm giá vàng đã xuống đáy, cũng cần các cơ quan chức năng xem xét để hỗ trợ cho họ đỡ thiệt thòi.